1. Đau đớn hơn, là bởi ít ra ở hai chuyến xuất ngoại hơn 3 năm trước, hai ngôi sao của HAGL ít ra cũng hoàn thành được hết mùa giải cùng với CLB của mình, Xuân Trường thậm chí còn có được trọn vẹn 2 mùa giải trên xứ Hàn trước khi phải trở về với HAGL. Và hai chuyến xuất ngoại lần trước có thể được coi là những chuyến "du học" để "lấy kinh ngiệm". Còn bây giờ, họ đều đã bước qua tuổi 23, và những thất bại này là không gì có thể biện minh.
Ngày Xuân Trường, Công Phượng đi Hàn, đi Thái, bầu Đức từng an ủi hai "cậu con cưng" bằng lời phát biểu: "Quan trọng nhất, khi ra nước ngoài thi đấu có thêm cơ hội cải thiện thu nhập, mỗi năm có tiền tỷ thì đáng mừng cho Công Phượng, Xuân Trường chứ".
Vì sao Công Phượng, Xuân Trường thất bại? Cứ nhìn vào phát biểu của bầu Đức thì rõ. Cả Incheon United lẫn Buriram United rõ ràng đều không "đổ tiền tấn" mượn hai ngôi sao HAGL về chỉ để "làm đẹp đội hình". Dĩ nhiên, mục đích làm hình ảnh, quảng bá cho CLB, thu hút thêm người hâm mộ Việt Nam là có, nhưng nó đương nhiên sẽ thất bại với phong độ đáng chán mà cả Xuân Trường lẫn Công Phượng thể hiện trên sân cỏ.
Không thể nói rằng cả Burirams United lẫn Incheon United không tạo cơ hội cho hai ngôi sao HAGL xuất hiện trên sân, nhưng với Xuân Trường, phút tỏa sáng duy nhất với bàn thắng từ đá phạt - dù cực kỳ đẹp mắt, cũng không thể biện minh được cho trình độ và phong độ, khi chơi trong đội bóng đương kim vô địch Thai.League, thậm chí đang phủ cái bóng quá lớn của mình lên bóng đá Thái Lan.
Còn với Công Phượng, việc thiếu kết nối với các đồng đội, cũng như HLV cả trên sân cỏ lẫn ngoài, cả từ cản trở về ngôn ngữ, lẫn lối chơi trên sân cỏ biến "Messi Việt Nam" trở thành kẻ lạc loài giữa đội bóng mới, và không có gì đáng phải bàn cãi khi Incheon United bắt buộc phải loại ngôi sao của HAGL này ra để tự cứu chính mình, bởi dù sao đi nữa, bóng đá là môn thể thao đồng đội.
2. Trước thành công cùng bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo từng trải qua một khoảng thời gian thất bại rất dài, đến gần 15 năm. Ở World Cup 2002, ông là "cánh tay phải" của HLV Guus Hiddink, cùng nhau đưa đội tuyển Hàn Quốc đến kỳ tích "vô tiền khoáng hậu" với ngôi vị "đệ tứ anh hào" thế giới.
Nhưng rồi, khi đích thân cầm quân ở U23 Hàn Quốc tham dự Asiad cùng năm ấy, ông Park đã có một "cú bước hụt" khổng lồ, để rồi chôn vùi sự nghiệp từng lừng lẫy của mình ngay trên đất Hàn Quốc.
Có nhiều lý do để HLV Park Hang-seo thành công với bóng đá Việt Nam, một trong những lý do đấy là bởi ngày đến đây, ông không còn đắm mình với vinh quang của ngày cũ, mà luôn xác định rằng mình luôn phải nỗ lực hết mình, thậm chí vượt quá sức chịu đựng của bản thân, bởi "cánh cửa địa ngục luôn có thể mở ra bất cứ lúc nào" - theo lời của ông, bởi Việt Nam là "mồ chôn của HLV ngoại" - điều ông đã được cảnh báo trước ngày nhậm chức.
Xuân Trường hay Công Phượng, trong bàn tay dìu dắt của bầu Đức đã có những ngày tháng lừng lẫy của mình, trong màu áo U19 HAGL và U19 Việt Nam. Thậm chí, trong thành công của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, họ luôn là những nhân tố chủ chốt.
Ở cả HAGL, cả Xuân Trường lẫn Công Phượng đều nhận được rất nhiều sự ưu úai, từ bầu Đức cho đến các đồng đội, luôn được hỗ trợ hết mình và được phép đặt mình vào vị trí ngôi sao.
Sang Thái Lan hay Hàn Quốc, một trong những yêu cầu của họ vẫn là phát huy được những tố chất ngôi sao của mình, góp phần vào việc làm hình ảnh, đánh bóng thương hiệu của CLB mà mình đầu quân. Chưa từng trải qua những ngày tháng thất vọng đến tuyệt vọng như HVL Park Hang-seo, và phía trước không có "cánh cổng địa ngục" nào sẵn sàng mở ra, nên những nỗ lực của họ là chưa đủ ở môi trường khắc nghiệt hơn nhiều so với V.League, trong màu áo HAGL.
Hai mùa bóng trải qua ở Hàn Quốc, với Xuân Trường là sự thất vọng não nề, đến từ điểm yếu về thể lực. Nhưng trải qua 3 năm tính từ lần xuất ngoại đầu tiên, điểm yếu đấy vẫn chưa được cải thiện. Vẫn lối chơi với nhãn quan, kỹ chiến thuật nổi bật, nhưng thêm lần nữa, điểm yếu cố hữu ấy lại "hạ gục" tiền vệ người Tuyên Quang.
Công Phượng cũng thế, sau 3 năm, lối chơi thiên về kỹ thuật cá nhân và có phần ích kỷ của tiền đạo xứ Nghệ vẫn không hề thay đổi. Trong một môi trường đầy rẫy sức mạnh và tốc độ, trong một đội bóng luôn phải vật vã với vị trí bét bảng, lối chơi ấy rõ ràng không phù hợp, như nó đã từng phù hợp ở HAGL - đội bóng mà các đồng đội luôn đặt Công Phượng vào vị trí trung tâm.
Là người đem HLV Park Hang-seo về Việt Nam, hẳn bầu Đức ít nhiều thấu hiểu được nhà cầm quân người Hàn Quốc này, song đáng tiếc, ông cũng không truyền được cho hai "đứa con cưng" của mình tinh thần ấy - "tinh thần Park Hang-seo", thứ đã giúp đưa bóng đá Việt Nam bay cao suốt thời gian qua.
"Việc CLB giúp sức để cầu thủ có cơ hội ra nước ngoài thi đấu là điều rất đáng quý. Tuy nhiên chúng ta lại chưa thực sự đủ năng lực để đáp ứng ở giải đấu của nước ngoài. Đây sẽ trở thành kinh nghiệm cho tương lai để việc cầu thủ xuất ngoại vừa mang lại hiệu quả cho chính họ vừa đem tới danh tiếng tốt hơn cho CLB.
Với bản thân Xuân Trường, sau hai lần thất bại ở Hàn Quốc và Thái Lan, việc có cơ hội được xuất ngoại nữa hay không sẽ phụ thuộc vào sự cố gắng trong tương lai của chính cậu ấy. Cơ hội vẫn còn, dù mọi thứ sẽ có phần khó khăn hơn sau những thất bại vừa qua".
HLV Nguyễn Thành Vinh
Xuân Trường trở về Việt Nam hay Công Phượng chuyển hướng sang Pháp không phải là những kết cục quá tồi tệ. Tương lai của họ vẫn còn ở phía trước. Nhưng nếu muốn những ngôi sao của mình tiến xa, bay cao, làm tấm gương tốt cho những cầu thủ trẻ của mình, bầu Đức cần phải nhìn vào Park Hang-seo, để học hỏi thứ tinh thần xả thân, luôn đặt phía sau mình những thất bại, thay vì những vinh quang quá khứ, để rồi không ngừng tiến về phía trước.