Ông Phấn nói: “Theo báo cáo chuyên môn, Phương Trâm là tài năng vừa được phát hiện của bơi lội VN từ năm 2014.
Do thành tích ban đầu của Phương Trâm tốt không kém Nguyễn Thị Ánh Viên lúc cùng độ tuổi nên Tổng cục TDTT xác định sẽ đầu tư cho Phương Trâm. Dù vậy, đầu tư thế nào và ra sao cho Phương Trâm thì cần thời gian kiểm tra đánh giá”.
Khi được hỏi về quan điểm trước mâu thuẫn giữa gia đình Phương Trâm và đơn vị chủ quản TP.HCM hiện tại, ông Phấn bày tỏ:
“Mâu thuẫn giữa VĐV, gia đình VĐV với các địa phương vẫn thường xảy ra. Ở góc độ nhà quản lý, tôi thấy VĐV phải ghi nhận việc địa phương tuyển chọn, huấn luyện cho họ là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai mà thành tài được.
Tôi không bênh vực đơn vị chủ quản TP.HCM nhưng các vấn đề cần được giải quyết thấu đáo. Nếu cứ cãi nhau hợp đồng ký ngày nào, ký ra sao, tính toán chi phí từng ngày là không nên”.
Về chuyện vào ngày 30-6, Phương Trâm sẽ phải rời Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM do quyết định triệu tập đội tuyển quốc gia hết thời hạn, khi đó Phương Trâm phải làm gì để duy trì việc tập luyện là câu chuyện nan giải.
Trả lời vấn đề này, ông Phấn nói: “Phương Trâm là một trong 50 VĐV được đầu tư trọng điểm của thể thao VN cho tương lai. Việc kiện cáo giữa VĐV với địa phương sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định triệu tập của Tổng cục TDTT.
Thậm chí, nếu TP.HCM cấm Phương Trâm thi đấu cho đơn vị khác khi hợp đồng chưa được thanh lý thì cũng không cấm được em tập luyện và thi đấu cho tuyển quốc gia”.