Mỹ không dư thừa?
Trong các cuộc gặp gần đây tại Lầu Năm Góc, giới chức Mỹ đã nói với đại diện của Ukraine rằng, Washington không có Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) dư thừa, Politico dẫn các nguồn tin cho biết.
Việc chuyển ATACMS tới chiến trường ở Đông Âu sẽ làm cạn kiệt kho dự trữ của Mỹ và ảnh hưởng tới sự sẵn sàng của quân đội Mỹ cho các trận chiến trong tương lai.
Tên lửa ATACMS được sử dụng trong một cuộc tập trận chung gữa Mỹ và Hàn Quốc, ngày 5/10/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Đó là lý do Mỹ sẽ không chuyển ATACMS tới tiền tuyến ở Ukraine trong tương lai gần, ngoài lo ngại Kiev có thể sử dụng tên lửa có tầm bắn lên tới 300km để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga và vượt qua lằn ranh đỏ của Moscow.
Đánh giá của Lầu Năm Góc về kho dự trữ một phần dựa trên số lượng vũ khí và đạn dược mà các nhà hoạch định nghĩ rằng Mỹ có thể cần để đối đầu với kẻ thù. Những kế hoạch đó đã không được sửa đổi nhiều kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và chưa tính toán lại những kho dự trữ mà Mỹ cần duy trì để đối mặt với một nước Nga đang suy yếu, hoặc tính tới thực tế thực tế Ukraine đang ở trong một cuộc xung đột với Nga.
Một trong những lý do khiến Mỹ không muốn gửi ATACMS là vì Washington mong muốn duy trì một mức đạn dược nhất định trong kho dự trữ của nước này, một quan chức Mỹ cho biết.
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ: “Với bất kỳ gói hỗ trợ nào, chúng tôi cũng luôn cân nhắc mức độ sẵn sàng và nguồn dự trữ của chính chung tôi trong khi vẫn có thể cung cấp cho Ukraine những gì họ cần trên chiến trường. Có nhiều cách khác để cung cấp cho Kiev những khả năng cần thiết để tấn công các mục tiêu của Nga”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Laura Cooper, quan chức chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc về các vấn đề Nga, Ukraine và Á-Âu, cũng nói rằng: “Với mọi loại vũ khí mà chúng tôi cung cấp, cho dù là HIMARS hay một loại vũ tên lửa, đạn dược cụ thể nào, chúng tôi luôn phải xem xét sự sẵn có trong kho dự trữ, chúng tôi cũng phải xem xét cả vấn đề sản xuất để đưa ra quyết định phù hợp”.
Trong 2 thập kỷ qua, Lockheed Martin đã sản xuất khoảng 4.000 ATACMS với nhiều biến thể khác nhau. Một số được bán cho các quốc gia đồng minh. Mỹ sử dụng khoảng 600 quả tên lửa ATACMS trong Chiến tranh vùng Vịnh và Chiến tranh Iraq.
Ukraine đề xuất mua lại từ đồng minh khác
Một giải pháp thay thế đang được Kiev cân nhắc là đề nghị Mỹ chấp thuận mua ATACMS từ một quốc gia đồng minh vận hành loại vũ khí này, sử dụng nguồn tài chính quân sự từ Mỹ.
Những nước đang sử dụng ATACMS bao gồm Hàn Quốc, Ba Lan, Romania, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Bahrain.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề khác đối với việc gửi ATACMS cho Ukraine. Đội ngũ của Tổng thống Biden cho rằng, đây là một động thái gây hấn. Các quan chức Ukraine đã từng nghe những lập luận tương tự với các loại vũ khí khác trước đây nhưng sau đó, chính quyền ông Biden đã đảo ngược quyết định và gửi lựu pháo, hệ thống phòng thủ tên lửa và xe tăng hạng nặng do phương Tây sản xuất cho Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Getty
Bất chấp sự dè dặt của Mỹ, Ukraine vẫn tiếp tục thúc đẩy Washington cung cấp vũ khí tiên tiến hơn, trong đó ATACMS thường đứng đầu danh sách.
“Chúng tôi cần tên lửa tầm xa để tước đi cơ hội của Nga đặt các bệ phóng tên lửa của họ ở một nơi nào đó cách xa tiền tuyến và phá hủy các thành phố của Ukraine”, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh trong một bài phát biểu qua video hồi tháng 1/2023.
Ngày 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley sẽ tới Brussels để tham gia cuộc họp lần thứ chín của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, một nhóm gồm 50 quốc gia thảo luận về những hỗ trợ quân sự mới mà họ có thể cung cấp cho Ukraine.
Ukraine muốn giữ bí mật về chi tiết viện trợ
Kiev đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mùa xuân và mùa hè để chống lại các cuộc tấn công của Nga ở Donbass cũng như các cuộc tập kích tên lửa và máy bay không người lái của Moscow trên khắp lãnh thổ Ukraine.
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine nói rằng Kiev không nói trước bất kỳ loại vũ khí mới nào trong gói hỗ trợ mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin sẽ công bố trong tuần này.
Việc rút vũ khí từ các kho dự trữ hiện có và hợp đồng mua vũ khí mới sẽ không bao gồm ATACMS hay máy bay chiến đấu F-16, mà sẽ tập trung vào đạn dược, phòng không và phụ tùng thay thế.
Dù gói hỗ trợ của Mỹ, cũng như các đối tác khác, bao gồm những gì, Ukraine đang tìm cách giữ bí mật.
Các quan chức ở Kiev đang ngày càng lo ngại rằng một số danh sách chi tiết hơn từ Mỹ và các đối tác khác có thể cung cấp quá nhiều thông tin cho phía Nga. Moscow có thể chuẩn bị phòng thủ hoặc lên biện pháp đối phó nếu họ biết sẽ phải đối mặt với loại vũ khí nào.
Tổng thống Zelensky đã ám chỉ những lo ngại ngày càng tăng đó khi tại Brussels ông gặp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu để nói về những gì ông cần trong năm nay và hơn thế nữa.
Kết thúc chuyến đi thành công tới London và gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak, ônh Zelenskyy cho biết “chúng tôi đã hướng tới các giải pháp liên quan đến tên lửa tầm xa và đào tạo phi công. Ngoài ra, có một số thỏa thuận không công khai nhưng mang tính tích cực. Khi những điều này xảy ra, đất nước chúng tôi sẽ biết, nhưng tôi không muốn Nga có thể chuẩn bị trước”.
Mỹ và các đồng minh từ lâu đã duy trì yếu tố bí ẩn đối với một số loại vũ khí gửi đến Ukraine, che giấu một số viện trợ quân sự dưới các danh mục chung chung và mơ hồ.
Tuy nhiên, Mỹ cũng đã làm nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác trong việc công bố số lượng và bản chất của các khoản đóng góp cũng như hợp đồng quốc phòng được đề xuất với Ukraine.
Các quốc gia khác, chẳng hạn như Phần Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Canada, kín tiếng hơn và thường từ chối liệt kê hầu hết các thiết bị, vũ khí và đạn dược cụ thể mà họ cung cấp.
Giữ bí mật có thể là một yêu cầu khó khăn đối với một số quốc gia đang mong muốn thể hiện mức độ ủng hộ đối với Ukraine, đặc biệt là khi việc viện trợ của họ cho Ukraine sẽ được Mỹ bù lại trong những năm sau đó./.