Cú đá phạt của Naim ở cự ly 34m, một khoảng cách khá xa với những cú đá phạt trực tiếp thường được cho là có khả năng đe doạ khung thành đối phương.
Nó xa đủ để các thủ môn phát hiện được quỹ đạo của đường bóng, và họ cũng thường có đủ thời gian để có những phản xạ thích hợp.
Đây dường như là cơ sở để những ai chỉ trích thủ môn Hoài Anh của U23 Việt Nam sau khi anh để thủng lưới ở phút 34.
Nhưng cú đá phạt của Naim trên thực tế không giản đơn. Quỹ đạo bay của quả bóng là phức tạp hơn.
Bóng từ cái chân trái của thủ quân U23 Malaysia bay đi ở tốc độ cao, “vẽ” ra một cây cầu vồng rồi liếm vào mép dưới xà ngang. Và phải nói thêm nữa là rất xoáy, chứ không đi thẳng.
Một thuật ngữ phổ biến vẫn được dùng để đặt tên cho những cú đá phạt như thế, là lá vàng rơi. Nó xét cho cùng cũng không kém nguy hiểm là mấy so với hai cú đá phạt của Mạnh Hùng, mà lại có phần may mắn hơn.
Điều đáng lo ngại nhất với Hoài Anh ở trận đấu đó là các pha ra vào của anh, khả năng phối hợp thiếu nhịp nhàng giữa anh với các hậu vệ.
May mà điều lo ngại ấy không biến thành những điều đáng tiếc như trường hợp của thủ môn U23 Malaysia.
Pha bóng của thủ môn này để Công Phượng ghi bàn mới thực sự là lỗi “chết người” mà một phần nhờ nó, chúng ta mới có bàn quyết định tỉ số 2-1 của trận đấu ở phút 44.
Bởi không nhiều thủ môn sẽ nhảy lên trước tình huống quả bóng đã gần sát mặt cỏ.
Lúc này, thủ môn Hoài Anh, nếu tiếp tục được bắt chính, cần được hỗ trợ để có được trạng thái tự tin để đương đầu với U23 Nhật Bản.
Hoài Anh, thủ môn đến từ CLB Than Quảng Ninh có tiềm năng (nên anh mới là một trong năm thủ môn được triệu tập). Hoài Anh cũng đã chơi rất tốt ở các trận đấu tập và giao hữu.
Anh toả sáng giúp U23 Việt Nam thắng Hà Nội T&T 3-1, và góp phần giữ sạch lưới trước U23 Indonesia.
Hy vọng là Hoài Anh có thể đạt được trạng thái tâm lý thăng bằng ở trận đấu với U23 Nhật Bản tối nay. Bởi một đội bóng yếm thế hơn trong một trận đấu cụ thể cần có (và cũng thường có) một thủ môn xuất sắc.