1. Quả là một bi kịch khi đến tận vòng 22, ở Old Trafford vẫn râm ran câu chuyện sự hòa nhập của các tân binh. Trong những vòng đầu tiên, khi một vài tân binh chưa chịu hòa nhập với tập thể mới, đó là vấn đề của cá nhân họ.
Nhưng đến tận vòng 22, khi mà những tân binh như Fabregas, Costa, Sanchez đều đã trở thành một phần không thể thiếu của Chelsea hay Arsenal, thì ở Man United, nhóm Di Maria, Falcao, Blind, Rojo… vẫn ở rất xa so với tầm kiểm soát của Louis Van Gaal.
Nhưng giờ đây, trách nhiệm không còn thuộc về họ nữa. Van Gaal mới là người chịu trách nhiệm lớn nhất.
Tờ Daily Mail mới đây vừa tính toán một cách chi tiết số tiền mà Man United phải trả cho mỗi bàn thắng của Falcao.
Cụ thể, dựa trên mức lương mà chân sút người Colombia đang nhận từ Man United, mỗi bàn thắng của anh có giá lên tới 1,77 triệu bảng. Trong khi đó, Arsenal chỉ phải trả vỏn vẹn 210.000 bảng cho mỗi bàn thắng của Sanchez.
Falcao đang ngồi trên băng ghế dự bị và ngốn rất nhiều tiền của Man United
Mỗi ngày trôi qua, Falcao lấy của Man United trung bình 40.000 bảng, nhưng phải trung bình 201,3 phút thi đấu anh mới ghi được một bàn thắng.
Cộng thêm cả mức phí 6 triệu bảng Man United phải trả cho Monaco, 1 bàn thắng Falcao ghi cho Man United được đánh đổi bằng số tiền lên tới… 9,75 triệu bảng.
9,75 triệu bảng là con số không thể chấp nhận được, dù Man United có giàu có đến mức nào đi chăng nữa. Falcao đang trên đường trở thành một trong những bản hợp đồng thảm họa bậc nhất của Man United.
2. Di Maria cũng vậy. Anh đang đạt hiệu suất chuyền bóng còn tệ hơn cả một tiền vệ trị giá dưới 10 triệu bảng (80%), hiệu suất dứt điểm trúng đích ngang bằng một cầu thủ tầm trung tại Premier League (42%), nhưng anh đáng giá tới 60 triệu bảng.
Man United đã bỏ ra những số tiền không tưởng để Van Gaal có trong tay một đội ngũ siêu sao rực rỡ bậc nhất Premier League, nhưng nhìn vào những con số thống kê kể trên, không tránh khỏi những tiếng thở dài.
Falcao, Di Maria có kém như vậy không? Chắc chắn là không. Mới cách đây vài tháng, nhìn Di Maria bay lượn trên đất Brazil cùng ĐT Argentina, ai dám tin anh lại trở thành cầu thủ kém cỏi như vậy tại Man United?
Và như đã nói ở trên, Van Gaal phải là người chịu trách nhiệm cao nhất. Kể từ đầu giải, ông dùng người loạn xà ngầu.
Ông kéo Di Maria về sâu giữa sân thi đấu như một tiền vệ trung tâm, rồi khi thấy không phát huy tác dụng, ông đẩy anh ra biên yêu cầu tạt bóng liên tục.
Chẳng lẽ Van Gaal không hiểu, Di Maria là mẫu cầu thủ cần không gian rộng để hoạt động và sở trường của anh không phải là điều tiết trận đấu, càng không phải là tạt cánh.
Anh đột phá ở tốc độ cao tạo đột biến. Nhưng kể từ khi về tay Van Gaal, kỹ năng này hoàn toàn không xuất hiện trong các màn trình diễn của Di Maria.
Những Falcao, Herrera, Rojo, Blind, Shaw cũng rơi vào thảm cảnh tương tự thế này: Bị sử dụng sai cách, dẫn đến việc họ đã bước qua rất xa thời điểm hòa nhập, nhưng vẫn như những người xa lạ trong tập thể Man United.
3. Đây còn là một bi kịch khủng khiếp hơn. Tại World Cup vừa qua, Van Gaal mang đến một đội hình với quá nửa nhân sự là những cầu thủ lạ hoắc.
Nhưng dưới bàn tay của ông, những cái tên trước đó ít ai biết tới, đều đã bước ra ánh sáng đỉnh cao (Blind là một ví dụ điển hình).
Van Gaal vốn rất giỏi mài dũa những viên ngọc thô thành trang sức đắt tiền. Thời còn ở Bayern, ông phát hiện ra hàng loạt tài năng đến tận bây giờ vẫn đang là trụ cột của bóng đá Đức (như Thomas Muller chẳng hạn).
Nhưng oái oăm thay, khi đã sở hữu toàn những viên kim cương đắt tiền, Van Gaal lại không biết sử dụng đúng cách.
Nói một cách mỉa mai thì Van Gaal ưa thích việc chuyển hóa các cầu thủ. Ông có tài biến những viên ngọc thô thành kim cương nhưng khi có sẵn kim cương trong tay, ông lại theo thói quen, biến kim cương thành gỗ vụn.