Từ nhỏ chúng ta đã được dạy rất kỹ rằng phải rửa tay trước khi ăn. Nhưng thói đời, thường những gì không thấy thì hiếm khi được quan tâm, đâm ra nhiều người tỏ ra thờ ơ với chuyện này. Thậm chí, có những người đi vệ sinh xong còn chẳng buồn rửa, cứ thế ra ăn uống vô tư.
Nhưng bạn ơi, rửa tay thực chất là một thói quen hết sức quan trọng, bởi tay bạn thực sự là rất bẩn. Nhờ vào việc phổ biến thói quen này mà những căn bệnh cực kỳ dễ lan truyền như dịch tả, kiết, hay ngộ độc thực phẩm tại các thành phố lớn cũng hiếm khi xảy ra (nếu có thì là do các nguyên nhân khác).
Và để chứng minh điều này, Dayna Robertson - giáo viên trường tiểu học Discovery tại thành phố Idaho Falls (Mỹ) đã quyết định thực hiện một thí nghiệm. Nó đơn giản thôi, chỉ bằng vài lát bánh mì, và kết quả khiến cho mạng xã hội phải dậy sóng.
Cùng với chuyên gia nghiên cứu hành vi Jaralee Metcalf, Robertson đã yêu cầu học sinh với các mức độ tay bẩn khác nhau chạm vào những lát bánh mì mới ra lò. Từng lát sau đó được nhét vào túi kín, niêm phong lại và để nguyên trong một tháng.
"Chúng tôi lấy những ổ bánh mới nguyên, sau đó để học sinh chạm tay vào." - trích trong bài đăng của Metcalf trên Facebook cá nhân.
"Có một lát bánh mì không được chạm tới, một lát bị tay chưa rửa chạm vào, một lát là tay đã được lau bằng gel rửa tay, và một đã được rửa cẩn thận bằng nước ấm và xà phòng. Cuối cùng, một lát được quệt qua bàn phím của một chiếc máy tính xách tay."
Và kết quả sau 1 tháng? Chúng được thể hiện qua những tấm hình dưới đây!
Lát bánh mì được quét qua bàn phím máy tính gần như mốc toàn bộ
Lát bánh bị những đôi tay chưa rửa chạm vào
Còn đây là rửa bằng gel khô
Có thể thấy lát bánh mì quét qua bàn phím laptop không được ổn cho lắm. Dù không ai chạm vào, nhưng độ mốc bao phủ là hết sức kinh khủng. Tương tự là lát bánh bị những đôi tay chưa rửa chạm vào, cũng có độ mốc thực sự kinh khủng.
Việc rửa tay bằng gel khô tưởng như là sạch, nhưng kết quả cũng không có gì thay đổi. Lát bánh bị đôi tay ấy chạm vào cũng đã bị mốc ăn sâu, và dĩ nhiên không thể ăn được nữa.
Sự khác biệt chỉ xuất hiện ở 2 mẫu bánh được chạm bằng tay đã rửa cẩn thận và mẫu chưa ai đụng vào. Cả 2 gần như không suy chuyển gì, trong đó mẫu đã rửa chỉ có đúng một chút mốc trắng tại vết hằn do tay chạm vào mà thôi.
Lát bánh không bị ai chạm vào thì gần như còn mới nguyên
Tay đã rửa cẩn thận bằng nước và xà phòng
Đây có thể xem là một thí nghiệm kinh điểm tại nhiều lớp học trên thế giới, cho phép các giáo viên thể hiện tầm quan trọng của việc rửa tay là như thế nào. Tuy vậy khi Metcalf đăng tải kết quả lên mạng xã hội, nó nhận được rất nhiều quan tâm với hàng chục ngàn lượt bình luận và chia sẻ.
"Rửa tay thực sự là thói quen quan trọng. Bạn cần rửa tay trước và sau khi chuẩn bị đồ ăn," - Terri Stillwell, chuyên gia dịch tễ Hoa Kỳ cho biết.
"Ngoài ra thì trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi xì mũi, sau khi chạm vào vật nuôi... cũng đều phải rửa, vì tất cả đều khiến tay bạn nhiễm bẩn."
Chỉ tiếc là nhiều người đã không để ý đến thói quen này, kể cả sau khi đi vệ sinh. Theo một nghiên cứu vào năm 2000 từ Hiệp hội vi khuẩn Hoa Kỳ, có tới 67% người không rửa tay sau khi sử dụng WC. Mà thậm chí kể cả có rửa thì cũng là qua loa, không kỹ càng và gần như không tạo ra nhiều khác biệt.
Metcalf hy vọng rằng thí nghiệm này sẽ cho thấy tầm quan trọng của việc rửa tay, ít nhất là với các học sinh tại Idaho Falls và những ai đọc được bài chia sẻ của mình.
Tham khảo: Science Alert