"Thêm món khai vị này vào, kho tên lửa đối phương sẽ đi tong"
Vũ khí chính xác tầm xa luôn là công cụ chiến tranh rất đắt tiền. Có thể ví dụ từ loại vũ khí chính xác tầm xa nổi tiếng nhất - tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ dành riêng cho các mục tiêu quan trọng - trị giá hàng triệu USD.
Bất kể do ai sản xuất, dù là Mỹ, Nga hay nước khác thì trong một thời gian khá dài, vũ khí chính xác tầm xa vẫn rất đắt tiền.
Tuy nhiên, người Nga đã bất đắc dĩ trở thành một trong nhiều nhà tiếp thị cho một loại vũ khí chính xác tầm xa mới và đặc điểm quan trọng nhất của nó là chi phí thấp. Vâng, thứ chúng ta đang nói về máy bay không người lái (UAV) cảm tử Geran-2/Shahed-136.
Mặc dù tốc độ và sức công phá của đầu đạn thua kém khá nhiều các tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo nhưng Geran-2/Shahed-136 không hề kém cạnh nếu nói về tầm chiến đấu hiệu quả và độ chính xác.
Đồng thời, tốc độ bay thấp của UAV có thể không phải là bất lợi mà là một lợi thế. Đã có trường hợp tiêm kích MiG-29 bị phá hủy do mảnh vỡ của 1 chiếc Geran-2 mà chính nó bắn rơi.
Được biết Geran-2 thường bay ở độ cao tương đối thấp để làm giảm khả năng radar phòng không phát hiện ra nó.
Nhưng mặt khác, đối phương có thể phát hiện UAV từ các tín hiệu khác như âm thanh động cơ hoặc trinh sát quang học - sau đó sẽ là "phần việc" của các loại vũ khí tự động bắn nhanh bao gồm vũ khí bộ binh, pháo phòng không và MANPADS (Tên lửa phòng không vác vai).
Vậy tại sao Nga không xem xét tính khả thi của việc tăng độ cao bay của Geran-2 lên mức tối đa - khoảng trên 4 km?
Vũ khí bộ binh, pháo phòng không sẽ vô dụng ở độ cao này, còn đầu dò hồng ngoại của MANPADS cũng không thể bám bắt UAV. Mối đe dọa duy nhất còn lại là tên lửa đất đối không (SAM) được phóng bởi các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa.
Dù so ai sản xuất thì giá khởi điểm của những tên lửa loại này là từ 500.000 USD và nó cao gấp nhiều lần Geran-2 khoảng 20.000 USD.
Vào đầu tháng 6/2023, đã có thông tin từ các Quân đội Nga rằng đã có trường hợp Geran-2 bay lảng vảng ở độ cao lớn xung quanh một mục tiêu trong hơn một giờ. Một lượng đáng kể MANPADS đã được bắn vào UAV nhưng không quả nào bắn trúng mục tiêu.
Tiền lệ này cho phép chúng ta suy nghĩ về việc tăng thêm hiệu quả của Geran-2 trong việc loại bỏ kho tên lửa phòng không của đối phương - và có lẽ việc chiếc UAV kéo theo một mục tiêu bay cần được tính đến.
Một trong những giải pháp nhằm tăng khả năng sống sót của máy bay trên chiến trường là nó kéo một mục tiêu bay/mồi nhử bằng một sợi cáp. Các mục tiêu loại này bao gồm các thiết bị giúp khuếch đại tín hiệu radar phản xạ tới các hệ thống phòng không của đối phương.
Không quân Mỹ (USAF) và các nước Phương Tây đang tích cực sử dụng loại mục tiêu này - không hiểu sao nó vẫn chưa phổ biến ở Nga.
Quay trở lại với Geran-2, rõ ràng việc nó kéo theo mục tiêu bay có thể ảnh hưởng tới tính khí động học và tăng khối lượng. Nhưng điều đó có thể được bỏ qua do một ưu điểm đến từ chính thiết kế - tầm hoạt động lên đến 1.000 km.
Một yếu tố quan trọng sẽ là chiều dài của dây cáp giữ mục tiêu bay - nó cần đảm bảo UAV sống sót ngay cả khi đầu đạn của tên lửa phát nổ nếu bắn trúng mồi nhử. Và cuối cùng, tùy thuộc vào năng lực của Geran-2, nó có thể kéo theo 2 hoặc 3 mục tiêu bay.
Ngay cả khi "món khai vị" này làm giảm hiệu quả của hệ thống phòng không đối phương xuống chỉ từ 1,5 đến 2 lần hoặc mức tiêu thụ SAM của họ tăng lên cùng mức, thì hiệu quả sẽ rất lớn.
Nó sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ SAM và thiệt hại nhiều trăm triệu USD.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu phòng không Nga lại là mục tiêu?
Liệu phòng không Nga có thể là mục tiêu của "sáng kiến" này hay không? Câu trả lời là có - nhưng hiệu quả tới đâu mới là vấn đề.
Để các cuộc tấn công UAV vào sâu trong lãnh thổ Nga thành công thì đối phương cần phải dựa trên việc giữ bí mật tối đa.
Tức là phải bay thấp nhất có thể - và nếu mục tiêu bay được lắp đặt - nó sẽ nhanh chóng là dấu hiệu chỉ ra UAV cho lực lượng phòng không hoặc đơn giản hơn là vướng vào cây hoặc các đường dây điện.
Nếu chúng bay cao hơn thì sao? Đến đây tôi xin lưu ý rằng tên lửa hiện đại của Phương Tây bao gồm loại đối đất chủ yếu dựa vào đầu đạn "hit-to-kill" - đánh thẳng vào mục tiêu.
Trong khi đầu đạn tên lửa Liên Xô/Nga thường có nhiều loại đầu đạn hơn, có thể kích nổ ngay cả khi ở gần mục tiêu và khả năng cao sẽ phá hủy cả UAV lẫn mồi nhử.