Thí nghiệm vạch trần sự thật về "túi tự hủy sinh học": Chôn 3 năm, vẫn... như mới

J.D |

Rác thì vẫn là rác thôi. Nếu nghĩ rằng bạn đang sử dụng túi tự hủy sinh học rồi vô tư xả rác, bạn đã sai hoàn toàn rồi.

Nỗ lực đẩy lùi rác nhựa của loài người hiện nay quả thực đáng ghi nhận.

Để loại bỏ sự ảnh hưởng của các vật dụng đã quá tiện lợi và quen thuộc, con người tìm đến các giải pháp thay thế với các tiêu chí vừa tiện nhưng vẫn thân thiện hơn cho môi trường. Một trong số phương án thay thế đến từ cái gọi là "túi tự hủy sinh học" (biodegradable) - loại túi cũng sử dụng một lần nhưng được cho là "phân hủy" nhanh hơn túi nylon bình thường, nên dĩ nhiên là cũng tốt hơn cho môi trường.

Tuy nhiên, bản thân loại túi này có tác dụng thật sự hay không thì vẫn còn đang gây tranh cãi. Và theo như một nghiên cứu mới đây về tính "thân thiện" cho môi trường của loại túi này, có vẻ như tranh cãi sẽ không thể kết thúc sớm được.

Thí nghiệm vạch trần sự thật về túi tự hủy sinh học: Chôn 3 năm, vẫn... như mới - Ảnh 1.

Nghiên cứu lần này do các chuyên gia từ ĐH Plymouth thực hiện. Imogen Napper - chuyên gia đứng đầu nghiên cứu cho biết họ đã chôn một số túi mang nhãn "tự hủy sinh học" xuống đất từ 3 năm trước. Mục đích của thí nghiệm là giải quyết câu hỏi về thành phần có trong những chiếc túi này. Nếu sau 3 năm chúng không bị phân hủy, thì đó vẫn là một loại rác cực kỳ có hại cho môi trường.

Khi đào lên thì bất ngờ thay, những chiếc túi này vẫn mang công dụng chẳng khác gì túi mới tinh, có thể đựng đầy một giỏ đồ. Dù có một chút phân hủy, nhưng tốc độ không hề được như mong đợi.

"Sau 3 năm, tôi thực sự sốc khi những chiếc túi này vẫn đủ chắc để chứa cả một bọc đồ," - Napper cho biết. "Với một chiếc túi loại phân hủy sinh học, kết quả này thực sự đáng kinh ngạc."

"Khi trông thấy chiếc túi có nhãn như vậy, có lẽ ai cũng sẽ kỳ vọng chúng phải phân hủy nhanh hơn túi nylon bình thường. Nhưng sau 3 năm, mọi chuyện vẫn vậy."

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên 5 loại túi nhựa khác nhau do các nhà bán lẻ tại Anh phân phối. Trong đó có 2 loại mang nhãn "oxo-biodegradable" (tự phân hủy thông qua con đường oxi hóa), túi tự hủy sinh học thông thường (biodegradable - phân hủy nhờ vi khuẩn), loại phân hủy hữu cơ (compostable), và một chiếc túi nhựa truyền thống - loại được xem là độc hại cho môi trường.

Thí nghiệm vạch trần sự thật về túi tự hủy sinh học: Chôn 3 năm, vẫn... như mới - Ảnh 2.

Cả 5 chiếc túi được để nguyên tiếp xúc với không khí, chôn trong đất hoặc ngâm trong môi trường biển (tất cả đều là trong phòng thí nghiệm). Các chuyên gia đã tính toán diện tích bề mặt túi phân rã theo thời gian, kết cấu, độ bền và cấu trúc hóa học.

Kết quả, những chiếc túi tiếp xúc với không khí có độ phân hủy khá nhanh, khi bắt đầu mủn dần chỉ sau 9 tháng. Nhưng với môi trường nước và đất, câu chuyện lại trở nên khác hẳn.

Với đất, cả 3 loại túi phân hủy sinh học sau 3 năm đều có độ bền vững tương đương với chiếc túi nylon truyền thống. Riêng túi phân hủy hữu cơ là tuyệt vời nhất, khi bị hòa tan trong nước sau 3 tháng, và mủn vỡ trong đất sau 27 tháng. Tuy nhiên, chẳng chiếc túi nào phân hủy hoàn toàn trong cả 3 môi trường.

Rác thì vẫn là rác thôi

Qua nghiên cứu, Napper cho biết mọi người cần hiểu cái gọi là "đồ nhựa phân hủy sinh học" thực chất là gì. Các vật dụng ấy có thể được tái chế nhờ nhiệt độ và áp suất trong công nghiệp, nhưng ở ngoài tự nhiên thì khả năng biến mất cũng chẳng nhanh hơn là bao.

Hay nói cách khác, nếu bạn tưởng rằng mình sử dụng "túi phân hủy sinh học" là tốt cho môi trường và vô tư thải thêm rác, thì bạn đã nhầm hoàn toàn.

Thí nghiệm vạch trần sự thật về túi tự hủy sinh học: Chôn 3 năm, vẫn... như mới - Ảnh 3.

Napper cũng mong muốn các tiêu chuẩn quốc tế cần phải chặt chẽ hơn với các sản phẩm mang nhãn hiệu "phân hủy sinh học". Đây là điều khá quan trọng, bởi các sản phẩm này đang được chịu mức thuế thấp hơn ở nhiều quốc gia, trong khi công dụng thực sự của chúng thì không nhiều.

"Cần phải hiểu rõ hơn sự khác biệt về các thuật ngữ phân hủy hữu cơ, phân hủy sinh học và phân hủy sinh học oxo. Nghiên cứu này đã đặt ra những câu hỏi mà công chúng mong muốn được giải đáp khi nhìn thấy một sản phẩm mang nhãn này trong tương lai."

Trong tháng 4/2019, Thái Lan đã chính thức công bố luật cấm sử dụng 3 loại nhựa vào cuói năm 2019. Và không phải tự nhiên mà một trong 3 loại nhựa đó chính là nhựa phân hủy sinh học.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology.

Tham khảo: Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại