Thế tiến thoái lưỡng nan của ông Tập Cận Bình ở G20: Làm sao để chiến thắng Mỹ mà không thay đổi Trung Quốc?

Thu Hương |

Nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây của Trung Quốc đang đối mặt với thách thức có thể coi là lớn nhất trong sự nghiệp của ông.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Phó Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ Joe Biden năm 2011, phong trào Mùa xuân Ả Rập đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Ông Tập nói với ông Biden rằng những chế độ độc tài ở Trung Đông đã thất bại vì hoàn toàn mất liên lạc với người dân, trở nên cô lập và tự thỏa mãn với bản thân. Đó là kịch bản mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải tránh bằng mọi giá.

Cuộc biểu tình của 2 triệu người dân đặc khu hành chính Hồng Kông cách đây không lâu để phản đối dự luật dẫn độ hoàn toàn không phải là 1 mối đe dọa "kiểu mùa xuân Ả Rập" đối với Trung Quốc, nhưng cuộc gặp với Tổng thống Trump tại hội nghị G20 sẽ diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tuần này lại đang trở thành sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ông Tập trong 7 năm lãnh đạo Trung Quốc.

Bài kiểm tra lớn nhất

Sau khi được đánh giá là lãnh đạo quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, ông Tập đang đối mặt với thách thức có lẽ là lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc chiến thương mại mà ông Trump phát động không chỉ đe dọa những điều căn bản nhất của mô hình kinh tế do nhà nước dẫn dắt của Trung Quốc mà còn có thể triệt tiêu khả năng làm chủ các công nghệ mới – thứ rất cần thiết để kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới.

Từ khi thương chiến nổ ra, các tài sản Trung Quốc vẫn khá vững vàng: TTCK Trung Quốc thuộc nhóm tăng trưởng mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm đến nay, và nhân dân tệ đã ổn định trở lại sau khi trải qua tháng 5 đầy biến động.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cảnh báo đang nhấp nháy: trái phiếu chính phủ diến biến tệ hại và nền kinh tế - vốn đã chệnh choạng trước cả khi xung đột thương mại nổ ra – đang tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất kể từ những năm 1990.

Dù kết quả là thế nào đi chăng nữa thì cuộc gặp Trump – Tập tại Osaka lần này vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tìm cách kết thúc thương chiến và khôi phục mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất trên thế giới hiện nay là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, và đó cũng là cách duy nhất để ông Tập chiến thắng trước vị Tổng thống có tính khí thất thường của nước Mỹ.

Đang chạy đua để tái đắc cử năm 2020, thứ ông Trump tìm kiếm là 1 thỏa thuận làm vừa lòng những nghị sĩ có thái độ diều hâu đối với Trung Quốc tại đảng Cộng hòa, trong khi cũng phải trấn an những lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm kiếm 1 mối quan hệ Mỹ - Trung tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đối với ông Tập, thỏa hiệp sẽ là 1 lựa chọn nguy hiểm. Phần lớn yêu cầu của Mỹ đều đòi hỏi Trung Quốc phải tự do hóa nền kinh tế bằng cách giảm bớt vai trò của các doanh nghiệp nhà nước và thậm chí là cả thu hẹp tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thế tiến thoái lưỡng nan của ông Tập Cận Bình ở G20: Làm sao để chiến thắng Mỹ mà không thay đổi Trung Quốc? - Ảnh 2.

Trey McArver, đồng sáng lập của hãng nghiên cứu Trivium có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng đây là bài kiểm tra lớn nhất của ông Tập kể từ khi nhậm chức. "Những thách thức này đến từ sự đổ vỡ trong quan hệ song phương. Không phải ông ấy đã làm không tốt trọng trách của mình, mà đáng tiếc là Donald Trump sẽ không bị kiểm soát bởi bất cứ ai và thái độ chống Trung Quốc trong chính phủ Mỹ đã đạt tới điểm mà ông Tập khó có thể làm gì để đảo ngược tình thế".

Sau khi ông Tập lên nắm quyền năm 2012, Trung Quốc đã có một số động thái cứng rắn như xây đảo nhân tạo trên biển Đông hay phát động chiến tranh kinh tế với Hàn Quốc vì nước này cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ngay trên đất Hàn. Trung Quốc cũng gây sức ép tương tự lên Canada, nơi mà CFO của tập đoàn Huawei bị bắt.

Tuy nhiên trong tất cả các sự kiện này Trung Quốc đều tránh việc trực tiếp tấn công vào quan hệ Mỹ - Trung. Xét theo góc độ nào đó, ông Trump – Tổng thống Mỹ có thái độ bài Trung rõ rệt nhất kể từ những năm 1960 – vẫn nhận được thái độ nhượng bộ từ phía Trung Quốc.

Không lâu sau khi đắc cử, ông Trump gần như đã gây ra 1 cuộc khủng hoảng khi gọi điện cho nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Tuy nhiên lần đó Trung Quốc lựa chọn cách im lặng và ngầm tuyên bố rằng ông Tập sẽ chỉ nói chuyện với ông Trump nếu như Tổng thống Mỹ công khai thừa nhận chính sách "một Trung Quốc" khi giao tiếp với Đài Loan. Ông Trump cuối cùng cũng làm như vậy vào tháng 2/2017.

Theo John Lee, người từng làm cố vấn cấp cao cho Ngoại trưởng Australia từ năm 2016 đến 2018, trong giai đoạn này Trung Quốc dường như sẵn sàng hơn trong việc đe dọa các nước nhỏ hơn, đặc biệt là những đồng minh của Mỹ. Trong các vấn đề đối ngoại, chỉ có Mỹ là nước đứng trên Trung Quốc.

Quan điểm này sẽ được kiểm tra tại hội nghị G20 sắp tới. Những thủ thuật của ông Trump trong chiến tranh thương mại – liên tục đánh thuế hàng hóa Trung Quốc, chặn đứng khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ của Huawei, và hối thúc các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc – sẽ buộc bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào cũng phải đáp lại cứng rắn. Tuy nhiên ông Tập lại có rất ít lựa chọn.

Sức ép đến từ trong nước

Duy trì sức mạnh của những công ty như Huawei và ZTE là điều sống còn đối với khả năng xuất khẩu các dịch vụ công nghệ cao bên cạnh hàng hóa bình thường – sự chuyển đổi quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh chi phí nhân công gia tăng khiến ngành sản xuất của Trung Quốc bị suy giảm đáng kể sức cạnh tranh.

Ông Tập cũng phải đối mặt với sức ép chính trị trong nước rất lớn. Lịch sử cho thấy các nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn phải ghi nhớ 1 quy tắc bất di bất dịch: những hành động đi ngược lại với lợi ích của đất nước mà lại vì lợi ích của nước khác là không thể chấp nhận được và phải bị trừng trị thích đáng.

Bài kiểm tra mà ông Tập phải đối mặt là áp dụng logic này như thế nào trong quan hệ với Mỹ. Từ khi thương chiến được khởi động, Trung Quốc đã phát tín hiệu có thể giới hạn lượng đất hiếm xuất khẩu sang Mỹ, điều tra FedEx, gắn mác "thực thể không đáng tin cậy" cho một số công ty Mỹ. Có vẻ mong muốn của ông Tập là hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước.

Những cuộc gặp cấp cao trước đây cho thấy quan điểm của ông Trump có thể thay đổi hoàn toàn sau những cuộc gặp mặt trực tiếp. Trong khi đó ông Tập lại là người có lịch sử tạo ra những cuộc gặp nồng ấm ở nước ngoài. Tháng 12 năm ngoái, ở Argentina, cũng tại hội nghị G20 ở Argentina, ông Trump đã rất hài lòng khi nói về cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc, nói rằng quan hệ với Trung Quốc "vừa có một bước nhảy vọt".

Thế tiến thoái lưỡng nan của ông Tập Cận Bình ở G20: Làm sao để chiến thắng Mỹ mà không thay đổi Trung Quốc? - Ảnh 4.

Các quan chức nước ngoài thường bị ấn tượng bởi sự chú ý cao độ của ông Tập tại các cuộc gặp. Không giống như các lãnh đạo tiền nhiệm, ông Tập thường phát biểu mà không cần giấy, toát ra thần thái bình thản điềm tĩnh kể cả khi các hành động của Trung Quốc bị chỉ trích.

Không ít đại sứ nước ngoài ở Bắc Kinh từng rơi vào hoàn cảnh bị ông chất vấn kỹ càng về vấn đề nổi cộm ở đất nước họ. Có vẻ ông đã tìm hiểu về vấn đề rất kỹ lưỡng.

Những điểm đặc biệt này có thể giúp ông Tập thuyết phục được ông Trump ủng hộ tái khởi động đàm phán thương mại. Nhưng kể cả Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến thỏa hiệp, nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại bị thuyết phục rằng Trung Quốc khó tránh được cảnh đối đầu tại hội nghị G20 lần này.

Lãnh đạo của 2 nước G20 khác là Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ tới Osaka với những lời than phiền về điều mà họ cho chính sách đối ngoại quá cứng rắn của Trung Quốc.

Trong trường hợp Canada, Trung Quốc đã bỏ tù 2 công dân của nước này để trả đũa vụ bắt giữ CFO của tập đoàn Huawei arrest. Các quốc gia khác như Đức thì ngày càng hoài nghi về chính quyền của ông Tập.

Trung Quốc cần 1 cách khác để kể câu chuyện thành công của riêng mình

Kể cả những chuyên gia có thái độ ủng hộ Trung Quốc cũng cho rằng cách truyền thông điệp của nước này cần phải thay đổi. Henry Wang, cố vấn Hội đồng nhà nước Trung Quốc, cho rằng nước này cần 1 cách mới để kể câu chuyện thành công của riêng mình. "Hoàn cảnh hiện nay giống như 1 cậu bé học quá giỏi và bị các bạn khác trong lớp ghen tị".

Ông Tập cũng không thể chờ đợi các doanh nghiệp Mỹ giúp sức làm dịu căng thẳng thương mại. CEO của các tập đoàn lớn nhất nước Mỹ từng là những người bạn tốt nhất của Trung Quốc ở phương Tây, ủng hộ nước này gia nhập WTO với hi vọng sẽ được tiếp cận với thị trường đông dân nhất thế giới.

Nhưng điều đó đã thay đổi đáng kể vì Trung Quốc quá trậm trễ trong việc cải cách kinh tế, chưa nói đến những lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ và nguy cơ gián điệp.

Theo Sunsan Shrik, chủ tịch trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 trực thuộc ĐH California và từng là 1 quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc nên quay trở lại với cách tiếp cận của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: giấu mình chờ thời, trấn an các quốc gia khác rằng Trung Quốc không phải là 1 mối đe dọa. "Còn nếu ông ấy chọn cách tiếp cận tham vọng hơn và không khôn khéo sẽ dẫn đến thái độ ngờ vực chống lại Trung Quốc, không chỉ ở Mỹ mà ở mọi quốc gia phát triển".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại