Thêm bằng chứng cho thấy Galileo chưa từng nói 'Dù sao Trái Đất vẫn quay'

DINK , |

Câu nói nổi tiếng của một trong những nhà khoa học lỗi lạc bậc nhất lịch sử con người không tồn tại?

Dựa trên những quan sát thiên văn qua kính viễn vọng của mình, Galileo Galilei kiên cường khẳng định mô hình Hệ sao của Nicolaus Copernicus, với Mặt Trời ở trung tâm, là đúng; trước đó, Giáo hội đã ban hành luật cấm lưu hành văn bản liên quan tới giả thuyết của Copernicus, vốn cho rằng Trái Đất không phải trung tâm hệ mà chính là Mặt Trời và đi ngược lại những gì Giáo hội Công giáo vẫn giảng dạy suốt nhiều thế kỷ.

Dù không bị kết tội dị giáo, Giáo hội vẫn bắt Galileo từ bỏ khẳng định "sai trái" của mình. Truyền thuyết kể lại rằng dù phải nghe theo thế lực chi phối cuộc sống lớn nhất thời bấy giờ, ông vẫn lẩm bẩm rằng "E pur si muove", "And yet it moves", tức "Dù sao nó vẫn quay", ngụ ý Trái Đất vẫn cứ di chuyển quanh Mặt Trời dù đức tin của người đương thời có ra sao đi nữa.

Nghe thì ngầu, nhưng nhiều học giả nhận định câu nói này của Galileo quá ngầu để trở thành sự thật. "Chắc Galileo phải mất trí mới dám nói vậy trước mặt Quan tòa", nhà vật lý thiên văn Mario Livio nói với Ars Technica. 

Ông Livo là tác giả của cuốn tiểu sử viết về nhà khoa học lỗi lạc năm xưa, cuốn sách mang tên Galileo và những Người bài Khoa học, và trong khi nghiên cứu về cuộc đời Galileo để viết sách, ông hứng thú vô cùng về những tranh luận xoay quanh "E pur si muove": 

liệu Galileo có thực sự nói vậy? Mario Livio viết hẳn một báo cáo khoa học về những gì ông phát hiện được khi nghiên cứu những cuộc tranh luận này.

Cuốn tiểu sử đầu tiên về Galileo được viết bởi người hậu duệ tin cẩn của ông, Vincenzo Viviana trong khoảng thời gian 1655-1656; trong cuốn sách, không dòng nào nhắc tới câu nói trứ danh của Galileo. 

Theo lời ông Livio, lần đầu tiên "E pur si muove" xuất hiện là trong cuốn sách viết năm 1757 mang tựa đề "Thư viện người Ý - The Italian Library" do Giuseppe Baretti thảo nên, 100 năm sau ngày mất của Galileo. Đáng lý, câu nói của Galileo sẽ chỉ được liệt kê vào danh mục chuyện tưởng tượng thôi.

Thế nhưng khi sử gia Antonio Favaro, với kinh nghiệm nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp Galileo dài bốn thập kỷ, viết nên cuốn sách đồ sộ có tên "Những Công trình của Galileo Galilei - The Works of Galileo Galilei", rồi tung ra một loạt bài viết mô tả chi tiết nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc câu nói nổi tiếng, người ta bắt đầu thừa nhận lời lẩm bẩm của Galileo xưa kia.

Năm 1911, nhà nghiên cứu Favaro nhận được thư của một người đàn ông Bỉ có tên Jules Van Belle, khẳng định mình đang sở hữu một bức họ được vẽ năm 1643 - một năm sau khi Galileo từ trần, mô tả cảnh Galileo đang chịu khổ trong cảnh giam cầm, tay phải cầm một chiếc đinh, vẽ nên đường tròn mô tả vận động của Trái Đất quanh Mặt Trời. 

Trên bức tranh là câu nói nổi tiếng, "E pur si muove".

Thêm bằng chứng cho thấy Galileo chưa từng nói Dù sao Trái Đất vẫn quay - Ảnh 1.

Người ta vẫn cho rằng đây là tác phẩm của họa sĩ người Tây Ban Nha Bartolomé Esteban Murillo, và Van Belle nghĩ rằng nó từng thuộc về chỉ huy quân đội có tên Ottavio Piccolomini, anh trai của Tổng giám mục thành phố Siena. Trong 6 tháng đầu của bản án giam lỏng tại nhà Galileo phải nhận, ông đã sống tại nhà của vị Tổng giám mục nói trên.

Dữ kiện này cho thấy khả năng Galileo đã từng thốt ra câu nói kia, chỉ có điều không nói trước mặt Quan tòa. Thế nhưng chưa nhà sử gia nghệ thuật nào phân tích kỹ càng bức tranh kia. Khi nhà vật lý thiên văn Livio tiếp nối công trình nghiên cứu của Favaro sau hơn một thế kỷ, ông mới phát hiện ra rằng không ai hay bức tranh đã thất lạc nơi đâu. 

Ông tham vấn bốn chuyên gia có hiểu biết sâu rộng về các tác phẩm của danh họa Murillo, và cả bốn người khẳng định những nét vẽ kia không phải do nghệ sĩ người Tây Ban Nha tạo nên.

Sau một năm trời lần theo số chứng cữ ít ỏi, ông Livio đã phát hiện ra bức họa Van Belle sở hữu năm xưa. Nó được bán cho một nhà sưu tập hồi năm 2007 bởi hậu duệ của Van Belle; trong buổi đấu giá, người ta nói bức họa này được vẽ hồi thế kỷ 19, trái ngược với khẳng định của Jules Van Belle về thời điểm bức tranh được vẽ. 

Điều đó cho thấy nhiều khả năng câu nói của Galileo chỉ là truyền thuyết bắt đầu nổi lên hồi giữa thế kỷ 18, tuy nhiên không thể đưa ra khẳng định chính xác, trừ khi người giữ tranh cho chuyên gia giám định lại bức họa.

Thêm bằng chứng cho thấy Galileo chưa từng nói Dù sao Trái Đất vẫn quay - Ảnh 2.

Dòng "E pur si muove" được viết ngay dưới hình Trái Đất quay quanh Mặt Trời do Galileo vẽ nên bằng một chiếc đinh.

"Dù cho Galileo không thốt ra những lời đó, chúng vẫn liên quan trong thời đại đầy lo lắng hiện tại, khi những sự thật hiển nhiên vẫn bị công kích bởi những kẻ bài khoa học", ông Livio viết trong báo cáo nghiên cứu đăng trên Scientific American.

Rồi Livio kết luận: "Huyền thoại về việc công khai kháng cự đức tin của Galileo, với thông điệp ‘dù anh có tin gì đi chăng nữa, những điều tôi nói là sự thật’, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".

Trang tin ArsTechnica trò chuyện với giáo sư Livio để hiểu hơn về sự kiện lịch sử này.

Ars: Có lẽ Galileo chưa từng nói "Dù sao nó vẫn quay". Nhưng ta vẫn biết một câu nói nổi tiếng của ông như sau: "Cuốn sách Tự nhiên được viết bởi ngôn ngữ toán học".

Livio: Câu đó cho thấy trực giác cực kỳ nhạy bén của ông. Ngày nay, điều này là lẽ hiển nhiên với chúng ta. Ta vẫn chưa hiểu hết nó, nhưng cũng là lẽ tự nhiên rằng các định luật vật lý được viết dưới dạng công thức toán học hoặc các phương trình. 

Nhưng thời của Galileo, những định luật đó không được viết thành câu. Vậy làm thế nào mà trực giác của ông mách bảo rằng tất cả được viết nên bởi toán học? Với tôi, quả thực đáng kinh ngạc khi ông có thể nghĩ được vậy. Mà thực tế, chính ông viết nên những định luật vật lý đầu tiên, có lẽ chỉ ngoại trừ Archimedes.

Ars: Galileo là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất lịch sử, đã có rất nhiều sách vở về viết cuộc đời và sự nghiệp của ông. Điều gì khiến giáo sự tự viết một cuốn sách mới theo cách của mình?

Thêm bằng chứng cho thấy Galileo chưa từng nói Dù sao Trái Đất vẫn quay - Ảnh 3.

Livio: Một trong những lý do là mọi cuốn tiểu sử về Galileo, ít nhất là những cuốn đáng tin, được viết bởi các nhà sử gia ngành khoa học hoặc các cây bút khoa học. Chưa cuốn nào được viết bởi chuyên gia nghiên cứu ngành thiên văn hay vật lý thiên văn cả. Vì thế tôi nghĩ mình có thể viết về những khám phá của ông dựa trên hoàn cảnh những gì con người đã biết ngày nay.

Lý do thứ hai, tôi biết rằng những cuốn tiểu sử xuất sắc nhất lại không phù hợp với độc giả đại chúng. Chúng đều nặng tính học thuật. Vậy nên mục tiêu của tôi là viết ra một cuốn tiểu sử ngắn gọn hơn, dễ đọc hơn, tập trung vào cuộc đời ông, và tôi cố hết sức để chính xác hết mức có thể.

Cuối cùng, và tôi vẫn luôn đau đáu điều này, mà tôi cũng mới ngộ ra thôi, đó là suy cho cùng, Galileo đứng lên chống lại tư tưởng bài khoa học, chính là thứ ta thấy nhan nhản ngày nay. Vì thế tôi nghĩ cuốn sách về khía cạnh này sẽ quan trọng lắm. 

Ấy là cuộc chiến mà Galileo đã tham gia từ tận 400 năm trước, và rồi thực sự giành được chiến thắng, nhưng rồi có vẻ ta lại phải tham chiến một lần nữa.

Ars: Galileo vẫn là biểu tượng của sự tự do của trí tuệ. Vì cớ gì mà Galileo lại vương trong tư tưởng của ta lâu đến vậy?

Livio: Nhiều lý do lắm. Với việc viết nên "Hội thoại về Hai hệ thống thế giới lớn - Dialogue on the Two Chief World Systems", Galileo thu hút nhiều sự chú ý. Có lẽ ông là nhà khoa học nổi tiếng nhất Châu Âu bởi những khám phá của ông trong thiên văn học. 

Vì thế sách của ông thu hút sự chú ý của Quan tòa và Giáo hoàng, ông bị xét xử, bị lăng mạ và người ta nghi ngờ ông đi theo dị giáo, họ đã giam lỏng ông tại nhà suốt tám năm rưỡi. Quả thật đáng kinh ngạc. Chúng ta mới phải cách ly vài tháng thôi mà đã hóa dở hết cả.

Ông trở thành biểu tượng đấu tranh cho sự tự do trí tuệ. Đây không phải cuộc đối đấu giữa khoa học và tôn giáo như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Galileo là người theo đạo Thiên chúa, cũng như mọi người khác thời bấy giờ. Những gì ông chỉ ra là Kinh thánh không phải sách khoa học, đừng nhận định mọi lời trong đó là sự thật của khoa học.

Thêm bằng chứng cho thấy Galileo chưa từng nói Dù sao Trái Đất vẫn quay - Ảnh 4.

Bức vẽ "Galileo Đối mặt Quan toàn Giáo hội cơ đốc La Mã", do Cristiano Banti vẽ năm 1857.

Nếu như có xung đột giữa cách hiểu đúng nghĩa đen của văn bản với những gì ta nhận thấy qua thử nghiệm và quan sát, tức là ta chưa hiểu rõ vấn đề và phải thay đổi cách hiểu. Chỉ cần những kết luận khoa học trùng khớp với thực tại vật lý được chấp thuận, không đức tin hoặc tuyên bố loại bỏ sự thật nào được đưa ra, thì không có xung đột nào tồn tại cả.

Việc Galileo chống đối cũng một phần do tính cách ương ngạnh của ông, bên cạnh việc tính tự cao, luôn cho mình là đúng. Galileo cho rằng một người cần ba thứ để xác nhận đâu là sự thật trong thế giới này: là thử nghiệm, quan sát và lý lẽ suy ra từ các dữ liệu có được nhờ hai hành động trên.

Ars: Ví dụ về Galileo đã bị bẻ méo bởi nhiều thành phần, để trở thành chính thứ mà ông vẫn phản đối. Điều đó khiến tôi nhớ tới lời của Carl Sagan: "Họ đã từng cười Columbus, từng cười Fulton, họ còn cười vào mặt anh em nhà Wright. Nhưng họ cũng há miệng cười khi nhìn thấy gã hề Bozo nữa".

Livio: Đây chính là ảo tưởng Galileo (tuyên bố cho rằng vì một ý tưởng bị cấm đoán, khởi tố, khinh miệt, nó sẽ đúng hoặc nên xem xét về việc ý tưởng này đáng tin hơn suy đoán ban đầu).

Đây là một thứ logic trái khoáy. Người ta cứ nói rằng: "Galileo cũng từng một mình mang quan điểm sai đấy thôi, cuối cùng ông vẫn đúng. Vậy nên nếu tôi có ý kiến đi ngược lại với mọi người, tôi cũng đúng". 

Nhưng hai điều này chẳng ăn khớp tí nào. Galileo đúng đơn giản vì ông đã đúng, chứ không phải vì ông có ý kiến trái chiều nọi người. Đa số người mang ý kiến đối ngược với đám đông thường sai.

Thêm bằng chứng cho thấy Galileo chưa từng nói Dù sao Trái Đất vẫn quay - Ảnh 5.

Bức vẽ Galileo Galilei vẽ bởi một tác giả người Ý.

Ars: Khoa học được xây trên nền tảng những thứ đã được khám phá ra, và ta đã đi một quãng đường rất dài từ thời Galileo. Vậy hãy cùng bàn luận về mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, sử dụng những công trình nghiên cứu của Galileo xem sao.

Livio: Không phải lúc nào Galileo cũng đúng. Đơn cử, bởi ông là người đam mê cơ khí, cái khái niệm có những lực gây tác động từ khoảng cách xa quá đỗi xa lạ với ông. Vậy nên ông không nghĩ tới lực hấp dẫn như cách ngày nay ta đang nghĩ, hay thậm chí tương đồng với cách Newton nhìn nhận lực hấp dẫn. 

Ta có ví dụ khác là Kepler, người từng cho rằng Mặt Trăng ảnh hưởng được tới thủy triều. Galileo phớt lờ nhận định đó. Ông cho rằng thủy triều liên quan tới tốc độ quay của Trái Đất và đường đi của nó quanh Mặt Trời, hai lực này kết hợp làm nước dâng. Đây là mô hình cơ học rất hay, chỉ có điều nó sai hoàn toàn và không vận hành được.

Thêm bằng chứng cho thấy Galileo chưa từng nói Dù sao Trái Đất vẫn quay - Ảnh 7.

Nơi an nghỉ cuối cùng của Galileo Galilei.

Galileo cũng không thừa nhận quỹ đạo hình elip của các hành tinh, bởi ông tin người Hy Lạp đã đúng khi cho rằng mọi thứ phải cân đối. Vậy nên ông cho rằng quỹ đạo luôn đi theo đường tròn chứ không thể là hình elip. Khi khi nói về đối xứng, không thể chỉ tính tới hình dáng vật thể, mà các định luật cũng phải đối xứng.

Hãy tin vào khoa học. Đó là thông điệp chính mà tôi muốn gửi gắm. Điều hay ho của khoa học là nó luôn tự sửa đổi chính mình sao cho đúng. Việc tự sửa có thể mất ít hoặc nhiều thời gian. Có khi phải mất vài thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ, nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ tự điều chỉnh sao cho đúng. 

Thông thường, chẳng mấy thông thái khi đi đối đầu với con mắt suy xét của khoa học. Đơn cử như việc biến đổi khí hậu hay đại dịch toàn cầu, và khi số phận sự sống trên hành tinh này bị đặt trên bàn cân, [việc đối đầu với khoa học] quả thật điên rồ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại