Lần đầu tiên tôi biết tới Thiên Môn Đạo là cách đây hơn 5 năm, khi có dịp tham gia đợt tập luyện đồng diễn tại sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Khi đó, một chàng thanh niên chừng tuổi đôi muôi, là môn đệ của Thiên Môn Đạo đã nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Học võ mà không học khí thì không phải học võ!”.
Từ đó, Thiên Môn Đạo luôn để lại nhiều dấu hỏi trong tôi. Và rồi sau hơn 5 năm, cuối cùng tôi cũng gặp gỡ được người đứng đầu môn phái, chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn để tìm hiểu sâu hơn về môn phái dị biệt này.
Lão nhân quá giang – tuyệt kỹ khinh công khiến Thiếu Lâm Tự cũng “chào thua”
Trước đây tôi chỉ biết tới sư phụ Nguyễn Khắc Phấn qua các thước phim Kỷ lục VN, được phát sóng trên đài truyền hình với mái tóc và bộ râu dài hệt như một nhân vật trong phim kiếm hiệp.
Bất ngờ thay, vị chưởng môn ấy nay đã “xuống tóc”, trông trẻ trung thấy lạ với vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt luôn cười nhưng thần thái, ánh mắt sắc như dao thì vẫn còn nguyên.
Trò truyện với tôi, sư phụ Nguyễn Khắc Phấn (theo cách gọi trong môn phái) đã bật mí về những tuyệt kỹ thượng thừa, không thể xuất hiện ở một phái nào khác đó là ngón khinh công “Lão nhân quá giang”.
Đây là màn chạy trên mặt nước, dưới chân võ sĩ được trải một lớp cót hoặc chiếu rất mỏng.
Đáng nói, trong làng võ thế giới, chính Thiên Môn Đạo là môn phái biểu diễn màn này đầu tiên, sau đó phái Thiếu Lâm bên Trung Quốc mới làm theo.
Thậm chí, màn “Lão nhân quá giang” còn khó hơn cả màn chạy trên nước của Thiếu Lâm (gọi là “Thủy thượng phiêu”), bởi võ sĩ Trung Quốc trải lớp ván ép mỏng bên dưới thì Thiên Môn Đạo lại trải chiếu, cót vốn mỏng và mềm hơn.
Sư phụ Nguyễn Khắc Phấn kể, trong lần đầu tiên biểu diễn màn này tại Ứng Hòa (Hà Nội), lúc đầu khán giả vô cùng tò mò nhưng chẳng mấy người tin.
Tất cả đều nghĩ bên dưới mặt nước sẽ được lót một thứ gì đó hoặc là đóng cọc phía dưới. Thậm chí nhiều người nghĩ đây là một thứ tà thuật.
Để chứng minh, môn phái đã mời một số người lặn xuống tận đáy sông để kiểm chứng. Và tất nhiên, đã chẳng hề có thứ gì ngoài lớp cót rất mỏng được trải trên mặt nước.
Sau “bài test” đó, hàng chục võ sĩ trẻ măng lần lượt chạy thành hàng trên mặt nước với quãng đường hàng trăm mét, khiến những khán giả mục sở thị cứ ngỡ như mình đang xem phim kiếm hiệp ở ngoài đời.
Sau vài lần nữa biểu diễn tại sông Đáy, sông Nhuệ, từ Viện khoa học nghiên cứu tiềm năng con người, trường Đại học TDTT (Bắc Ninh) và Đài Truyền hình VN đều cử những đoàn về tận nơi để tìm hiểu, nghiên cứu, quay phim.
Sư phụ Phấn kể lại, đã có những thời điểm Đài truyền hình VN cử cả đoàn về tận Ứng Hòa, “ăn dầm nằm dề” cả hơn một tháng trời để lấy tư liệu, thậm chí quay phim cả buổi đêm trước khi thực hiện chương trình “Chuyện lạ VN” được thực hiện ở hồ Thiền Quang.
Sau đó, Bộ Ngoại giao cũng từng đưa một số người bên Nhật về học trực tiếp. Kết quả sau vài tháng, họ có thể chạy được 10 mét trong sự ngỡ ngàng.
Theo chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn, màn chạy trên mặt nước xa nhất của Thiên Môn Đạo là 180 mét (kỷ lục của Thiếu Lâm gần 120 mét) và có thể chạy thành một đoàn trên mặt nước thay vì từng người một.
“Nội nhục công phu” – Tuyệt kỹ gây hú vía, thót tim
Đã không biết bao nhiêu lần các môn đệ Thiên Môn Đạo khiến người xem phải nổi da gà với trò biểu diễn ú tim mang tên “Nội nhục công phu”.
Sư phụ Nguyễn Khắc Phấn cho biết, tuyệt kỹ này gồm 2 loại. Loại thứ nhất dùng đinh đóng xuyên qua nhiều vị trí của cơ thể gọi là “Xuyên kim nội nhục”; loại thứ 2 dùng đinh đóng vào một số huyệt đạo rồi kéo xe nặng vài tấn gọi là “Thần lực công phu”.
Với một người bình thường, chỉ cần xem màn này cũng đủ để “ớn lạnh tới tận xương sống” nhưng với những môn đệ ruột của Thiên Môn Đạo, nó lại đơn giản như “chuyện thường ở huyện”.
Lần đầu tiên khi sư phụ Phấn cùng một đệ tử biểu diễn màn này trước công chúng, nhiều người đã không dám xem vì quá … sợ hãi.
Vị chưởng môn kể lại, sau khi cậu học trò chừng 17, 18 tuổi vận khí, cởi trần, ngồi thiền, sư phụ rút trong bọc ra một bó kim bằng inox với nhiều kích thước khác nhau, loại trung bình dài khoảng 1 gang tay.
Sư phụ lấy một chiếc kim cỡ vừa, dùng cồn đốt để khử trùng rồi khẽ hỏi nhỏ: “Con sẵn sàng chưa?” Sau cái gật đầu của đệ tử cũng là lúc màn “nội nhục” bắt đầu.
Sư phụ cầm cây kim dài, dí xát vào một huyệt đạo ngay bên dưới vai học trò. Các khán vây quanh chen nhau, mắt nhắm mắt mở, hồi hộp, nín thở…
Đồ đệ vẫn ngồi trơ như đá. Sư phụ cầm chiếc búa giơ cao. Sư phụ nói lớn: “Bắt đầu” rồi một nhát, hai nhát, ba nhát, cây đinh xuyên qua lớp da thịt bên dưới vai của cậu học trò. Các khán giả ai nấy mặt tái mét. Khi sư phụ nói “Xong rồi”, có người mới dám mở mắt ra…
Vị đệ tử tiếp tục vận khí một hồi rồi. Sư phụ cho người buộc một sợi dây thừng vào cây kim còn cắm trên lưng rồi nối vào một chiếc xe tải nặng 5 tấn.
Đệ tử vẫn lặng thing như núi. Một lúc sau, anh chàng từ từ đứng dậy rồi bắt đầu màn kéo xe. Lần này các khán giả không còn hú hồn, im bặt nữa mà bắt đầu cổ vũ cuồng nhiệt.
Sau khi kéo được vài chục mét, sư phụ cho đệ tử dừng lại. Rồi lại thực hiện màn rút đinh trên lưng khiến người xem một lần nữa ớn lạnh.
Thật sửng sốt, khi những chiếc đinh được rút ra, đã không có một giọt máu nào mà chỉ có 1 vết thâm nhỏ hằn trên lưng. Vị đệ tử thì mặt vẫn tỉnh bơ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Lúc này, nhiều người mới vây quanh hỏi “Có đau không”. Chàng trai không nói mà chỉ khẽ mỉm cười, lắc đầu.
Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn và đệ tử trong màn biểu diễn Nội nhục công phu (ảnh: NVCC)
Theo tiết lộ của Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn, Thiên Môn Đạo cũng chính là môn phái đầu tiên của võ thuật Việt Nam thực hiện màn “Bế mí thu công”, dùng mí mắt nâng xô nước hoặc uốn cong thanh sắt…
Sau những màn biểu diễn gây hú vía này, đài truyền hình cũng từng về thực hiện chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” với kỷ lục đóng đinh kéo xe, từng gây thót tim cho hàng triệu khán giả cả nước.
Sư phụ tiết lộ, ngoài đóng đinh vào các huyệt đạo ở lưng, các đệ tử còn có thể dễ dàng đóng đinh vào các vị trí khác trên cơ thể như ngực, thậm chí ở cổ rồi thực hiện các màn kéo xe.
Còn những màn úp bát vào bụng, dùng răng cắn rồi kéo xe, dùng yết hầu uốn cong thanh sắt, kê đá lên đầu rồi đập vỡ… thì một đứa trẻ tầm chục tuổi, vẫn còn “tranh nhau ăn” cũng có thể làm được dễ dàng.
Vị chưởng môn tiết lộ, để thực hiện những màn biểu diễn này, các võ sĩ phải trải qua quá trình luyện khí công, làm nền tảng cho nội công và tùy thể trạng của từng người lại được học những bài riêng thay vì tất cả đều tập luyện giống nhau.
Một điều kỳ diệu đến nay khoa học cũng chưa giải thích nổi đó là các đệ tử của ông có thể tự điều chỉnh, làm chủ kinh mạch thậm chí có thể làm mạch ngừng đập theo ý muốn.
Khi tôi hỏi sư phụ, liệu tập các môn này cần kiêng những gì, đặc biệt có cần kiêng quan hệ nam nữ như nhiều lời đồn thổi hay không, ông giải thích:
“Nội quy đầu tiên của môn phái là kiêng rượu, thuốc lá, chất kích thích quan trọng nhất là kiêng làm việc ác, gây tổn hại tới người khác.
Ở môn phái có các bài tập riêng cho những người thuần dương và người từng quan hệ nam nữ. Trong quá trình học, chúng tôi có khuyên nên điều tiết việc sinh hoạt cho phù hợp chứ không có nghĩa là cấm.
Quan trọng nhất là người tập cần biết tự điều tiết và làm chủ cơ thể để có thể sống khỏe, lành mạnh, sống có ích, đó mới là điều quan trọng nhất”.
Màn Cương pháp công của Thiên Môn Đạo đòi hỏi trình độ khí công, nội công ở mức độ rất cao (ảnh: NVCC).
Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn cho biết, Thiên Môn Đạo ngoài hệ thống khí công, nội công còn rèn các kỹ năng võ thuật chiến đấu. Hiện nay môn phái cũng tham gia đào tạo cho nhiều lực lượng cảnh sát.
Tuy nhiên mục đích của Thiên Môn Đạo không coi trọng biểu diễn, càng không coi trọng việc chiến đấu, tranh giành hơn thua.
Bởi như tên gọi của môn phái (Thiên Môn - “đường đến cổng trời”), nghĩa là sống khỏe, lành mạnh, sống có ích để khi chết được lên thiên đàng, đó mới là mục đích cao cả nhất.
Sư phụ Phấn bảo: “Giống như mẹ tôi, sinh năm 1917, nay đã 100 tuổi, từng bị tai nạn nún cột sống tưởng chừng sẽ liệt nhưng nhờ Thiên Môn Đạo mà đến giờ vẫn rất khỏe mạnh, minh tường, vẫn sống có ích.
Đó có lẽ mới là cốt lõi của võ thuật!” - Sư phụ nói rồi khẽ mỉm cười.
(Xem thêm một số hình ảnh về môn phái Thiên Môn Đạo):
Màn Ngự thiết công (ảnh: NVCC).
(Còn tiếp)