Trong biểu lãi suất huy động mới nhất vừa áp dụng, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) áp dụng mức lãi suất thấp nhất 2,2%/năm đối với khoản tiền gửi tiết kiệm thông thường kỳ hạn 1-2 tháng. Mức lãi suất này giảm tới 2,3 điểm % so với tháng trước. Đây là mức giảm rất mạnh của SCB đối với lãi suất tiền gửi.
Nhiều kỳ hạn khác cũng được ngân hàng này giảm mạnh, như kỳ hạn 2-3 tháng chỉ 2,5%/năm; 6-11 tháng là 3,5%/năm. Lãi suất huy động cao nhất tại SCB là 4,8%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Nếu so với hồi đầu năm, lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB đã giảm chỉ còn chưa đến một nửa. Mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này cuối năm ngoái, đầu năm nay khoảng 10%/năm.
Lãi suất gửi tiết kiệm giảm nhanh nhưng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào hệ thống ngân hàng, tăng trong nhiều tháng liên tiếp
Trước đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên kéo lãi suất huy động về mức thấp kỷ lục, với kỳ hạn ngắn 1-2 tháng giảm về 2,2%/năm. Lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank là 4,8%/năm cho các kỳ hạn trên 12 tháng.
Vài ngày trước, một loạt ngân hàng đã công bố biểu lãi suất mới theo hướng giảm dần. BIDV, Agribank và VietinBank đồng loạt điều chỉnh các mức lãi suất đầu vào, trong đó lãi suất cao nhất chỉ còn 5,3%/năm, giảm thêm từ 0,3-0,4 điểm % so với trước đó.
Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng dao động trong khoảng 5 đến dưới 6%/năm, gần như không còn ngân hàng nào huy động 6%/năm. Mức lãi suất tiền gửi 6%/năm cũng chỉ còn xuất hiện tại một vài ngân hàng quy mô nhỏ.
Theo Công ty chứng khoán ACB (ACBS), lãi suất huy động tiền gửi dân cư tại các ngân hàng tiếp tục giảm thêm 0,2 - 0,25% đối với kỳ hạn 12 tháng, về mức thấp kỷ lục so với trước COVID-19.
Lãi suất giảm, tiền nhàn rỗi sẽ đi đâu?
Dù lãi suất tiền gửi giảm sâu nhưng theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền nhàn rỗi của người dân vẫn chảy vào ngân hàng và tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay. Số liệu công bố tới cuối tháng 9-2023, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,44 triệu tỉ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm ngoái.