Thêm 1 phụ nữ ở Hà Nội mất gần 6 tỷ đồng vì công an giả lừa tải app Dịch vụ công

Trang Anh |

Khi nạn nhân cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng lưu trên điện thoại.

Ngày 12/6, Công an Hà Nội cho biết, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang điều tra, xác minh 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 6 tỷ đồng. Nạn nhân là chị H (SN 1984, trú tại Hoài Đức, Hà Nội).

Cụ thể, vào cuối tháng 5/2024, chị H. nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Người này yêu cầu chị H. tải ứng dụng Dịch vụ công để làm định danh cấp độ 2.

Sau đó, đối tượng gửi cho chị đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo. Khi cài đặt xong, chị H. bị mất quyền điều khiển điện thoại và bị chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên có người trình báo bị lừa đảo theo phương thức thủ đoạn trên. Công an TP Hà Nội một lần nữa cảnh báo người dân về việc thời gian qua, xuất hiện các đối tượng giả danh cơ quan công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Công an TP Hà Nội cho biết từ đầu năm đến nay, Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của người dân bị lừa cài đặt Dịch vụ công giả mạo và bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Một trong các nạn nhân là anh V., trú tại quận Long Biên (Hà Nội), sau khi truy cập đường dẫn do đối tượng giả mạo là cán bộ công an phường cung cấp, tải ứng dụng giả mạo Dịch vụ công để bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục, anh V. đã bị chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.

Tương tự, chị A., trú tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), được một người đàn ông gọi điện xưng là cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng yêu cầu lên Công an quận cập nhật thông tin bằng lái xe. Do chị A. bận nên cán bộ công an quận giả mạo hướng dẫn cập nhật qua mạng. Sau khi tải ứng dụng Dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp, chị A. đã bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng...

Thêm 1 phụ nữ ở Hà Nội mất gần 6 tỷ đồng vì công an giả lừa tải app Dịch vụ công- Ảnh 1.

Phần mềm Dịch vụ công giả mạo - Ảnh: Công an Hà Nội

Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ Công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân bị lỗi hoặc phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan Công an để làm việc. Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm Dịch vụ công "giả mạo" theo đường dẫn của đối tượng cung cấp. Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.

Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an hướng dẫn cách nhận diện các đối tượng giả danh Công an

Để phát hiện hành vi giả danh Công an, Bộ Công an đã hướng dẫn người dân cần nhận biết các thủ đoạn giả danh Công an và vận dụng một số cách nhận biết sau:

- Quan sát về mặt hình thức bên ngoài: Đây là cách đơn giản nhất để phát hiện các đối tượng giả danh Công an, cụ thể: Các đối tượng giả danh Công an tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, liên hệ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự thường sử dụng trang phục không đồng bộ, không đúng quy định, công cụ hỗ trợ, số hiệu, giấy tờ của ngành Công an không đúng quy định.

Trong trường hợp này, người dân chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế, lễ tiết, tác phong, cử chỉ có thể phân biệt được họ là Công an thật hay giả. Đối tượng giả danh Công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ như khóa số 8, dùi cui, súng..., cố tình để người khác thấy giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND. Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh Công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.

Hình ảnh các đối tượng mạo danh cán bộ công an thực hiện cuộc gọi lừa đảo - Ảnh: CA Hà Nội

Hình ảnh các đối tượng mạo danh công an thường dùng để thực hiện cuộc gọi lừa đảo - Ảnh: CA Hà Nội

- Gợi mở để đối tượng nói thật nhiều về lĩnh vực công tác Công an: Nếu nghi ngờ một người giả danh Công an cần phải khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình càng nhiều càng tốt vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở. Có thể hỏi đối tượng những thông tin cơ bản như: Trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành Công an thế nào? Đơn vị hiện tại địa chỉ ở đâu, lãnh đạo đơn vị là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể hiện nay là gì?...

Nếu nghi ngờ, có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh đối tượng, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan Công an. Sau khi tiếp nhận thông tin từ đối tượng, tốt nhất không nên làm theo yêu cầu của đối tượng, khéo léo từ chối, đồng thời phân tích, đánh giá thông tin để xác định đối tượng có phải là người giả danh Công an hay không.

- Phân tích, tổng hợp, đánh giá: Cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải giả danh Công an hay không. Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin sau đó nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực Công an, những người đang công tác trong ngành Công an hoặc Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn nơi người dân cư trú, trực ban đơn vị Công an nơi gần nhất phân tích, đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng.

- Đối chiếu, kiểm tra: Trong trường hợp đã đánh giá nhưng chưa đủ cơ sở xác định đối tượng là người giả danh Công an hay không, cần thực hiện bước đối chiếu, kiểm tra. Từ việc phân tích, tổng hợp thông tin do đối tượng cung cấp, kết quả quan sát, đánh giá, tư vấn của người trong ngành Công an... có thể dùng để đối chiếu, kiểm tra xác định đối tượng có hành vi giả danh Công an. Như vậy, để nhận biết đối tượng giả danh Công an, tránh bị các đối tượng này lừa đảo, người dân cần phải tìm hiểu những thủ đoạn phổ biến của loại đối tượng này, nâng cao cảnh giác, không vội tin đối tượng, vận dụng đồng bộ một số cách nhận biết, kiểm tra, đánh giá để xác định và có cách xử lý hiệu quả nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại