Nói nôm na là U23 Việt Nam sẽ chỉ có thể sắm vai ‘quân xanh”, thậm chí là sẵn sàng rổ đựng bóng, khi bơi ra đấu trường châu lục.
Trong quá khứ, các đội tuyển Olympic Việt Nam, U20 và U19 Việt Nam, cũng không ít lần đại bại khi mang cả rổ các bàn thua về. Gần đây nhất là VCK U19 châu Á, thế hệ của những Công Phượng, Tuấn Anh, trên đất Myanmar.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Việc bơi ra biển lớn, dù chỉ để làm quân xanh, cũng có giá trị riêng của nó: Cơ hội cọ xát, học hỏi các nền bóng đá phát triển.
Sau chiến tích lọt tới vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008, HLV Riedl tự mình gây dựng và thừa hưởng quả ngọt ở kỳ Asian Cup 2007 trên sân nhà (đội tuyển Việt Nam vào tới tứ kết).
Dù U23 Việt Nam đã thua tan nát ở kỳ SEA Games 24 vào cuối năm 2007, cộng thêm trước đó, hàng loạt ngôi sao phải ra vành móng ngựa từ vụ tiêu cực SEA Games 2005, nhưng HLV kế nhiệm H.Calisto đã rất biết tận thu.
Dù bóng đá Việt Nam chạm đáy, nhưng lứa những Công Vinh, Vũ Phong, Việt Cường, Quang Thanh…, lại chín mùi ở AFF Cup 2008.
Các giải đấu lớn với cơ hội mở ra cho bóng đá Việt Nam là cực kỳ quan trọng, bởi nó giúp các cầu thủ trưởng thành nhanh nhất.
Ra biển lớn, đấu với các đối thủ lớn, đương nhiên chúng ta cũng tự biết mình đang ở đâu, để từ đó gia cố tham vọng khi trở lại đấu trường khu vực. Sau Olympic Việt Nam, giờ HLV Miura đặt những viên gạch đầu tiên ở U23 QG.
Việc trẻ hoá các ĐTQG được HLV Miura thực hiện một cách khá sốt sắng và điều đó khiến không ít người ngạc nhiên.
Thậm chí, cũng đã có ý cho rằng, ông thầy người Nhật Bản đang “lạm dụng” sức trẻ, bởi tính ra, ai giàu khát vọng cống hiến, thể hiện hơn người trẻ?! Trận đá với U23 Nhật Bản, học trò ông Miura đã chơi bằng 200% sức.
Mỗi HLV đều có quyền chọn cho mình đường hướng theo đuổi cũng như phương pháp huấn luyện. Bóng đá là kết quả, nhưng trên từng chặng hành trình HLV Miura cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng.