U19 Việt Nam và phép tính của bầu Đức

Nhiều ý kiến cho rằng việc bầu Đức quyết định đôn toàn bộ lứa U19 Học viện HA.GL Arenal JMG, nòng cốt của U19 Việt Nam hiện tại lên đá V-League 2015 là một bước lùi.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn khách quan hơn, ông chủ Tập đoàn HA.GL chỉ điều chỉnh lộ trình sao cho hợp lý vì nhà đầu tư hẳn phải hiểu sản phẩm của mình hơn ai hết.

Tuyển thẳng Đại học…

Trong những năm gần đây, khái niệm “tuyển thẳng Đại học” (dành cho một số nhóm đối tượng ưu tiên cụ thể) ít được nhắc tới, bởi nó không còn hợp thời nữa. Suy cho cùng, học thì phải thi và ở một chừng mực nào đó, các cuộc thi còn là thước đo năng lực. Học sinh, sinh viên Việt Nam hẳn nằm lòng điều này, với rất nhiều các thủ khoa đầu vào và ra, đồng thời liên tục giành giải thưởng cao ở các cuộc thi quốc tế.

Với việc đôn toàn bộ lứa đầu tiên của Học viện HA.GL Arsenal JMG lên đội 1 đá V-League vào năm sau có nghĩa rằng, “những đứa trẻ của bầu Đức” không phải trải qua bất kỳ một cuộc thi nào, để bước vào sân chơi chuyên nghiệp, dù ở mức độ nào vẫn cần phân biệt ranh giới giữa bóng đá trẻ và bóng đá chuyên nghiệp. Các giải đấu giao hữu và chính thức cũng như các chuyến tập huấn nước ngoài là không đủ.

Trong bóng đá có khái niệm “tính kế thừa”. Với lứa U19 Học viện sắp "xuất xưởng", HA.GL có lý do để đẩy ra đường hơn chục cầu thủ ở đội 1, bởi bầu Đức tin rằng người trẻ hoàn toàn có thể gánh vác được nhiệm vụ. Ngoài ra, cần phải kể tới việc đội bóng phố núi đã liên tục thất bại trong các chiến dịch săn lùng danh hiệu suốt 1 thập niên qua, dù vẫn đổ vào thị trường chuyển nhượng rất nhiều tiền mỗi mùa bóng.

Ưu và khuyết điểm của cầu thủ U19 Học viện HA.GL Arsenal JMG đã được những nhà chuyên môn chỉ ra, chỉ một băn khoăn đó là kinh nghiệm ở đấu trường chuyên nghiệp của người trẻ. Yếu tố này thì tiền không thể mua được. Cầu thủ trẻ cần có thêm thời gian và cơ hội cọ xát, bởi ngay cả Barcelona hùng mạnh với lò La Masia luôn thừa mứa nhân tài, cũng cần phải mua thêm, huống hồ…

Và “điểm mù” thầy Giôm

Trong tất cả các thành tích, danh hiệu hoặc đôi khi chỉ là những biểu hiện thành công của U19 Việt Nam nói chung và lứa đầu Học viện HA.GL Arsenal JMG nói riêng, mang đậm dấu ấn của HLV Guillaume Graechen (còn gọi là thầy “Giôm”). Chàng rể Việt Nam cho thấy ông là một “bảo mẫu”, một ông giáo tuyệt vời, ở bậc học phổ thông với việc uốn nắn các kỹ năng sống và chơi bóng cơ bản.

Ở các nền bóng đá phát triển, các giải đấu cũng như các đội bóng lớn, vai trò của những chuyên gia đào tạo trẻ đặc biệt quan trọng. Họ cũng có thể trở thành những tuyển trạch viên (người chuyên săn tìm các tài năng), với độ tuy tín cao khi giới thiệu một vài cái tên cho HLV trưởng ở đội 1.

Tuy nhiên, không hiếm trường hợp cầu thủ trẻ sau khi được đôn lên tuyến đầu không thể thích nghi và sự nghiệp lụn bại, đó là sự đào thải rất đỗi bình thường. Bóng đá chuyên nghiệp luôn cần được phân khúc như thế với công đoạn được giao cho một bộ phận.

Nếu đôn toàn bộ lứa U19 Học viện lên đội 1 HA.GL (sau khi đã thông qua bàn bạc và thoả thuận với các đối tác là Arsenal và JMG toàn cầu), nhiều khả năng bầu Đức sẽ yêu cầu HLV Graechen theo cùng. Có điều, bóng đá chuyên nghiệp là một phạm trù khác mà ở đó đòi hỏi nhiều hơn tính độc lập, sáng tạo và cả những đột phá của cả cầu thủ lẫn HLV.

Ngay cả khi học trò đã sẵn sàng thì liệu thầy của họ, HLV Guillaume Graechen, người chưa từng có kinh nghiệm làm bóng đá đỉnh cao, có kịp tự nâng cấp mình từ ông giáo làng thành giảng viên Đại học?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại