1. Đã từ lâu, những nhà ngoại cảm ở Việt Nam khiến người dân phải lác mắt bởi khả năng tìm thi thể người đã khuất. Những khả năng kì bí của họ phần nào đã được thổi phồng lên qua lời đồn đại, kiểu như có thể giao tiếp với người âm để tìm xác, cách xa hiện trường hơn 5km vẫn có thể biết chính xác hài cốt nằm ở đâu...Nhưng liệu bao nhiêu phần trăm trong những câu chuyện đó là thật sự ?
Gần đây, VTV đã phát đi một phóng sự khiến người ta phải bàng hoàng với những người được gọi là nhà ngoại cảm. Trong đoạn phóng sự đó, một vị Trưởng khoa xét nghiệm Viện Pháp y Quân đội đã hé lộ chân tướng của một số người tự cho mình có năng lực ngoại cảm, có thể nói xương động vật là xương người.
Phan Thị Bích Hằng - một trong những nhà ngoại cảm rất nổi tiếng
Một chân dung “đen” về nhà ngoại cảm cũng đã được truyền hình đưa ra ánh sáng. Vũ Thị Hòa (41 tuổi), trú tại tổ 14, phường Đồng Tâm (TP. Yên Bái – tỉnh Yên Bái) đã không từ mọi thủ đoạn buôn bán những con thú là động vật hoang dã để kiếm lời. Khi công việc kinh doanh này bại lộ, bà Hòa tự phong cho mình là một “nhà ngoại cảm” có thể tìm mộ liệt sĩ để từ đó kiếm lời trên chính niềm khát khao tìm lại người thân của các thân nhân liệt sĩ. Theo lời "nhà ngoại cảm" này, những bộ xương của động vật chính là ...xương của liệt sĩ. Tuy nhiên, hành vi này đã không thể qua mắt được những người có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ.
2. Gần đây, khi chứng kiến thành công của bầu Đức với lứa U19 của trung tâm HAGL Arsenal JMG mà ông là người góp công dựng lên, người ta mới chú ý tới những cầu thủ trẻ mà VFF, cũng tốn tiền tỷ để đào tạo. Điều đáng buồn là 6 năm qua, VFF không cho ra được dấu ấn khởi sắc nào trong công tác tuyển chọn, đào tạo trẻ, dù đã tốn không ít tiền của.
Sẽ càng buồn hơn nếu nhìn vào Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam mà VFF xin tiền để xây dựng. Địa điểm này là đơn vị đào tạo bóng đá trẻ được Nhà nước và Liên đoàn Bóng đá (VFF) thành lập, với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 140 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 80-85%. Tổng diện tích của trung tâm này xấp xỉ 7,2ha, gồm 4 sân bóng đá 11 người, trong đó có 3 sân cỏ tự nhiên và 1 sân cỏ nhân tạo.
Công tác đào tạo không mang lại hiệu quả như ý, VFF vẫn xin thêm tiền
Nói chung, cơ sở vật chất của trung tâm này chẳng thua kém các nước có nền bóng đá phát triển. Thế nhưng 6 năm qua, VFF chẳng trình làng được một gương mặt nào sáng giá cả, trong khi đó bầu Đức có những Công Phượng, Xuân Trường, Đông Triều…
3. Tại sao “sản phẩm” của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của VFF lại không hiệu quả như của Arsenal JMG? Một lí do đã được chỉ ra, đó là mô hình hoạt động của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ không hề khoa học. Thay vì lựa chọn đầu vào là những cầu thủ nhí lứa tuổi 11, 12, 13 để dễ uốn nắn thì trung tâm của VFF lại tuyển chọn lứa U16, lứa cầu thủ đã định hình các kỹ năng và khó sửa về tư duy chiến thuật cũng như kĩ năng chơi bóng, thậm chí cả về đạo đức.
Thế mà gần đây, VFF còn tiếp tục xin kinh phí khoảng 8 tỷ đồng mỗi năm để đào tạo cầu thủ chuẩn bị cho Asiad 2019.
Vấn đề lúc này khiến người ta nhớ lại chuyện tăng viện phí để có được chất lượng phục vụ tốt hơn. Chưa thấy tốt hơn ở đâu nhưng trong năm nay đã có vô số những vết nhơ của ngành y tế, từ bệnh viện Hoài Đức làm giả phiếu xét nghiệm, bệnh viện Mắt Hà Nội bị tố tráo thủy tinh thế và mới đây nhất là vụ bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng.
Trở lại câu chuyện VFF “xin tiền”, tại sao VFF cứ xin mãi như vậy khi chưa đào tạo nổi một gương mặt nào xuất sắc? Hay là vì họ có năng lực ngoại cảm, kiểu như bà Vũ Thị Hòa để có thể biết trước được những cầu thủ mà Trung tâm của mình đào tạo sẽ sánh ngang với những Công Phượng, Xuân Trường, Đông Triều ?