Viết tiếp câu chuyện cầu thủ Việt kiều và bóng đá Việt

Trọng Lĩnh |

(Soha.vn) - Nhìn lại chuyện cầu thủ Việt kiều thử sức ở ĐT QG thì có thể thấy, những gì Michal Nguyễn và Mạc Hồng Quân vừa làm được chưa phải là thành công lớn, nhưng đã là một bước đột phá đầy ý nghĩa.

Chưa có cầu thủ Việt kiều nào thành công ở ĐTQG

Nhiều nhà chuyên môn của bóng đá Việt Nam khẳng định rằng: với hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài trên toàn thế giới, chúng ta có những nguồn lực cầu thủ, VĐV rất tốt, nhưng chưa thể khai thác hết được, do nhiều nguyên nhân.

Đã có rất nhiều những cầu thủ Việt kiều về Việt Nam thử sức, cả ở cấp độ CLB lẫn ĐTQG, nhưng cho đến nay, chưa một gương mặt nào thực sự thành công cả. Kể cả trường hợp của Lee Nguyễn - người đã nhiều năm chơi bóng ở V-League, từ HA Gia Lai, qua Bình Dương, dù Lee đã khẳng định được mình là một cầu thủ đẳng cấp, nhưng Lee Nguyễn chỉ thực sự thể hiện được đẳng cấp ấy, khi đã rời V-League và về chơi bóng ở giải nhà nghề Mỹ.

Những trường hợp tuyển thủ Việt kiều đầu tiên về nước chơi bóng đá cách nay đến gần chục năm, với 2 cái tên là Ludivic Casset và Toni Lê Hoàng. Chỉ tập được 1 buổi, cả hai cầu thủ được giới thiệu từng chơi bóng ở các CLB châu Âu này đều xách va-li hồi hương và chẳng để lại được ấn tượng nào cả. 

Lee Nguyễn đã không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ

Cho đến nay, đã có rất nhiều những cầu thủ khác về quê đá bóng, nhưng rồi cũng không có ai đáp ứng được kì vọng ban đầu. Cầu thủ Việt kiều về nước, họ là những cái tên mới, lạ, nhưng từ những ấn tượng, sự chú ý ban đầu, là rất khác với chuyên môn thể hiện trên sân.

Còn nhớ, cách đây tầm 4-5 năm, HLV Mai Đức Chung, người luôn rất nhiệt tình trong việc giới thiệu, tạo cơ hội cho cầu thủ Việt kiều về nước thử sức, đã chạy cả quãng đường dài từ Gia Lâm sang sân tập bóng đá trẻ ở sân Mỹ Đình để xem giò xem cẳng một cầu thủ việt kiều có tên là Anh Tuấn. 

Khi đó, ĐT trẻ QG các lứa tuổi không tập trung, và ông Mai Đức Chung đã phải gửi Anh Tuấn qua tập nhờ ở đội trẻ của Hòa Phát Hà Nội. Đặt câu hỏi vui “sao phải vất vả thế chú”, ông Chung tâm sự thật lòng: “Người ta là cầu thủ trẻ, chưa biết chuyên môn thế nào, nhưng riêng chuyện bỏ tiền bạc, công sức đi từ một nơi xa xôi tận bên trời Âu về đây thử sức, có tâm nguyện đóng góp cho quê hương rồi, thế là rất đáng trân trọng. Mình cần phải thể hiện sự trân trọng tấm lòng đó.”

Nhưng rồi, cũng chỉ xem cầu thủ này đá được tầm khoảng 30 phút, ông Chung cũng phải lắc đầu. Tan buổi tập, một cầu thủ trẻ của Hòa Phát Hà Nội nhận xét thẳng thắn: “Nó cũng tầm tuổi bọn em, đá thử tập thử cho vui, rất ok thôi, bọn em cũng chào đón. Nhưng em nói thật anh, nó đá với bọn em còn chưa nổi, chưa có gì hay hơn, sao lên ĐTQG được, còn non lắm.”

Người đi cùng cầu thủ Việt kiều nói trên cũng có nói do thời tiết, do mới về chưa quen, nên chưa thể hiện được gì nhiều, nhưng quả thật, chỉ cần biết chút ít về bóng đá thôi cũng thấy cầu thủ Việt kiều Anh Tuấn không có gì là nổi bật.

Vấn đề hòa nhập luôn là vấn đề cho bất kì cầu thủ mới nào, trong đó có cả cầu thủ Việt kiều. Từ Ludovic Casset cho đến Toni Lê Hoàng hay những cầu thủ về sau, có lẽ không ai biết rằng, lên ĐT phải có “dây”, hoặc một nhóm cầu thủ có quan hệ với nhau, có thể là cũng CLB hay cùng địa phương, thì hay đá, hay chuyền bóng, chơi bóng cùng nhau, tạo điều kiện để tất cả cùng có màn thể hiện tốt lên trong mắt HLV. 

Còn nhớ, có một lần, một cầu thủ Việt kiều về đá tập thử ở ĐT. Cũng chẳng phải ghét bỏ hay đố kị gì, nhưng kiểu như muốn “thử chân thử cẳng người mới”, một cầu thủ nhiều kinh nghiệm, khi ở ngoài rìa sân cỏ, đã nói: “Để tí em thử em nó thế nào, có ngon không”. 

Đến cuối buổi tập, cầu thủ này lắc đầu: “Không ăn thua anh ơi, vừa dí cho mấy quả chuyền để mà bứt tốc, dí cho quả bóng ở không gian hẹp, đông hậu vệ đối phương, đã thấy luống cuống rồi vừa chạy vừa thở rồi, không ăn thua.”

Thời gian trước, khi chốt lại danh sách cầu thủ ĐT U22 tham dự vòng loại U22 châu Á, HLV Lư Đình Tuấn đã loại cầu thủ Việt kiều Nguyễn Thanh Giang với lí do “không đáp ứng chuyên môn”. 

Gia đình cầu thủ này sau đó đã bức xúc cho rằng con em mình đáp ứng đủ chuyên môn, rằng họ cảm thấy thực sự thất vọng, thậm chí ông Nguyễn Bình Định, cha cầu thủ này còn cho rằng “có những lí do hậu trường khó nói.” Tuy vậy, một quyết định giữ hay loại cầu thủ hoàn toàn là quyền nằm trong tay HLV trưởng và cầu thủ bị loại thì phải chấp nhận.

Đã cả chục năm nay, chưa có một cầu thủ Việt kiều nào thử sức thành công, và sau đó tạo được chỗ đứng, có vị trí chính thức ở ĐTQG, dù chỉ ở ĐT trẻ.

Mạc Hồng Quân và Michal Nguyễn – Những người trẻ tiên phong

Trong đợt tập trung đầu tiên của ĐTQG ở năm 2013, có 2 cái tên cầu thủ Việt kiều, đó là Mạc Hồng Quân và Nguyễn Michal. Mạc Hồng Quân từng có tên trong những đợt tập trung trước cũng ĐT U22, nhưng cũng chưa thực sự tạo được ấn tượng nào sâu sắc. Còn Nguyễn Michal, vì các vấn đề giấy tờ thủ tục, đã suýt chút nữa không kịp có mặt ở đợt tập trung này.

Phải nhìn nhận lại rằng, sau những lần các cầu thủ Việt kiều về nước thử sức, giờ đây, vấn đề này đã không còn phải điều gì đó quá “nóng”, quá thu hút nữa. Trong “hồ sơ cầu thủ” thì những cầu thủ Việt kiều luôn có xuất phát điểm khá hoành tráng, nhưng xét cho cùng, một cầu thủ chỉ chơi bóng ở cấp độ bóng đá trẻ thì dù có đá bóng ở những nền bóng đá chuyên nghiệp tại châu Âu vẫn chưa nói lên điều gì.

Thêm nữa, lần tập trung ĐT này cũng chỉ là tập trung ngắn, đá 2 trận giao hữu với V Hải Phòng, với 1 CLB đến từ Hàn Quốc, và sau đó là trận đấu với UAE ở vòng loại Asian Cup 2013. Trình độ giữa bóng đá Việt Nam và UAE là quá chênh lệch, và rất khó để cho chúng ta có chiến thắng ở trận đấu này. 

Lần tập trung này, các cầu thủ trẻ được gọi lên để thử sức, cho những mục tiêu lâu dài về sau, nhằm chuẩn cho cho SEA Games sẽ diễn ra vào cuối năm. So với những lần tập trung khác, chuẩn bị cho các giải đấu khác, lần tập trung này, áp lực với các cầu thủ là nhỏ hơn nhiều.

Liệu Michal Nguyễn và Mạc Hồng Quân (phải) có làm nên chuyện

Chính vì thế, cũng chỉ nên coi đây là một cơ hội thử sức theo đúng nghĩa cho 2 cầu thủ Việt kiều nói trên, và áp lực cũng không quá lớn. Nguyễn Michal, 24 tuổi, là thành viên chính của CLB Baník Most tại Công hòa Czech , cao 1,86m và có thể chơi tốt trung vệ cũng như tiền vệ trung tâm. 

Cơ hội cũng sẽ đến với Mạc Hồng Quân, khi ĐTQG giờ đây đang khủng hoảng thiếu ở vị trí tiền đạo. Cùng với Mạc Hồng Quân, chỉ có 2 cầu thủ nữa nằm trong danh sách ở vị trí tiền đạo là Hà Minh Tuấn và Hải Anh. Tức là nếu thể hiện tốt trong các buổi tập, Mạc Hồng Quân sẽ có một suất chơi chính thức trên hàng công.

Thêm nữa, qua thời gian tập trung, thì có thể thấy, “môi trường” ĐT thời gian gần đây đã “lành” hơn rất nhiều. ĐT gồm rất nhiều những gương mặt trẻ, và sự đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các cầu thủ là rất tốt. Michal Nguyễn và Mạc Hồng Quân đều đã được các đồng đội trẻ đón nhận, tạo điều kiện thực sự trên sân.

Việc các cầu thủ Việt kiều về nước khoác áo ĐTQG, thử sức ở các CLB V-League, là điều tích cực và đáng chờ đợi về nhiều mặt. Tuy vậy, thành công được hay không, lại là một chuyện khác, và để thành công, thì yếu tố chính nhất vẫn phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và sự hòa nhập, thích nghi của chính bản thân cầu thủ đó.

Hồng Quân đã có bàn thắng đầu tiên trong màu áo ĐT QG. Michal Nguyễn liên tục được HLV Hoàng Văn Phúc đánh giá cao về chuyên môn. Cả hai cầu thủ đều đã được giữ lại trong danh sách chính thức tham dự vòng loại Asian Cup 2015.

Trên sân Hàng Đẫy, sau khi kết thúc trận đấu giữa ĐT Việt Nam và CLB Hyundai Mipo của Hàn Quốc, rất đông những khán giả đã nán lại, vỗ tay động viên khen ngợi Mạc Hồng Quân và anh cũng đã vẫy tay đáp lại tình cảm ấy. Cả Mạc Hồng Quân và Michal Nguyễn đều  rất xúc động trước những tình cảm, sự cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá Việt Nam .

Còn quá sớm để nói Hồng Quân và Michal Nguyễn đã thành công, nhưng những gì 2 cầu thủ này làm được, thực sự đã giống như một bước đột phá, khi những cầu thủ Việt kiều trước đây đều không tạo được dấu ấn gì lớn khi trở về và “thử việc” ở ĐT QG.

Những cầu thủ Việt kiều ở những nơi xa xôi, trở về, khẳng định được mình, được đồng đội, và được các CĐV đón nhận, ý nghĩa của điều này còn vượt khỏi cả phạm vi bóng đá. Những người trẻ, mang dòng máu Việt, cống hiến cho màu cờ sắc áo Tổ quốc quê hương Việt Nam , và chúng ta sẽ luôn tự hào, cổ vũ cho họ.

Tết âm lịch cổ truyền của dân tộc Việt đang đến gần, người Việt trên khắp thế giới đều hướng về quê hương bản quán. Hẳn sẽ có rất nhiều người con mang trong mình dòng máu Việt, yêu bóng đá, yêu ĐT Việt Nam, yêu đất nước Việt Nam, thấy ấm lòng hơn, với mỗi bước chân của Michal Nguyễn và Mạc Hồng Quân, trên sân cỏ Việt, trong lòng những CĐV Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại