Trong những ngày vừa rồi khi cùng lên tập trung ở ĐTQG Việt Nam, Công Phượng có điều kiện tâm sự nhiều với Công Vinh, trước ngày sang Nhật thi đấu cho CLB hạng 2, Mito Hollyhock.
Trước cơ hội lớn này, Công Phượng lại chia sẻ với Công Vinh rằng, châu Âu mới thật sự là môi trường tài năng trẻ của Nghệ An muốn tới thử sức và thi đấu.
Trước ước mơ của đàn em, Công Vinh khuyên Công Phượng hãy cứ cố gắng phấn đấu ở sân chơi J-League 2, để biết mình đang ở đâu và tiếp tục cố gắng.
Hiện tại, Công Phượng mới 20 tuổi và tương lai còn mở rất rộng với tiền đạo này. Nhưng thật sự, tài năng của HAGL có thể vươn tới sân chơi châu Âu?
Tại V-League 2015, Công Phượng chơi 23 trận cho HAGL và ghi được 6 bàn thắng.
Trong quá khứ, Công Vinh cũng từng đến châu Âu thử sức cho CLB Leixoes thuộc giải VĐQG Bồ Đào Nha.
Tuy nhiên sau 4 tháng, tiền đạo này không kèn, không trống trở lại quê nhà. Chính bản thân Vinh cũng coi đó là 1 thất bại lớn trong sự nghiệp.
Sau này, tiền đạo kỳ cựu của bóng đá Việt Nam chia sẻ nhiều khó khăn khi sang thi đấu ở châu Âu.
“Tôi nói một điều sự thật là ở châu Âu người ta rất kỳ thị người (cầu thủ) châu Á. Mình phải tự túc tất cả, kể cả việc tự nấu cơm ăn vì ở bên đó cầu thủ không sống tập trung, sau giờ tập và thi đấu thì ai về nhà nấy.
Khi mình đến đội, không ai chào đón mình cả, trong suốt 2 tháng đầu ra sân tập, họ không chuyền bóng cho mình luôn nên chỉ toàn chạy không mà thôi”.
“Hai tháng đầu rất khó khăn, gần như không làm được điều gì cả. Trên sân thì họ không chuyền bóng cho mình, ở ngoài họ không chào hỏi nói chuyện với mình.
Niềm vui của mình khi thui thủi một mình chỉ là lên internet để chat với bạn bè, người thân rồi đọc báo. Phải đến 2 tháng sau thì mình mới thể hiện được” – Công Vinh chia sẻ với Một Thế Giới.
Công Vinh chia sẻ cho Công Phượng nhiều kinh nghiệm quý báu về việc ra nước ngoài thi đấu.
Trong khi đó ở Nhật Bản, cụ thể là thời gian đầu quân cho CLB Sapporo thuộc J-League 2, Công Vinh nhận được sự chào đón khác hẳn, vô cùng nhiệt tình, cởi mở từ đồng đội mới, BLĐ, BHL CLB và đặc biệt là CĐV.
Chính nhờ những điều đó mà dù ở môi trường cạnh tranh hơn, tập luyện cực khổ hơn, Công Vinh vẫn nhanh chóng hòa nhập để rồi tạo được dấu ấn nhất định trong thời gian chơi bóng cho Sapporo.
Nói thế để thấy, từ trình độ cho đến môi trường của bóng đá châu Âu khác rất nhiều so với châu Á, kể cả cường quốc như Nhật Bản.
Chính Công Vinh, 1 người thất bại ở Bồ Đào Nha, vẫn đủ sức tỏa sáng tại sân chơi xứ Mặt trời mọc.
Nếu cần 1 ví dụ rõ nét hơn, có thể lấy từ chính các cầu thủ Nhật. Cường quốc bóng đá hàng đầu châu Á này nhiều năm qua đã cố gắng cho cầu thủ sang châu Âu thi đấu, học hỏi chuyên môn và kinh nghiệm.
Nhưng số cầu thủ Nhật thực sự thành danh ở Lục địa già không nhiều, có lẽ chỉ kể được tên Nakata hoặc Kagawa.
Chính người Nhật cũng đang hoài nghi về khả năng tỏa sáng của tài năng Yoshinori Muto ở Chelsea nói riêng và châu Âu nói chung.
Gần đây nhất, Ryo Miyaichi được Arsenal chiêu mộ, nhưng cuối cùng cũng không thể hiện được bàn thân và trôi dạt đến Twente. Chelsea vừa rồi cũng ngỏ ý chiêu mộ tiền vệ trẻ Yoshinori Muto.
Nhưng chính người Nhật đang lo ngại rằng nếu sang trời Âu, liệu Muto có được thi đấu thường xuyên không, hay chỉ là con bài chiến lược để The Blues tấn công thị trường xứ Mặt trời mọc?
Rõ ràng, khoảng cách giữa bóng đá châu Á và châu Âu còn rất rộng và không thể 1 sớm, 1 chiều rút ngắn. Trong khi đó, khoảng cách giữa nền bóng đá Việt Nam với các cường quốc hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng rất lớn.
Hai lần khó như thế, biết đến khi nào Việt Nam mới có nhân tài tỏa sáng ở lục địa già? Nhưng Công Phượng vốn vẫn luôn gây bất ngờ và chẳng ai đánh thuế giấc mơ, nên biết đâu đấy!
Siêu phẩm của Công Phượng vào lưới U19 Australia