Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển đại học

Minh Hường/VOV1 |

Từ ngày 19/9, thí sinh trên cả nước thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020. Thời gian điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến kéo dài đến 25/9 và điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp bằng phiếu đến 27/9.

Từ ngày 19/9, thí sinh trên cả nước thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020. Thời gian điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến kéo dài đến 25/9 và điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp bằng phiếu đến 27/9. Do chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất nên các thí sinh đều có “chiến lược” điều chỉnh nguyện vọng phù hợp để tăng cơ hội trúng tuyển.

Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Nguyễn Minh Khánh, học sinh lớp 12, trường THPT Trần Phú, Hà Nội đã tìm hiểu thông tin về điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường đại học. Minh Khánh thích các ngành liên quan đến công nghệ thực phẩm nên trước kỳ thi, em đã đăng ký xét tuyển vào ngành học này ở một số trường khác nhau, cộng thêm một số ngành học thuộc nhóm Kinh tế, Luật với tổng số 8 nguyện vọng.

Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển đại học - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Với điểm thi khối A đạt 24,75 điểm, em quyết định điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của mình, đó là bỏ tất cả nguyện vọng xét tuyển vào ngành Luật, Kinh tế và đăng ký vào các ngành liên quan đến công nghệ thực phẩm, trong đó ngành Kỹ thuật thực phẩm của Trường đại học Bách khoa Hà Nội được xếp làm nguyện vọng 1. Do không tăng số nguyện vọng so với đăng ký trước đó nên Minh Khánh lựa chọn hình thức điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến rất thuận tiện và nhanh chóng. Nguyễn Minh Khánh cho biết.

"Sau khi thi xong thì điểm số có cao hơn so với điểm số cháu dự kiến nên cháu muốn đăng ký vào trường top cao hơn. Trước khi thay đổi nguyện vọng thì cháu có tìm hiểu thông tin ở các trang web của các trường đại học, cháu được mọi người trong gia đình đóng góp ý kiến, để cháu có lựa chọn tốt nhất cho tương lai của mình. Hiện nay cháu thấy hơi lo lắng bởi vì nguyện vọng 1 của cháu theo cháu dự kiến thì nó hơi cao hơn so với điểm của cháu. Cháu mong mình sẽ đạt được nguyện vọng đấy", Minh Khánh chia sẻ.

Cùng chọn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học nhưng Trần Thanh Sơn, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa, Hà Nội lại quyết định tăng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển so với ban đầu để có thêm cơ hội trúng tuyển. Chỉ sau 15 phút, em đã hoàn thành thủ tục điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu đăng ký xét tuyển tại trường phổ thông đã theo học.

"Điểm thi của cháu được 25 điểm khối C01. Lúc đầu cháu đăng ký 5 nguyện vọng, cháu đổi thêm thành 13 nguyện vọng. Bởi vì phổ điểm năm nay khá là cao nên là cháu muốn gia tăng cơ hội vào được đại học nên cháu đăng ký thêm những trường top dưới. Giáo viên ở trường hỗ trợ cháu khá là tốt trong việc thay đổi nguyện vọng", Trần Thanh Sơn thông tin.

Do chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần duy nhất nên các thí sinh đều có “chiến lược” điều chỉnh nguyện vọng phù hợp với điểm thi, đó là chọn những ngành học có điểm trúng tuyển năm ngoái thấp hơn điểm thi mà mình đạt được để tăng cơ hội trúng tuyển. 

Nhiều thí sinh cho biết, năm nay phổ điểm thi tốt nghiệp của thí sinh cao hơn so với năm ngoái, các trường có nhiều hình thức xét tuyển hơn, cộng với việc một số trường điều chỉnh điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển nên thí sinh vất vả hơn khi tìm hiểu thông tin cũng như cân nhắc có thay đổi nguyện vọng hay không.

Theo các chuyên gia, để tối ưu hóa nguồn tuyển nên các trường đại học thường đưa ra mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển thấp hơn khá nhiều so với điểm chuẩn trúng tuyển dự kiến. Vì vậy, thí sinh không nên căn cứ vào riêng yếu tố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển để lựa chọn thay đổi nguyện vọng mà nên căn cứ vào phổ điểm thi, điểm trúng tuyển các năm trước. 

Nguyên tắc vàng khi thay đổi và sắp xếp thứ tự nguyện vọng là đặt ngành, trường yêu thích ở vị trí đầu tiên thay vì ngành dễ trúng tuyển. Vì nếu nguyện vọng đầu đã trúng thì nguyện vọng sau sẽ không được xét.

Bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội và ông Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khuyến cáo: "Đừng ngăn cản ước mơ cũng như nguyện vọng. Giả sử ngành nào mà mình thích nhất thì mình sẽ xếp nguyện vọng đó lên là nguyện vọng 1, mặc dù có thể nó hơi vượt quá sức mình một chút nhưng mình xếp là nguyện vọng 1 sau đấy thì sẽ đến những ngành vừa sức với mình và cuối cùng là những ngành mà mình chắc chắn đỗ. Như vậy chúng ta có 3 nhóm để xếp.

Chọn những ngành mình yêu thích, những ngành phù hợp với điều kiện của mình, với tình hình xu thế việc làm. Các em chỉ có thể học tốt và sau này ra trường làm việc tốt nếu như các em say mê yêu thích ngành học đó".

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, bên cạnh điểm thi thì nhiều trường cũng có những tiêu chí phụ riêng. Tìm hiểu kỹ những tiêu chí này sẽ giúp thí sinh tránh được sai lầm đáng tiếc và ngược lại cũng có thể tăng thêm lợi thế xét tuyển cho mình. Việc chọn trường không nên phụ thuộc vào tâm lý đám đông, bởi có những ngành ít người quan tâm, những cơ hội học tập sau đại học và việc làm lại rất rộng mở./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại