Những con đường bê tông sạch đẹp đi đến từng ngõ xóm; nhiều công trình mới khang trang, nổi bật giữa làng quê... Đây là những hình ảnh dễ nhận thấy nhất khi đến với bản Phày, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Người dân nơi đây cho biết, ngoài sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, thì nguồn kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng đóng vai trò không nhỏ để có được sự đổi thay đó.
"Năm vừa rồi bản được tiền dịch vụ môi trường rừng 1,1 tỷ. Bản sử dụng một phần để xây dựng các công trình phúc lợi như cổng làng, nhà thờ bản, xây dựng sân vận động, làm đường nông thôn mới, làm kè đá trong bản gần 4 km"- ông Lò Văn Kim, Trưởng bản Phày cho biết.
Xã Ngọc Chiến có hơn 18.400 ha rừng; trong đó diện tích được chi trả là trên 12.500 ha, tổng nguồn tiền từ chi trả trung bình hàng năm khoảng 15 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến Lò Văn Xây cho biết, ngoài chi trả cho các tổ, đội quần chúng và các chủ rừng, chính quyền xã đã vận động người dân ở các bản sử dụng hợp lý nguồn quỹ này để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
"Việc thu, chi chúng tôi chỉ đạo các bản cụ thể, rõ ràng, công khai với dân và có các danh sách và được dân ký. Sau đó thống nhất với bản để thực hiện các công trình phúc lợi, xây dựng cơ bản, các công trình phúc lợi của bản"- Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến Lò Văn Xây cho biết.
Những lợi ích mà rừng mang lại càng góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên này. Như bản Nam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã thành lập tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với 36 thành viên, chia thành 6 nhóm; mỗi nhóm sẽ thay nhau đi tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm lấn rừng trái phép.
"Tổ bảo vệ rừng đã tiến hành kiểm tra 2 lần 1 tuần các khu vực cháy rừng cao, tiến hành làm đường băng các lửa, ý thức của người dân đã cao hơn vì lợi ích của rừng rất lớn"- anh Cầm Văn Hiên, Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Nam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn chia sẻ.
Ông Lê Trọng Bình, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La, thời gian qua, đơn vị đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của các chủ rừng, các cộng đồng dân cư sống gần rừng. Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và công tác tổ chức quản lý, bảo vệ rừng của UBND cấp xã, cùng các chủ rừng.
Để việc chi trả đảm bảo tiến độ, công khai, minh bạch, Quỹ đã đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Năm 2021 vừa qua, Quỹ đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank và ViettelPay Sơn La mở tài khoản và giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng cho trên 40.000 chủ rừng, với số tiền chi trả gần 178 tỷ đồng.
"Thời gian tới, chúng tôi tập trung cao vào hai nhiệm vụ trọng tâm là kế hoạch số 273 của UBND tỉnh về xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại thôn bản. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện thành phố rà soát, thu hồi cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Lâm nghiệp theo Nghị quyết số 92 của HĐND tỉnh…"- ông Lê Trọng Bình, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La cho biết.
Có thể thấy, nguồn dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện diện mạo nông thôn Sơn La. Đây cũng là nguồn kinh phí quan trọng để các tổ, đội quần chúng cơ sở nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương. Từ đó, từng bước thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đề ra là nâng độ che phủ của rừng đạt 50% vào năm 2025.