Năng lực chuyên môn của Công Phượng là không phải bàn cãi, dù cầu thủ này còn rất trẻ. Trong màu áo U19 Việt Nam và U19 HAGL, Công Phượng đã chinh chiến và chứng tỏ được năng lực trước rất nhiều địch thủ mạnh, như U19 Hàn Quốc, Nhật Bản hay lớp đàn anh U21 Sydney, Malaysia và chính U21 Việt Nam.
Song câu chuyện ở cấp độ trẻ với cấp ĐTQG có rất nhiều khác biệt mà ở đó, chuyên môn chưa hẳn là yếu tố quyết định. Xét về nhiều vấn đề, việc Công Phượng chưa được lên ĐTQG lại là điều tốt ở thời điểm hiện tại.
Công Phượng có thể thành “ngôi sao cô đơn”
Nếu Công Phượng được lên đá ở ĐTQG Việt Nam ở thời điểm hiện tại, cũng chẳng có gì lạ. Trong quá khứ, những Văn Quyến, Công Vinh cũng từng lên đá ở ĐTQG Việt Nam khi còn rất trẻ và đã sớm thành công.
Nhưng hai ngôi sao kể trên đã có một lợi thế rất lớn mà ở thời điểm hiện tại, Công Phượng không có: Đồng đội. Trên ĐTQG Việt Nam khi ấy, Công Vinh hay Văn Quyến có rất nhiều đàn anh thân thiết có thể giúp đỡ họ hòa nhập vào sinh hoạt cũng như lối chơi chung của đội. Gần như đã không có sự bài xích nào dành cho Quyến, Vinh khi được đôn lên đá ĐTQG.
Công Phượng hoàn toàn có thể bị cô lập nếu lên ĐTQG Việt Nam lúc này
Còn với Công Phượng, ở ĐTQG Việt Nam hiện tại không có ai thân thiết với ngôi sao này. Việc được học viện HAGL JMG đào tạo bài bản, riêng biệt là ưu thế cho Phượng, nhưng ở góc độ khác, cũng là bất lợi. Bất lợi đó chính là việc Công Phượng không có nhiều đồng đội, bạn bè khác ngoài phạm vi HAGL.
Nhìn ở góc độ tiêu cực hơn nữa, việc Công Phượng quá nổi tiếng trong thời gian qua nhiều khả năng cũng có thể khiến cầu thủ này gặp rắc rối khi lên ĐTQG. Không thể khẳng định có chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới” trong làng bóng Việt Nam. Nhưng ai mà biết được sẽ thế nào, khi một ngôi sao chân ướt, chân ráo lên tuyển và lấy mất vị trí của một vài cá nhân?
Tránh cú vấp định mệnh
Các cầu thủ trẻ có thể chơi bóng rất nhiệt tình, xông xáo. Nhưng hiếm ai có được một tâm lý thi đấu thực sự vững vàng ở độ tuổi 19, 20 và Công Phượng cũng thế.
Còn nhớ ở VCK U19 châu Á khi U19 Việt Nam thua thảm 0-6 trước U19 Hàn Quốc, Bầu Đức đã phải rất nhiều lần động viên tâm lý Công Phượng. Sau đó, cầu thủ này cũng đã phải tới gặp bác sĩ tâm lý, để ổn định vấn đề tinh thần trước 2 trận gặp Nhật Bản và Trung Quốc.
Khi lên cấp độ ĐTQG và chơi ở những giải lớn như AFF Cup, áp lực sẽ là rất lớn và chẳng có gì khẳng định Công Phượng đủ sức vượt qua. Khi đó, điều tồi tệ không chỉ là Phượng có thể chơi tồi, không được ra sân mà đáng sợ hơn, cầu thủ này có thể bị sốc dẫn tới sa sút phong độ kéo dài.
Quan điểm của ông Miura và Bầu Đức
Tới từ Nhật Bản, một quốc gia có nền bóng đá rất mạnh đặc biệt là trong công tác đào tạo trẻ, HLV Miura thừa hiểu điều gì là cần thiết cho U19 Việt Nam nói chung và Công Phượng nói riêng.
HLV này đã rất công tâm khi thừa nhận có nhiều nhân tài ở U19 Việt Nam đủ sức được nhấc lên ĐTQG. Nhưng sau cùng, ông Miura đã tuyên bố sẽ không làm như vậy, để lứa Công Phượng và những cầu thủ khác có thêm thời gian trưởng thành, đủ độ “chín” về tài năng và tâm lý.
HLV Miura rất có tâm với bóng đá Việt Nam
Với riêng Bầu Đức, ông có quan điểm rất rõ ràng là muốn lứa U19 HAGL đi đâu cũng có nhau. Chính vì thế, dù nhận được khá nhiều lời hỏi mua các ngôi sao trong đội, ông vẫn từ chối để Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… có thêm thời gian chinh chiến tại học viện HAGL. Trong thời điểm hiện tại, với quan điểm đó, rõ ràng Bầu Đức sẽ không muốn cho Công Phượng đơn thân, độc mã lên ĐTQG Việt Nam thi đấu.
Bầu Đức có tầm nhìn xa, trông rộng
Với những lý do trên, có thể thấy rằng việc Công Phượng chưa lên ĐTQG Việt Nam lúc này là hợp lý và tốt cho chính chân sút Nghệ An. Có người từng nói, bóng đá là một sân chơi minh bạch mà tại đó, viên ngọc nào thực sự quý giá sẽ không thể che đậy nổi. Nên nếu Công Phượng thực sự là một tài năng, sớm muộn cũng sẽ lên tung hoành ở ĐTQG.