1.Cho đến ngày hôm nay khi Michael Owen trút bầu tâm sự thì người ta mới biết: trong suốt 14 năm qua Owen luôn thi đấu với một người bạn đồng hành mang tên Chấn Thương. Kể từ khi 19 tuổi anh ấy đã mắc phải chấn thương gân khoeo. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng thi đấu của một trong những kiệt tài xuất chúng ở xứ Sương mù.
Đây rõ ràng là một tin gây rúng động làng bóng đá thế giới. Thật khó có thể tin nổi một cầu thủ có thể nén đau trong suốt 14 năm để ra sân thi đấu. Hơn thế nữa, cũng đã có những thời điểm Owen bước lên được đỉnh cao thế giới. Việc này càng khiến cho mọi người càng kính phục và ngưỡng mộ anh nhiều hơn.
Nào ai biết Owen đã phải nhịn đau suốt 14 năm qua
Nhưng đổi lại nó cũng chứng minh một thực tế là các cầu thủ đã bị HLV của họ ép thi đấu cho dù không có được tình trạng sức khỏe tốt nhất. Việc làm này đã hủy hoại sự nghiệp bóng đá của một nhân tài. Liệu đó có thể được xem là một hành động vô nhân đạo?
Gần đây nhất, vụ việc của thủ môn Wojciech Szczesny được xem là một trường hợp tương tự. Thủ thành người Ba Lan vẫn phải ra sân theo lệnh của Wenger dù đang bị chấn thương.
2. Rõ ràng, chấn thương là điều chẳng ai muốn gặp phải. Nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng thi đấu của cầu thủ cũng như thành tích của đội bóng.
Tuy nhiên với guồng quay của bóng đá hiện đại, các “thương binh” hầu như không có đủ thời gian cần thiết để bình phục sức khỏe. Ngay khi có thể, những nhân tố được xem là mắt xích quan trọng của đội bóng sẽ phải ra sân thi đấu. Cho dù họ có phải cắn răng nén đau mà chạy.
Wojciech Szczesny cũng không có được sức khỏe tốt nhất khi thi đấu
Tất cả những điều này cũng chỉ để phục vụ cho những lợi ích cá nhân. Vì bóng đá là môi trường chịu rất nhiều ảnh hưởng từ sức ép Thành Tích. Các HLV buộc phải làm một việc “xấu” đối với cầu thủ của mình là phải ép họ ra sân. Còn cầu thủ thì cũng có những tính toán riêng của mình. Lo sợ bị mất vị trí trên sân, những “thương binh” phải sớm quay trở lại càng nhanh càng tốt nếu không sau này khó có thể tìm lại được tiếng nói.
Cái lợi của việc làm này chỉ đơn giản nằm ở lợi ích cá nhân nhưng mang đến cái hại tập thể. Khi một mắt xích thi đấu không ăn khớp với toàn bộ guồng máy thì những cái gọi là chệch choạc, va vấp rồi dẫn đến mẫu thuẫn, tranh cãi… sẽ xảy ra. Kéo theo một kết cục lớn đó là thành tích của cả đội bị kéo xuống. Như vậy có được xem là “con sâu làm giàu nồi canh”?
3. Nhưng có một điều dường như các HLV đã cố tình quên: một cầu thủ phải ra thi đấu khi chưa hoàn toàn bình phục chấn thương họ sẽ mang theo một vết dớp về tâm lý ra sân. Không đạt hiệu quả tốt nhất, ngại va chạm… và quan ngại nhất vẫn là việc cầu thủ đấy sẽ mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy chấn thương vì không được chữa dứt điểm. Đấy là lý do vì sao Owen nói anh phải vật lộn với những cơn đau kéo dài trong suốt 14 năm.
Kaka chỉ là một trong những nạn nhân điển hình nhất
Hãy nhìn thêm về một ví dụ như Kaka, trước khi anh bị chấn thương tiền vệ người Brazil đá ra sao và bây giờ anh chơi như thế nào thì ai cũng rõ tác hại của việc bị ép phải ra sân. Trước World Cup 2010, Kaka đã gặp phải chấn thương khớp gối khá nặng nhưng anh vẫn cố ra sân thi đấu cho ĐT Brazil. Và sau đó là những năm tháng dài đằng đẵng ngồi trên băng ghế dự bị của Real vì phải điều trị chấn thương.
Như vậy đấy, chỉ vì nông nổi muốn sớm có được có được thành tích tốt nhất cho đội bóng mà HLV và bản thân cầu thủ đã phải trả giá. Nhưng chỉ tiếc là những người phải gánh chịu nỗi buồn nhiều nhất lại là những CĐV.