Chỉ còn đúng 1 ngày nữa, hơn 1 triệu học sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Trước khi “khởi động” kỳ thi quan trọng, thầy Lê Anh Tuấn, giảng viên môn Toán, ĐH Công nghiệp Hà Nội lưu ý, thí sinh cần có kế hoạch học tập cụ thể theo từng giờ để tận dụng được khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại. Vấn đề quyết định vẫn là kiến thức cơ bản vững chắc cùng với đó là tâm lý vững vàng.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm môn Toán, theo thầy Tuấn, trước khi làm bài, thí sinh nên đọc lướt qua một lượt đề thi, không nên đọc chi tiết kỹ từng câu. Sau khi giám thị phát đề thi, thí sinh sẽ có khoảng 5 phút để kiểm tra đề xem có thiếu sót hoặc thắc mắc gì không.
Hãy tranh thủ thời gian này để lướt nhanh qua một lượt đề thi. Sau khi đọc lướt một lượt, phần nào chắc chắn thì làm trước. Thí sinh nên đọc thật kĩ yêu cầu của câu hỏi để tránh việc sai những câu đáng tiếc dù đã biết rõ câu trả lời.
Thầy Tuấn lưu ý, với mỗi môn thi trắc nghiệm, số lượng câu hỏi sẽ khác nhau, ví dụ với môn Toán đề thi có 50 câu, nhưng đều tuân thủ theo nguyên tắc sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó theo từng khu vực, chính vì vậy thí sinh cần biết phân bổ thời gian hợp lý cho từng khu vực câu hỏi. Mỗi câu hỏi sẽ có bình quân từ 1,5 đến 2 phút để làm, tuy nhiên với các câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu các em cần làm nhanh, chỉ tính ở mức độ vài chục giây một câu, thời gian còn lại các em dồn vào câu mức độ vận dụng và vận dụng cao.
“Với môn Toán, nếu các em thành thạo và nắm vững kiến thức cơ bản thì 38 câu đầu trong đề thi chủ yếu ở mức độ nhận biết thông hiểu, các em nên làm trong khoảng 30 đến 35 phút. 12 câu còn lại ở mức độ vận dụng, vận dụng cao các em sẽ có khoảng thời gian tương đối dài để xử lý. Biết phân bố thời gian và có chiến thuật làm bài trắc nghiệm hợp lý sẽ giúp các em đạt kết quả cao trong môn thi đó.
Tối ưu hóa điểm số theo năng lực và mục tiêu
Tùy vào lực học mà mỗi bạn học sinh sẽ có cho mình những mục tiêu điểm số khác nhau. Đạt điểm 7-8 mỗi môn không phải chuyện quá khó khăn với các em học sinh, đặc biệt là các em có học lực trung bình khá trở lên.
Tuy nhiên, rất nhiều thí sinh chủ quan nên thường bị mất điểm ở những câu dễ. Không chỉ học sinh trung bình khá, kể cả các bạn có học lực khá giỏi vẫn thường mắc những lỗi này. Chỉ cần các thí sinh chú ý hơn một chút trong quá trình làm bài thì cơ hội đạt điểm cao là điều các em có thể nắm trong tầm tay”, thầy Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thầy Tuấn cũng lưu ý thêm rằng, để tối ưu hóa điểm số theo năng lực, thí sinh cần lưu ý, với thí sinh có lực học ở mức dưới trung bình, trung bình, trung bình khá các em cần hiểu rõ bản thân mình để đặt mục tiêu vừa sức.
Ví dụ với môn Toán thí sinh xác định năng lực chỉ đạt được mức khoảng 8 điểm, vậy thì cần tập trung làm tỉ mỉ, chi tiết, kỹ càng 40 câu đầu trong đề thi, vì 40 câu này chính là những câu phù hợp nhất với năng lực của thí sinh, không mắc những sai lầm đơn giản dẫn đến mất điểm oan như nhầm lẫn tính chất, khái niệm, không đọc kỹ đề bài dẫn đến nhầm lẫn, xét không hết các trường hợp, biến đổi sai, tính toán sai, không đặt điều kiện…
Khi làm xong 40 câu này thật cẩn thận thì mới nghĩ tiếp đến việc làm tốt các câu ở phía sau vì các câu ở phía sau hầu hết sẽ ở mức độ khó khăn hơn so với khả năng của mình. Tuy nhiên, thầy Tuấn cho rằng, không có nghĩa là thí sinh sẽ bỏ qua những câu khó hơn ở phía cuối đề thi bởi vì trong những câu khó hơn đó vẫn sẽ có những câu mà thí sinh có thể làm được.
Với thí sinh có học lực khá giỏi để đạt được điểm tuyệt đối theo năng lực của mình thì cần đảm bảo nguyên tắc: “Câu dễ không được sai, câu khó làm được số lượng tương đối so với khả năng của mình”. Để đạt được điều này chỉ cần thí sinh làm cẩn thận từng câu hỏi nhưng cẩn thận phải kèm với tốc độ xử lý nhanh chứ không thể chậm được. Với các câu hỏi mức nhận biết, thông hiểu cần tận dụng thật tốt thời gian để còn dành thời gian cho các câu hỏi mức khó hơn.
“Bình tĩnh, tự tin, nhanh nhưng không ẩu thì chắc chắn các em sẽ đạt được điểm số cao thậm chí vượt lên năng lực của chính mình. Với các bạn lực học khá giỏi, cần nắm rõ các câu khó có thể trải đều ở tất cả các chủ đề kiến thức.
Ví dụ với môn Toán các câu khó trải đều ở các chủ đề: Hàm số và bài toán liên quan; Mũ- logarit; Nguyên hàm, tích phân; Số Phức; Thể tích khối đa diện; Khối tròn xoay; Tọa độ không gian. Vì thế các em phải ôn đều tất cả các chủ đề kiến thức, tuy nhiên các em nắm xem thế mạnh các em ở phần chủ đề nào thì các em tập trung làm những câu ở chủ đề đó nhiều hơn”, thầy Tuấn nói.
Ôn đều các môn
Khi khoảng cách bước đến kỳ thi chỉ còn tính theo giờ, thầy Lê Anh Tuấn khuyên thí sinh nên dành thời gian nghỉ ngơi và ôn lại một lượt tất cả các kiến thức cơ bản, thuộc hết lý thuyết, không luyện đề và cũng không học các câu vận dụng cao…
Bên cạnh đó thí sinh cũng cần cân đối xem các môn để biết chỗ nào cần xem lại kiến thức, nếu chưa nhớ hết kiến thức thì cần xem lại luôn.
“Các em nên nhớ rằng không ai bỏ hết trứng vào cả một giỏ cả, một môn thi không thể quyết định cho cả kỳ thi, vì vậy các em cần dàn đều thời gian ôn tập cho các môn nhé. Cố gắng hết khả năng và đừng quá lăn tăn nếu kết quả chưa được như ý bởi vì thành công sẽ đến với người luôn nỗ lực, kiên trì”, thầy Tuấn nhắn nhủ học sinh./.