Có 1 thực tế chỉ ra rằng, số bàn thắng trong 4 kì World Cup gần đây nhất đang giảm dần. Theo thống kê, có 171 bàn tại Pháp năm 1998, 161 tại Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2002, 147 tại Đức năm 2006 và chỉ 145 bàn ở World Cup năm 2010 tại Nam Phi. Số bàn thắng trung bình trong mỗi trận cũng đã giảm từ 2,67 xuống 2,27 trong khoảng thời gian đó (theo FIFA). Cũng trong năm 2010, trung bình số bàn thắng trong 1 trận đấu tại Nam Phi thấp thứ 2 trong lịch sử các kì World Cup, chỉ hơn so với mùa hè tại Italia năm 1990.
Đây cũng là năm mà đội bóng vô địch, TBN chỉ ghi được có 8 bàn sau 7 trận đấu, hiệu số trung bình là 1,14 bàn/trận, trái ngược với con số đó của Pháp năm 1998 là 15 bàn với trung bình 2,14 bàn/trận. Brazil năm 2002 là 18 bàn cùng tỉ lệ 2,57 bàn/trận. Thậm chí người Ý vốn nổi tiếng với lối đá phòng ngự cũng đã có 12 bàn thắng vào năm 2006 cùng tỉ lệ 1,71 bàn/trận.
Vậy đâu là lí do mà số bàn thắng cứ giảm theo thời gian?
Tại World Cup 2010 các đội bóng chơi khá thận trọng, họ chủ yếu tập trung vào khả năng kiểm soát bóng chứ không quá tập trung vào những cú sút. Điều này đã được làm rất tốt bởi TBN, đội bóng sau đó đã lên ngôi vô địch với 1 khả năng kiểm soát bóng tuyệt vời. Tuy nhiên, lối đá của “nhứng chú bò tót” năm đó không thực sự thuyết phục các khán giả tại giải đấu này.
Theo 1 cuộc thăm dò của The Guardian năm 2010, 58% độc giả ủng hộ quan điểm cho rằng xem TBN đá năm đó thật sự rất nhàm chán. Chứng kiến số bàn thắng thấp kỉ lục tại các kì World Cup qua vòng đấu đầu tiên, Biên tập viên thể thao của BBC, David Bond đã ngán ngẩm phát biểu rằng: “Đây thực sự là 1 World Cup nhàm chán nhất trong lịch sử”.
Đưa ra nguyên nhân về sự khan hiếm bàn thắng này, nhà phân tích chiến thuật, Sam Tighe cho rằng, tất cả mọi tội lỗi đều bắt nguồn từ… Jose Mourinho.
“Rất nhiều đội bóng tại kì World Cup đó đã bị ảnh hưởng bởi đội hình 4-2-3-1 mà Mourinho đã sử dụng để giành cú ăn 3 năm đó cùng Inter. Ngoài ra các cầu thủ cũng đều cảm thấy mệt mỏi sau 1 mùa giải căng thẳng trước đó. Chỉ có 1 vài đội chọn lối đá tấn công đúng nghĩa là Argentina, Đức và Chile”, Sam chia sẻ.
Câu hỏi lớn ở đây là liệu World Cup vào năm sau tại Brazil có làm thỏa mãn người xem bới lối đá tấn công cống hiến của các đội tuyển không hay nó sẽ lại nghèo nàn về số bàn thắng như theo quy luật đang giảm dần của các kì World Cup gần đây?
Thực ra trong mùa giải này, có rất nhiều lí do được chỉ ra để cho thấy World Cup tại Brazil vào năm sau sẽ là 1 bữa tiệc thật sự của bóng đá tấn công.
Champions League
Không thể phủ nhận Champions League luôn là 1 giải đấu có ảnh hưởng rất lớn đến các đội tuyển thời gian gần đây bởi tính hấp dẫn cũng như chất lượng của các cầu thủ và đội bóng tại đây.
Inter năm 2009/2010 đã lên ngôi với lối chơi phòng thủ cực kì khó chịu, và ngay sau khi kết thúc Champions League năm đó, rất nhiều đội tuyển đã “copy” y xì lối chơi đã làm nên thành công của thầy tròMourinho.
Vậy nếu như có sự liên quan đến đội bóng thành công tại Champions League và số bàn thắng cũng như lối chơi của các đội tại VCK World Cup thì năm nay thật sự là 1 tín hiệu đáng mừng. Có thể thấy trong các đội bóng tham dự vòng tứ kết Champions League, ngoại trừ Juventus, đều sở hữu lối đá tấn công quyến rũ. Điển hình là nhà vô địch Bayern Munich, tính tổng cộng trong 13 trận đấu tại Champions League mùa này, Hùm xám đã ghi được tới... 31 bàn, trong đó có 2 chiến thắng huy hoàng với tổng tỉ số 7-0 trước đại gia Barcelona.
Một minh chứng rõ nét nữa chính là tỷ lệ số bàn thắng trung bình của giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu ở mùa giải này cũng đã đạt xấp xỉ 2,95 bàn/trận - cao nhất trong vòng 1 thập kỉ qua. Điều này dường như đang tôn vinh lối đá tấn công, còn chủ nghĩa phòng ngự có lẽ đang mất dần tiếng nói tại châu Âu thời điểm này.
Premier League
Một bằng chứng khác đến từ Premier League, giải bóng đá được cho là hấp dẫn nhất hành tinh thời điểm này. Các đội bóng trong top đầu dường như đã quên mất cách… phòng ngự. Họ chọn lối chơi tấn công để bù đắp những thiếu sót nơi tuyến dưới. Các đội bóng này cũng đặc biệt chú trọng đến việc mang về những ngôi sao tấn công chứ không mặn mà lắm về hàng phòng ngự.
“Việc giữ sạch lưới tại đây dường như là 1 nghệ thuật đã mất. Tôi nghĩ lí do chính của điều này là các đội bóng đang tìm cho mình 1 lối chơi khác, quyến rũ và đẹp mắt hơn”, cựu cầu thủ của Arsenal,Martin Keown chia sẻ.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến World Cup sắp tới khi mà giải Ngoại hạng Anh luôn sở hữu những cầu thủ hàng đầu của các đội tuyển tham gia thi đấu tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh này.
Các cầu thủ siêu tấn công
1 lí do không thể thiếu chứng minh ngày hội vào năm sau tại Brazil sẽ là 1 bữa tiệc của bóng đá tấn công vì hiện tại trên thế giới có rất nhiều tiền đạo đẳng cấp xuất hiện. Có thể kể đến những chân sút thượng thặng như Messi, Ronaldo, Radamel Falcao , Neymar , Eden Hazard, El Shaarawy , Mario Balotelli ,Edinson Cavani hay Marco Reus và Mario Gotze của đội tuyển Đức.
Nếu như đội bóng của tất cả những ngôi sao kể trên đều giành được vé hoặc những cầu thủ này không bị chấn thương hành hạ trước mùa giải thì việc lối đá tấn công đẹp mắt xuất hiện tại VCK World Cup năm sau cũng không có gì lạ.
Sau cùng thì thời mà các đội bóng áp dụng lối đá của Mourinho như trong “sách giáo khoa” đã qua đi. Họ đang lần lượt chuyển mình với 1 trường phái cống hiến hơn, để có thể mang đến cho người hâm mộ những trận đấu đỉnh cao nhất vào năm sau.