Xót xa chuyện cầu thủ vật vã chạy tiền chữa chấn thương

Đắc Lâm |

Mới đây, làng bóng đá V.League lại ngậm ngùi nghe câu chuyện cầu thủ Đức Lộc của CLB Đồng Tháp phải vay tiền nặng lãi để chữa trị chấn thương khi mà CLB có ý thoái thác khoản tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, để mặc cầu thủ xoay trở.

Thế nhưng Đức Lộc không phải là hiện tượng hiếm hoi phải tự vật lộn kiếm tiền chữa thương với hy vọng nhanh chóng quay lại sân cỏ, nhất là vào thời điểm này, khi nhiều CLB rơi vào cảnh “ốc không mang nổi mình ốc”.

CLB than khó, cầu thủ than khổ

Đức Lộc là cầu thủ từng tốt nghiệp Đại học TDTT TPHCM nhưng lại chọn nghề cầu thủ dưới sự dìu dắt của HLV Đoàn Minh Xương.

Lộc về Đồng Tháp chơi giải Hạng nhất 2014 nhưng thật không may, trong một tình huống tranh chấp, Đức Lộc gặp chấn thương rất nặng, buộc phải tiến hành phẫu thuật.

Tuy nhiên, khi bác sĩ đưa ra mức phí điều trị, cả Lộc và gia đình choáng váng bởi con số lên tới 200 triệu đồng. Lẽ thường, với những chấn thương trong lúc luyện tập và thi đấu thì mọi chi phí phải do CLB chi trả.

Song khi Lộc chấn thương và phải phẫu thuật thì cũng là lúc CLB Đồng Tháp đứng trước nguy cơ giải thể vì nhà đầu tư cao su rút lui.

Đến chính CLB cũng không chắc “cứu” được mình thì việc “cứu” cầu thủ không còn là quá quan trọng.

Thời điểm ấy, lãnh đạo CLB Đồng Tháp lại nói với gia đình Đức Lộc là hãy tự ứng tiền nhà chi trả trước đi, rồi sau này CLB sẽ hoàn lại.

“Bản thân tôi và gia đình cũng khó khăn, nhưng vì sự nghiệp, tôi phải chấp nhận vay tiền bên ngoài 200 triệu đồng để điều trị”, Lộc nói.

Phẫu thuật xong, với nỗ lực cá nhân, Đức Lộc đã luyện tập và thi đấu trở lại, chỉ có khoản tiền điều trị chấn thương kia vẫn không thấy lãnh đạo CLB chi trả.

Cuộc sống của Lộc vốn không dư giả, "nay hàng tháng tôi phải đóng 6 triệu đồng tiền lãi bên ngoài, trong khi đó lương mỗi tháng chỉ 15 triệu đồng, vì thế buộc lòng tôi phải tìm đến lãnh đạo Công ty để đòi lại quyền lợi", anh nói.

Điều đáng buồn là chính CLB Đồng Tháp lại đùn đẩy trách nhiệm sang… công ty cũ vốn đã không còn hoạt động kể từ khi nhà tài trợ rút lui trước mùa giải 2015.

“Tính tất cả chi phí, tổng cộng là 180 triệu đồng. Là một cầu thủ trẻ mới đôn lên đội 1, lương ba cọc ba đồng, vì vậy, để đủ tiền đi mổ, tôi phải nhờ gia đình ở quê đi vay mượn bà con, láng giềng, thậm chí nhiều khoản bí quá phải vay tiền “nóng”.

Thế nhưng, gần 1 năm rồi mà vẫn chưa được giải quyết, khiến tôi và gia đình phải rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khi cứ hẹn mãi ngày trả nợ với người ta.

Gặp lãnh đạo hỏi thì kêu đợi, vì đội mới chuyển giao nên thủ tục còn lu bu, sau lại bảo khoản này do đơn vị quản lý đội trước đây là Công ty TNHH bóng đá Đồng Tháp chi trả, khiến cho tôi chẳng biết đường nào mà lần.

Thế nên, tôi buộc phải tự tìm giải pháp cho mình…”, Đức Lộc cho biết.

Bên cạnh số tiền 180 triệu đồng, theo trung vệ này, đội bóng chủ sân Cao Lãnh còn nợ anh 50 triệu đồng, đây là số tiền thưởng cho thành tích thăng hạng mùa giải hạng Nhất năm ngoái.

Và theo khẳng định của Đức Lộc: “Nếu CLB không thanh toán số tiền trên, tôi sẽ không thi đấu, kèm theo đó sẽ nhờ luật sư vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho mình…”.

Trao đổi với Lao Động & Đời sống, Phó GĐĐH CLB Đồng Tháp Vương Thanh Trung cho biết: Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn của Đức Lộc hiện giờ.

Tuy nhiên, Lộc cũng thông cảm rằng, để giải quyết chuyện này là không đơn giản, vì đơn vị quản lý đội bóng trước đây là Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp đã phá sản rồi nên mất rất nhiều thời gian.

Hiện chúng tôi đã báo cáo tình hình của đội lên lãnh đạo tỉnh. Trước mắt, tuần tới, ông Đặng Xuân Huy - Chủ tịch CLB - sẽ có buổi làm việc với các cầu thủ.

CLB thực sự đang khó khăn, nên tôi kêu gọi anh em cầu thủ hãy chia sẻ và giữ bình tĩnh để thi đấu tốt, bởi chắc chắn quyền lợi sẽ được đảm bảo…”.

Trời thương ai thì người nấy dạ

Cũng rơi vào tình cảnh CLB giải thể, nhưng cầu thủ Nguyễn Anh Hùng lại có vẻ may mắn hơn Đức Lộc. Tháng 2.2014, trong trận đấu giữa SLNA và An Giang, trong tình huống vào bóng gắt, cầu thủ của SLNA là Đình Đồng gần như đã đạp gãy đôi chân của Anh Hùng.

Với cú ra chân ấy, Đình Đồng bị tuyên án phạt 20 triệu đồng cùng án treo giò hết năm 2014 (sau này được giảm án 2 tháng). Sau khi thăm khám, các bác sĩ khẳng định, Anh Hùng bị gãy ống chân, phải điều trị dài này.

Là quân An Giang nhưng quê gốc ở Nghệ An, chấn thương tạm ổn, Anh Hùng về quê chữa thương trong sự lo lắng của gia đình.

Chấn thương này được đánh giá là rất nghiêm trọng và phải mất nhiều thời gian mới có thể hồi phục. Thậm chí, nếu không may mắn, Hùng có thể sẽ không chơi bóng chuyên nghiệp được nữa.

Bậc phụ huynh nào cũng sẽ phát hoảng khi ở hoàn cảnh của bà Trúc - mẹ Anh Hùng - phải nhìn con mình mới chập chững vào đời mà đã đối mặt với thử thách đe dọa cả sự nghiệp.

Ronaldo làm gì trong thảm bại của Real Madrid?

Pha vào bóng của Đình Đồng với Anh Hùng.

Đã có lúc, Hùng nghĩ tới việc phải tìm một công việc khác thay vì nghề đá bóng.

Song may mắn cho Hùng là vẫn được An Giang chuyển lương, thưởng khá đều đặn, dù hết mùa giải 2014, CLB HV An Giang cũng đành chấp nhận giải thể vì không thể tìm ra được nhà tài trợ.

Những người thân Anh Hùng cho biết: “Do cha của Anh Hùng mất sớm nên vài năm nay, Hùng là lao động chính trong gia đình nhờ thu nhập từ nghề cầu thủ.

Lúc mới bị chấn thương, nhiều người lo gia đình Hùng sẽ phải sống vất vả hơn để lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền.

Tuy nhiên, CLB HV.AG dù ở xa nhưng luôn quan tâm đến tình hình hồi phục chấn thương của Hùng và đặc biệt là vẫn đều đặn chuyển lương, thưởng cho anh như các cầu thủ khác của đội”.

Chính điều ấy đã khiến Hùng quyết tâm quay lại với bóng đá. May mắn, khả năng của Anh Hùng được HLV Trương Việt Hoàng của Hải Phòng để mắt tới.

Một trong những bản hợp đồng mà Việt Hoàng mang về chính là hậu vệ 22 tuổi Anh Hùng. Không phụ lòng Việt Hoàng, Anh Hùng đã có khởi đầu mùa giải trong mơ.

7 tháng sau khi phẫu thuật, Anh Hùng đã trở thành nhân tố chính của hàng phòng ngự Hải Phòng. Trận đầu tiên V.League, Anh Hùng trong màu áo Hải Phòng đã chơi tự tin trước SLNA ngay tại Vinh và cùng đồng đội chiến thắng 3-0 giòn giã.

6 lượt trận vừa qua, Anh Hùng được ra sân cả 6 và nếu chơi tốt thậm chí cầu thủ này có thể dự SEA Games 28.

Hai cầu thủ, cùng hoàn cảnh khó khăn nhưng đang ở hai trạng thái khác nhau, tốt hay xấu cuối cùng cũng phụ thuộc vào ý thức của người sử dụng lao động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại