Đào tạo cầu thủ không phải để biểu diễn
Một lò đào tạo bóng đá nào cũng có phương châm và mục đích riêng và với Học viện JMG Global đích nhắm cao nhất là bán cầu thủ cho các CLB ở châu Âu. Trong quá khứ, Học viện JMG Global đã thành công vang dội với Học viện JMG Bờ Biển Ngà (Mimosifcom JMG Academy).
JMG Bờ Biển Ngà đã “sản xuất” ra hàng loạt hảo thủ: Kolo Toure (Arsenal, Man City, Liverpool), Didider Zokora (St Etienne, Tottenham, Sevilla, Trabzanspor), Siaka Tiene (St Etiene, Valenciennes, PSG, Montpellier)… thuộc lứa đầu sinh 1981-1982 và Yaya Toure (Barca, Man City), Arthur Boka (Strasbourg, VfB Stuttgart), Emmanuel Eboue (Arsenal, Galatasaray), Gervinco (Arsenal, AS Roma), Romaric (Sevilla, Zaragoza, Bastita)… thuộc lứa hai sinh 1983-1984.
Sau hai lứa đầu, Học viện JMG Bờ Biển Ngà không đào tạo ra được những gương mặt nổi bật và phải đóng cửa vào năm 2010. Tình trạng tương tự diễn ra với Học viện JMG Madagascar và JMG Chonburi Thailand khi lần lượt kết thúc sứ mệnh đào tạo vào năm 2012.
Công tác đào tạo của Học viện JMG Global là một hoạt động thương mại bằng việc đổ vốn đầu tư tạo để tạo ra sản phẩm và bán kiếm lời. Học viện HAGL Arsenal JMG cũng không phải là ngoại lệ dù khác biệt nằm ở chỗ đối tác của JMG Global là bầu Đức “trường vốn” để đầu tư dài hạn hơn các Học viện JMG Bờ Biển Ngà, Madagascar hay Chonburi Thailand.
Sau khi khai giảng Học viện HAGL Arsenal JMG vào Hè năm 2007, bầu Đức nhiều lần nhấn mạnh mục đích đào tạo của Học viện là để bán cầu thủ với tỷ lệ ăn chia: 45% thuộc Arsenal, 45% thuộc Học viện HAGL JMG và 10% thuộc về gia đình cầu thủ.
Arsenal được chia đến 45% và được ưu tiên chọn 2 cầu thủ tốt nhất bởi đóng góp lớn nhất của họ là thương hiệu “Pháo thủ” gắn với Học viện HAGL JMG - điều mà các Học viện JMG Bờ Biển Ngà, Madagascar, Chonburi Thailand không có.
Việc đào tạo Học viện HAGL Arsenal JMG có tiêu chí rõ ràng chứ không phải đào tạo cầu thủ ra để “biểu diễn nghệ thuật”. Chuyện các cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG chơi thứ bóng đá đẹp mắt, fair-play do phương pháp, cách thức huấn luyện chứ đó không phải là mục đích. Hai khái niệm này phải được phân biệt rạch ròi để tránh đánh đồng: Cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG đá đẹp là được rồi, đòi hỏi gì nữa (?!)
Lúa còn quá non
Tuyển U19 VN với lực lượng của Học viện HAGL Arsenal JMG chiếm đến 2/3 quân số được coi là đợt “show hàng” cho các nhà tuyển trạch ở châu Âu. Kinh phí chuyến đi (400.000 USD) do bầu Đức lo liệu còn việc chuẩn bị về chuyên môn, lịch trình tập luyện, thi đấu do phía JMG Global đảm trách.
Trải qua gần 10 trận đấu trên đất Anh, Bỉ và Pháp, U19 VN đã học hỏi rất nhiều về kinh nghiệm, thể lực, tâm lý đến kỹ-chiến thuật. Chắc chắn sau chuyến tập huấn trở về, Tuyển U19 VN có bước tiến lớn về chuyên môn để chuẩn bị cho giải U19 ĐNÁ mởi rộng và VCK U19 châu Á.
Song, xét đến mục đích của Học viện JMG Global rõ ràng đến thời điểm này đợt “show hàng” của Học viện HAGL Arsenal JMG rất ít điểm sáng. Các “gà nòi” của bầu Đức còn quá non để lọt vào đích ngắm của các nhà tuyển trạch ở châu Âu.
Sau trận đấu mở màn nặng tính chất PR của đối tác U18 Arsenal mà U19 VN đã thắng dễ dàng 3-0 thì đến những trận đấu sau, đụng độ với các đối thủ đá thẳng chân, thầy trò HLV Guillaume Graechen lép vế ngay.
Trận thua 0-9 trước U18 Tottenham và đặc biệt là thua cả 2 lượt trước Liên quân JMG Bỉ-Ghana cho thấy U19 VN đá dưới cơ những đối thủ này một bậc. Ngay cả trận thua 0-2 với U19 Lens cũng thể hiện U19 VN thua sút nhiều so với đối thủ cùng trang lứa.
Điểm mạnh nhất của Tuyển U19 VN là kỹ thuật cá nhân, tư duy chơi bóng mạch lạc và khả năng phối hợp ăn ý không thể phủ nhận vì đó là thành quả của quá trình rèn giũa kỹ lưỡng và thời gian chơi bóng cùng nhau suốt 6 năm ròng tại Hàm Rồng-Pleiku.
Học viện HAGL Arsenal JMG có những cá nhân nổi bật như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh nhưng đó là sự vượt trội so với các cầu thủ trẻ Việt Nam chứ không phải với các cầu thủ châu Âu.
Nên nhớ, năm ngoái, phía Arsenal đã mời 4 cầu thủ Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều sang thử việc 2 tuần ở London nhưng rồi cũng bị trả về.
Trong quy trình đào tạo của bất kỳ Học viện bóng đá nào trên thế giới, người ta đều xác định việc sàng lọc khắc nghiệp và chỉ lấy được 2-3 cá nhân xuất sắc, còn lại bán rẻ hay “bỏ không”. Phải cá biệt lắm biệt lắm mới tạo ra được một lứa đồng đều như lứa Manchester United đoạt FA Youth Cup 1992 với Giggs, Beckham, Butt, Scholes, Gary và Phil Neville hay lứa La Masia sinh 1987-1988 của Barca với Messi, Busquets, Fabregas, Pedro, Pique.
Bầu Đức nói rằng không bán cầu thủ cho các CLB châu Âu mà sẽ giữ nguyên lứa Học viện HAGL Arsenal JMG đào tạo tiếp và cho học Đại học, có ý kiến cho rằng, chẳng qua là một cách nói tránh về việc thất bại trong mục đích tối thượng của JMG Global. Hãy tìm xem lò đào tạo trẻ trên thế giới kết thúc chu trình huấn luyện lại giữ cầu thủ “úm” đến tận 22, 23 tuổi?!
Chuyến chào hàng châu Âu của U19 VN coi như thất bại, hy vọng được dồn vào chuyến tập huấn dài hạn tại Nhật Bản vào tháng 7 tới. Với đẳng cấp của nền bóng đá VN, chúng ta cần phải chấp nhận thực tế thay vì tự huyễn hoặc những thứ quá khả năng.