1. ĐTVN của HLV Toshiya Miura thời gian qua đá khá nhiều trận giao hữu quốc tế nhưng lượng khán giả đến xem họ thi đấu rất ít ỏi. Từ sân Gò Đậu (Myanmar), Thống Nhất (U.23 Bahrain, SV Hàn Quốc) đến sân Mỹ Đình (Palestine) đều rơi vào cảnh thưa thớt, ngược hẳn với tuyển U.19 VN, U.19 HAGL JMG lúc nào cũng nườm nượp.
Trước đó tuyển Olympic Việt Nam cũng rơi vào cảnh tương tự dù thầy trò HLV Toshiya Miura đã có một kỳ Asiad thành công nhất lịch sử.
Rất nhiều khán giả, người hâm mộ cho rằng họ có cái lý của của mình, rằng: “Đội nào đá hay, đá đẹp thì đến ủng hộ. Ủng hộ U.19 vì tình cảm tự nhiên theo sự mách bảo của con tim”.
Còn không ủng hộ ĐTVN là vì “mấy năm qua thi đấu không ra gì, toàn gây thất vọng cho khán giả”.
ĐTVN đang chịu cảnh bẽ bàng chưa từng thấy dù họ chẳng có lỗi gì cả (ảnh Lâm Thỏa)
Đúng, ai cũng có quyền lựa chọn điều mình thích song việc người hâm mộ đang bỏ rơi ĐTQG, tuyển Olympic Việt Nam không phải là hiện tượng bình thường của những CĐV yêu bóng đá đúng nghĩa.
Các cầu thủ ĐTVN không thể đá được lối đá nhuyễn, cầm banh khéo léo hoàn toàn không phải lỗi của họ, bởi họ là sản phẩm của một phương pháp đào tạo lạc hậu tồn tại vài chục năm qua. Cứ vin rằng ĐTVN không đá nhuyễn, đập nhả tanh tách như U.19 HAGL JMG nên không ủng hộ là cần nghĩ lại.
Ủng hộ bóng đá, không chỉ cần trái tim mà cần phải có một lý trí biết phân biệt đâu là cái hiện tại và đâu là thứ dành cho tương lai. U.19 HAGL JMG là tương lai của BĐVN nhưng không phải vì vậy mà phủ nhận toàn bộ những giá trị hiện tại của BĐVN, trong đó có ĐTQG.
Vì sao các tuyển thủ và HLV Miura đang nỗ lực hằng ngày để cố gắng mang vinh quang về cho đất nước, đem niềm vui lại cho CĐV ở giải AFF Cup sắp tới mà mọi người lại thờ ơ, quay lưng lại với họ? Họ có lỗi vì “đá không nhuyễn, không đẹp ư” !?
Rất đáng tiếc, không chỉ có số đông người hâm mộ VN đang phủ nhận ĐTQG mà ngay cả người đứng đầu VFF cũng cho thấy sự thiên vị đó.
2. Có một câu chuyện rất thực tế để chúng ta suy ngẫm. Đội tuyển Pháp ờ 2 kỳ World Cup 2010 và Euro 2012 đã thể hiện một bộ mặt thảm họa từ chuyên môn đến hậu trường đến nỗi báo chí Pháp đã từng đồng loạt gọi Les Bleus bằng cụm từ hết sức nặng nề như “nỗi ô nhục” hay “những kẻ hèn nhát” hoặc “những kẻ biến nước Pháp thành trò hề”.
Rất nhiều người yêu bóng đá Pháp tưởng chừng không thèm xem ĐTQG đá nữa sau những sự việc tồi tệ xảy ở Nam Phi và Ukraine. Đó chỉ là sự giận dữ nhất thời. Người Pháp phân biệt rạch ròi chuyện hôm qua là của ngày hôm qua, hôm nay của hôm nay và ĐT Pháp của Raymond Domenech (2010) và Laurent Blanc (2012) không phải là ĐT Pháp của Didier Deschamps. Người Pháp không hề quay lưng lại với Les Bleus.
Chỉ mấy năm trước thôi, các CĐV còn tụ tập đông đảo ở Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM để cổ vũ và ăn mừng khi ĐTVN lọt vào bán kết AFF Cup 2010 (ảnh Việt Hằng-TTVH)
“Ở nước Pháp quê tôi, đội tuyển U.20 Pháp dù vô địch giải U.20 thế giới nhưng khi họ đá thì số khán giả vào sân cũng chỉ khoảng 500-700 người mà thôi”, HLV Guillaume Graechen của tuyển U.19 HAGL JMG đã nói như vậy tại sân Cần Thơ ở giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên vừa rồi.
Người Pháp đã thất vọng cực độ với ĐTQG Pháp trong khi tuyển U.20 Pháp vô địch U.20 thế giới ngay vào thời điểm mà ĐTQG Pháp đang bị phỉ báng nhưng người Pháp không vì thế mà “có mới nới cũ”. Họ phân biệt rõ rằng U.20 Pháp chỉ là đội bóng trẻ !
Trở lại chuyện của BĐVN hiện tại. Số đông người hâm mộ đã quay lưng, phủ nhận với ĐTQG, với những nỗ lực mà thầy trò HLV Toshiya Miura suốt thời gian qua là vì U.19 HAGL JMG, một đội bóng mà còn cả tương lai dài trước mắt để thể hiện đẳng cấp thực sự.
Giả sử U.19 HAGL JMG chưa từng xuất hiện thì khi AFF Cup 2014 đến các CĐV có quay lưng với ĐTVN?
Không vội kết luận rằng những người đang tung hô tuyển U.19 HAGL JMG là “fan phong trào” nhưng rõ ràng cách cổ vũ bóng đá của người Việt có cái gì đó mà nói theo chính lời HLV Guillaume Graechen là “không được bình thường”.