"Bộ cánh mới" của tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 chính là radar cảnh giới nhìn vòng 1RL-123 hoàn toàn mới, được thiết kế dành riêng cho nhiệm phát hiện sớm, từ xa mọi loại mục tiêu bay để cung cấp tham số cho các xe hỏa lực chuyển cấp tiêu diệt.
Các tổ hợp Pantsir-S1 đã vượt qua được các cuộc thử nghiệm cấp Nhà nước (Nga) và đưa vào biên chế trong lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga từ năm 2012 theo đơn đặt hàng chính thức của Thủ tướng Dmitry Medvedev với nhiệm vụ chính là "cận vệ" cho các tổ hợp tên lửa phòng không S-300, S-400 Triumf.
Công tác nghiên cứu, thiết kế tổ hợp Pantsir-S1 đã được hoàn thành và đưa vào sản xuất loạt từ năm 2008, tuy nhiên, mãi đến gần đây chúng mới có radar nhìn vòng riêng để chính thức biến thành một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không hoàn chỉnh, đầy uy lực.
Radar 1RL-123 có khả năng trinh sát, phát hiện và bám bắt, tính toán cùng lúc 4 tham số của mục tiêu bay (góc tà, phương vị, cự ly và tốc độ) đang di chuyển trong dải tốc độ từ 0 đến 1.500m/giây ở độ cao thấp và trung bình.
Radar cảnh giới nhìn vòng 1RL-123 của tổ hợp Pantsir-S1. Ảnh: Vitaly Kuzmin.
Khối radar được nâng hạ bằng thủy lực gắn liền với cabin điều khiển của kíp trắc thủ 2 người, có kèm theo máy phát điện. Tất cả đều được thiết kế theo dạng module nên dễ dàng trong việc bảo dưỡng, sửa chữa ngay tại trận địa mà không nhất thiết phải hành quân về xưởng chuyên dụng.
Toàn bộ khối radar, cabin điều khiển và các thiết bị, khí tài đi kèm được thiết kế thành một khối gọn, đặt vừa khít trên khung gầm dòng xe vận tải việt dã 4 cầu chủ động (8x8) KAMAZ-6350 sử dụng động cơ diesel tăng áp công suất 360 mã lực, đồng bộ với khung gầm của các xe hỏa lực Pantsir-S1.
Ngoài ra, radar này có thể lựa chọn nhiều loại khung gầm khác nhau, kể cả bánh hơi và bánh xích. Toàn bộ radar có hệ thống 4 chân chống thủy lực tự hành để ổn định vị trí. Khối antenna nặng 2.650kg trong khi khối cabin của kíp trắc thủ nặng 2.500kg.
1RL-123 là radar thụ động bao gồm hàng trăm bộ thu với kích thước bao ngoài cao 3,4m, rộng 2,8m hoạt động ở băng sóng dm (phân loại của NATO là băng L) với mức tiêu thụ điện năng tới 30kW. Phía trên radar chính có thêm 2 khối antenna bao gồm hệ thống radar thứ cấp, hệ thống nhận diện địch - ta.
Radar cảnh giới nhìn vòng 1RL-123 trong quá trình thử nghiệm tại thực địa.
Tổ hợp radar có khả năng nhìn vòng 360 độ với góc tà từ -2 cho tới +60 độ, phát hiện các mục tiêu bay trong dải cự ly từ 10 tới 20km ở độ cao tới 20km. Theo một số nguồn tin, cự ly trinh sát tối đa của nó có thể đạt tới 250km và trần hoạt động tới 30km.
Với mục tiêu có diện tích phản xạ radar cỡ 1m2 có thể bị phát hiện từ khoảng cách 170km, còn với diện tích 0,1m2 thì mục tiêu bị phát hiện từ cự ly 94km.
Kíp trặc thủ có thể tùy chọn chế độ quét 10 vòng/phút tương ứng với dữ liệu tình báo trên không được cập nhật mỗi 6 giây 1 lần hoặc quét 20 vòng /phút towng ứng với cập nhật tình báo 3 giây/lần.
Tình báo trên không của radar được truyền trực tiếp về xe chỉ huy 19S6-E (xe này có thể tiếp nhận tới 10 nguồn dữ liệu khác nhau) để tổng hợp thành bức tranh toàn cảnh về tình huống trên không.
Cấu hình của 1 tiểu đoàn pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 hoàn chỉnh.
Hệ thống phần mềm tiên tiến của xe chỉ huy có thể bám sát cùng lục 120 mục tiêu, phân bổ mục tiêu cho tới 6 xe hỏa lực (bố trí ở cự ly cách 10-20km) để thực hành phóng đạn. Dữ liệu có thể truyền bằng tín hiệu vô tuyến hoặc cáp hữu tuyến.
Hiện nay chưa có thông tin về đơn đặt hàng của Quân đội Nga cũng như khách hàng nước ngoài đối với tổ hợp radar hiện đại này.