Thêm một quốc gia ASEAN muốn tham gia BRICS
Theo Bộ trưởng Thông tin Myanmar Maung Maung Ohn, nhiều nước trong khu vực, bao gồm cả trong ASEAN, đã nộp đơn xin gia nhập BRICS với tư cách thành viên đầy đủ và trong tương lai, Myanmar cũng muốn làm như vậy.
Ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc tham gia BRICS.
Được thành lập vào năm 2006 với 4 thành viên ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, BRICS hiện có 10 quốc gia thành viên khi lần lượt kết nạp thêm Nam Phi (2011), Ai Cập, Ethiopia , Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất trong năm nay.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, BRICS sẽ thảo luận về việc cấp tư cách đối tác cho các quốc gia sẵn sàng tham gia vào công việc của nhóm và có khả năng phê duyệt một số yêu cầu trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 tới tại Kadan.
“Chúng tôi không thể bỏ qua sự quan tâm ngày càng tăng của nhiều quốc gia đối với BRICS. Đến nay, hơn 30 quốc gia và cụ thể là 34 nước đã tuyên bố mong muốn tham gia các hoạt động của BRICS”, Tổng thống Putin nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó hồi tháng 6 cho biết, BRICS đã bỏ phiếu tạm thời đình chỉ các đơn xin gia nhập mới và tập trung vào việc tích hợp các quốc gia gia nhập vào năm 2024. Ông cho biết thêm, một danh mục mới là "các quốc gia đối tác" sẽ được lập ra như một "bước đệm" để trở thành thành viên chính thức của khối.
Các quốc gia BRICS hiện có khoảng 3,6 tỷ người - tương đương 45% dân số thế giới; chiếm 28% tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa của thế giới và hơn 1/3 GDP toàn cầu theo sức mua tương đương. Tổng cộng, 10 nước thành viên của nhóm này chiếm khoảng 40% sản lượng dầu toàn cầu.