Những thiếu niên thiếu ngủ này đã trở thành những người tham gia bất đắc dĩ trong một chương trình thí điểm giáo dục mới gây tranh cãi nhằm cố gắng bắt đầu một ngày của học sinh sớm hơn nhiều.
Học sinh trung học đi bộ đến trường vào sáng sớm ở Kupang, Indonesia. Ảnh: AFP
Chương trình thí điểm đang diễn ra ở thành phố Kupang, thủ phủ của tỉnh Đông Nusa Tenggara tại Indonesia. Theo đó, học sinh lớp 12 của 10 trường trung học phải bắt đầu giờ học từ lúc sáng sớm, chính xác là từ 5:30 sáng.
Chương trình thí điểm này đã được công bố vào tháng trước bởi ông Viktor Laiskodat - Thống đốc Kupang. Các nhà chức trách cho biết, mục đích của thí điểm là nhằm tăng cường tính kỷ luật của trẻ em.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không hài lòng với thí điểm này. Theo hãng tin AFP, các bậc cha mẹ cho rằng, bọn trẻ bị "kiệt sức" khi chúng đi học về.
"Thật vô cùng khó khăn, giờ chúng phải rời khỏi nhà khi trời vẫn còn tối như mực. Tôi không thể chấp nhận điều này... sự an toàn của chúng không được đảm bảo khi trời quá tối và yên tĩnh", Rambu Ata - mẹ của một học sinh 16 tuổi - nói với phóng viên AFP.
Eureka - con gái bà Ata - giờ phải thức dậy từ 4:00 sáng để chuẩn bị và đi đến trường.
Bà Ata cho biết, mỗi khi đi học về, con gái bà đều cảm thấy mệt mỏi và ngủ thiếp đi ngay lập tức.
Theo trang tin WION, cư dân mạng cũng không hài lòng với chương trình thí điểm giáo dục này. ColminIndonesia - một cư dân mạng - đã đề nghị các câu lạc bộ trường học tăng cường hoạt động.
Người này viết: "Con chim dậy sớm để bắt sâu - nhưng chỉ khi trời đủ sáng để nhìn thấy sâu và chim đã tỉnh ngủ. Thí điểm này đã đi quá xa, thậm chí hại còn nhiều hơn lợi. Nó nên được dừng lại. Thay vào đó, tốt hơn là nên điều hành các câu lạc bộ sau giờ học một cách hiệu quả."
Ở Indonesia, các tiết học thường bắt đầu trong khoảng từ 7:00 đến 8:00 sáng, và kết thúc vào khoảng 3:30 chiều. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị nên lùi giờ học lại một tiếng. Ảnh: AFP
Một nghiên cứu được xuất bản bởi Học viện Nhi khoa Mỹ vào năm 2014 đã khuyến nghị rằng, các tiết học dành cho học sinh cấp hai và cấp ba nên bắt đầu lúc 8:30 sáng hoặc muộn hơn. Theo nghiên cứu, điều này sẽ cho phép bọn trẻ có đủ thời gian để ngủ.
Marsel Robot - một chuyên gia giáo dục từ Đại học Nusa Cendana (Indonesia) - đồng ý với nghiên cứu này. Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP, ông Robot nói rằng, việc tiết học đầu tiên bắt đầu lúc 5:30 sáng "không có mối liên hệ nào với nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục", thậm chí còn có thể gây ra tình trạng thiếu ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và hành vi của học sinh.
"Học sinh sẽ chỉ được ngủ trong vài giờ và điều này có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của chúng. Điều này cũng sẽ khiến chúng căng thẳng và có thể giải tỏa căng thẳng bằng cách hành động", ông Robot nói.
Theo thông tin từ tờ Kompas (Indonesia), chính quyền trung ương đã được yêu cầu can thiệp vào chương trình thí điểm giáo dục đã diễn ra từ tháng 2 này.
Theo tờ Kompas, Ủy ban Bảo vệ Trẻ em, Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em Indonesia đều kêu gọi xem xét lại thí điểm này.
Các nhà lập pháp địa phương cũng phản đối việc thay đổi giờ học của học sinh ở Kupang, kêu gọi chính quyền đảo ngược những gì mà họ cho là quyết định phi lý.
Công chức cũng phải đi làm lúc 5:30 sáng
Bất chấp những lời chỉ trích, chính quyền thành phố Kupang tuyên bố rằng, vẫn sẽ tiếp tục và thậm chí mở rộng quy mô chương trình thí điểm, bao gồm cả phòng giáo dục địa phương, nơi nhân viên bắt đầu ngày làm việc lúc 5:30 sáng.
Rensy Sicilia Pelokilla - một công chức trong phòng giáo dục - cho biết, việc bắt đầu giờ làm sớm hơn đã cải thiện sức khỏe của cô, vì giờ đây cô phải tham gia các buổi tập thể dục theo nhóm trong văn phòng mà trước đây cô từng bỏ qua.
Pelokilla nói: "Là một công chức, tôi sẵn sàng tuân thủ luật pháp và tôi sẽ cố gắng hết sức."