Cách đây mấy ngày, cảnh sát thành phố Phổ Nhĩ (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) nhận được một lá đơn tố cáo rằng một người đàn ông họ Trát đã cưỡng bức, xâm hại hơn 20 trẻ vị thành niên. "Nhiều học sinh đã bị Trát xâm hại. Hiện chưa bắt được đối tượng. Nếu phát hiện, hãy báo ngay cho cảnh sát", người viết đơn tố cáo thống thiết kêu gọi.
Tuy nhiên, sau khi điều tra kỹ lưỡng, cảnh sát phát hiện toàn bộ câu chuyện là bịa đặt. Người tung tin đồn chính là "nghi phạm" họ Trát. Không chỉ gửi đơn, anh ta còn đăng ảnh mình lên mạng xã hội kèm theo nội dung: "Vụ hiếp dâm lớn nhất hiện nay ở Khu tự trị dân tộc Ngõa thuộc huyện Tây Minh. Hơn 20 học sinh đã bị nghi phạm Trát xâm hại". Bài đăng này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân địa phương.
Khi bị bắt, Trát thừa nhận rằng anh ta tung tin đồn như vậy là vì muốn nổi tiếng và tăng người theo dõi trên mạng xã hội. Anh chàng nghĩ rằng tung tin đồn về chính mình không phải là hành vi phạm pháp, không ngờ lại bị tạm giữ hành chính.
Trên mạng xã hội, nhiều người kinh ngạc trước hành động của Trát: "Tôi lướt web nhiều năm rồi, chưa bao giờ thấy ai kỳ quặc đến thế, đúng là kỳ hoa dị thảo", "Có lẽ anh ta thực sự quá thèm nổi tiếng", "Không hiểu logic suy nghĩ của người này là gì nữa", "Kiểu người ngốc nghếch này nên bị cấm dùng internet luôn", "Ngu ngốc đến mức khiến người ta thấy xót xa", "Không biết trong đầu anh ta nghĩ gì nữa"...
Vụ việc này khiến dư luận lo ngại về tác động tiêu cực của văn hóa "nổi tiếng bằng mọi giá" trên mạng xã hội; nhiều người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục giới trẻ cách sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm và hậu quả pháp lý của hành vi tung tin sai sự thật. Sự việc cũng cho thấy sự cần thiết của việc xác minh thông tin kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận, nhất là với những cáo buộc nghiêm trọng.