Điểm thi trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP. HCM) năm nay khá đặc biệt khi có tới 2 thí sinh gặp khó khăn trong di chuyển. Đó là Lê Trần Bảo Nhi - học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Ngày 6/7, Bảo Nhi bị tai nạn trên đường về nhà sau khi làm thủ tục dự thi khiến chân của nữ thí sinh bị bong gân. “Lúc đó em khá lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến việc thi, nhưng rất may mắn khi ba mẹ và bạn bè luôn động viên”, Nhi chia sẻ. Khi đến điểm thi, Nhi được mẹ dìu vào cổng trường và cán bộ coi thi dùng xe đẩy để hỗ trợ nữ thí sinh lên phòng thi.
Một thí sinh đặc biệt khác là Đỗ Hoàng Phúc (20 tuổi), là thí sinh tự do. Được biết, Phúc bị u cột sống từ năm 2 tuổi và phải dùng nạng vào năm 11 tuổi. “Lúc đó cơ thể em trở nên nặng hơn nên chân em không chịu được nhiều lực nữa”. Khi đi thi, ông Quang (60 tuổi, ông của Phúc) đã chở cậu từ TP. Thủ Đức đến địa điểm thi ở quận 1. Ngoài ra, giáo viên ở điểm thi hỗ trợ nam thí sinh bằng cách sắp xếp phòng thi ở tầng trệt. Song, nam thí sinh đã từ chối vì cậu nghĩ rằng bản thân có thể di chuyển như các bạn.
Trước đó, Phúc đã đậu Đại học Y Dược, nhưng vì chưa đúng ngành mà bản thân thích, cậu quyết định thi lại vào năm nay. Mục tiêu của Phúc là đậu vào ngành Dược. Sau khi rời khỏi phòng thi tổ hợp tự nhiên, cậu tự hào khoe với ông mình rằng đã hoàn thành tốt bài thi sinh.
Bên cạnh đó, đội ngũ tiếp sức mùa thi ở trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cũng đã cổ vũ thí sinh với các câu chúc thi tốt được viết bằng nhiều thứ tiếng (Việt, Pháp, Nhật, Hàn). Những lời chúc ấy đã khiến tinh thần các thí sinh trở nên thoải mái trước giờ thi. Được biết, nhiều thành viên trong đội tiếp sức mùa thi đến từ các khoa Ngôn ngữ học của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM.
“Đội vương miện chính mình”, câu phát biểu của Nam Anh trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ, truyền cảm hứng cho Trâm để cổ vũ các sĩ tử. Chị Trâm chia sẻ: “Với tôi, câu nói có ý nghĩa rằng các bạn đã cố gắng hết mình, vậy nên hãy tự tin đội chiếc vương miện chiến thắng khi đã vượt qua những ngày khó khăn, dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa”.
“Chúng tôi nghĩ rằng nếu cổ vũ tiếng Anh thì cũng không có gì đặc biệt, nên sẵn có nhiều thành viên từ các khoa ngôn ngữ, chúng tôi quyết định thử thêm nhiều ngoại ngữ khác nhau xem sao, và cũng để thể hiện đặc trưng của đội hình tiếp sức sinh viên tại điểm thi này”, chị Trâm nói.