Theo đó, các yếu tố để đánh giá xếp hạng bao gồm:
Năng lực tài chính
Uy tín truyền thông
Mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với dịch vụ bảo hiểm
Có thể thấy, hầu hết các công ty bảo hiểm được xếp hạng đều là doanh nghiệp uy tín và chiếm thị phần khá lớn trong nước, có thể kể đến: Bảo Việt Nhân thọ, Prudential Việt Nam, Dai - Ichi Việt Nam, AIA Việt Nam, Chubb Việt Nam (tên cũ là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ ACE) hay PVI, Bảo hiểm Bưu điện, Bảo hiểm Petrolimex,...
Để có đánh giá khách quan hơn về chất lượng sản phẩm bảo hiểm hay uy tín của các doanh nghiệp này, chúng ta có thể quan sát toàn diện về hiệu quả hoạt động qua doanh thu, thị phần và quy mô qua các con số dưới đây.
Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 18.273,9 tỷ đồng, tăng 26,02% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 8.852 tỷ đồng, tăng 17,36% so với cùng kỳ năm 2015 và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 9.421,9 tỷ đồng, tăng 35,41% so với cùng kỳ năm trước.
PVI đạt doanh thu phí gốc cao nhất
Doanh thu phí gốc 1 số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
Trong nhánh các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc đang là PVI với doanh thu đạt 1.884,33 tỷ đồng, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 21,29% thị phần.
Đứng thứ 2 là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 1.578,49 tỷ đồng, tăng 13,74% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 17,83% thị phần.
Bảo hiểm Bảo Minh đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 738,83 tỷ đồng, giảm 0,68% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 8,35% thị phần.
Tiếp đến là bảo hiểm PTI với doanh thu ước đạt 720,04 tỷ đồng, tăng 36,07% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 8,13% thị phần.
PJICO đang đứng thứ năm với doanh thu ước đạt 581,15 tỷ đồng, tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 6,57% thị phần.
Thị phần thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 3 tháng đầu năm 2016
Ngoài ra, xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (2.840,91 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,09%), tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe (2.213,27 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,00%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (1.430,46 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,16%), bảo hiểm cháy nổ (753,63 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,51%), bảo hiểm thân tàu và TNDS chủ tàu (631,43 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,13%).
Bảo Việt đứng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ
Thị phần thị trường bảo hiểm nhân thọ
Cũng theo báo cáo, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 9.421,9 tỷ đồng tăng 35,41% so với cùng kỳ năm 2015.
Tính doanh thu phí theo từng nghiệp vụ thì nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn cả với 49,47%, tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư 40,31%.
Số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) trong 3 tháng đầu năm ước đạt 5.767.115 hợp đồng, tăng 13,42% so với cùng kỳ năm 2015.
Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm hiện đang phân bổ như sau:
Bảo Việt nhân thọ 28,5% Prudential 26,1% Manulife 11,7% AIA 10,1% Dai-ichi 8,7% PVI Sunlife 4,6% Chubb 3,7% Generali 2,2% Hanwha 1,9% Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%
Đối với lĩnh vực khai thác mới, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới 3 tháng đầu năm nay ước đạt 3.338,69 tỷ đồng tăng 60,08% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới như sau: Bảo Việt Nhân thọ (20,6%), Prudential (20,21%), AIA (11,43%), Manulife (12,36%), Dai-ichi (10,27%), PVI Sun Life (10,07%), Generali (5,29%), Chubb (3,93%), Hanwha (2,12%), Aviva (1,21%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.
Được biết, các nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết chung vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí khai thác mới.
Trong đó bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 45,54%, bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 41,31%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 2,4% các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 1,95% và bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 8,8%.