Trao đổi với PV Báo Lao Động sáng 12.3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), cho biết theo đề nghị của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ GDĐT đã thực hiện việc chấm thẩm định kết quả bài làm của thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia các năm 2017 và 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
Kết quả chấm thẩm định cho thấy có 65 thí sinh được hưởng lợi từ việc sửa điểm thi. Trong đó, có 64 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, 1 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2017, đã có sai lệch kết quả thi so với kết quả đã công bố.
Thí sinh có điểm chênh lệch cao nhất ở 1 môn là 9,25 điểm/môn, thí sinh có điểm chênh lệch cao nhất ở 3 môn là 26,45 điểm.
PGS.TS Mai Văn Trinh xác định sai phạm, gian lận thi cử ở tỉnh Hòa Bình là vô cùng nghiêm trọng. Các thí sinh gian lận thi cử sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy chế.
Theo quy chế, kết quả chấm thẩm định sẽ là kết quả chính thức của kỳ thi, thay thế cho kết quả đã công bố trước đây. Kết quả chấm thẩm định được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh và đại học, cao đẳng.
“Nếu trước kia thí sinh đạt 27 điểm nhưng sau khi có kết luận điều tra, kết quả chấm thẩm định thí sinh chỉ được 15 điểm thì kết quả cuối cùng là kết quả chấm thẩm định”, PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định.
Đề cập tới công việc tiếp theo sau khi có kết luận điều tra của cơ quan chức năng đối với gian lận thi cử tại Hòa Bình, ông Trinh thông tin Bộ GDĐT đã yêu cầu Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình cập nhật kết quả thi, rà soát xét lại tốt nghiệp.
Đặc biệt, Sở phải thông báo kết quả đã được cập nhật đến cho các trường đại học mà các thí sinh có liên quan học ở đó. Bộ GDĐT cũng đề nghị các trường đại học chủ động liên hệ với Sở GDĐT Hòa Bình để cập nhật kết quả liên quan tới các thí sinh của trường mình.
Theo ông Trinh, trong thời gian qua, Bộ Công an và Bộ GDĐT đều thể hiện rất cao quyết tâm làm rõ các vụ việc gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, để điều tra và giám định kết quả bài làm của thí sinh.