Nếu Man United không đề cao và giữ vững những yếu tố trên, xét về sức mạnh tài chính và chất lượng cầu thủ, họ chẳng hơn gì Chelsea hay Man City.
Chính những yếu tố ấy đã tạo ra sự khác biệt, để nhận diện đâu là Man United, đâu là Chelsea hay Man City.
Khi Sir Alex Ferguson ngồi ở băng ghế chỉ đạo, ngước lên khán đài, chúng ta sẽ thường xuyên nhìn thấy hình ảnh Sir Bobby Charlton.
Khi David Moyes hay Louis van Gaal cầm quân, trên khán đài là Sir Alex Ferguson và Sir Bobby Charlton.
Ở Chelsea thì chỉ có hình ảnh đại diện cho tiền bạc: Roman Abramovich. Ông rảnh thì ông đến, ông không rảnh thì ống kính truyền hình chẳng biết quay ai ở khán đài. Đó chính là sự khác biệt.
Sir Alex Ferguson và Sir Bobby Charlton.
Mùa Thu năm 2012, khi Man United bước vào mùa giải cuối cùng của Sir Alex Ferguson, cánh phóng viên đã hỏi Sir Bobby Charlton về khả năng chọn Mourinho làm người kế nhiệm.
Đây là câu trả lời của ông: “HLV của Man United không bao giờ móc mắt đồng nghiệp. Mourinho là HLV thực sự giỏi, nhưng tôi không thích”.
HLV của Man United có thể thường xuyên chỉ trích trọng tài, nhưng không bao giờ tưởng tượng ra “âm mưu chống lại chúng tôi”.
HLV của Man United có thể thẳng thừng chê cầu thủ này xuống phong độ, sinh hoạt bừa bãi không biết giữ mình, nhưng không bao giờ ám chỉ họ “phản bội lại tôi”.
HLV của Man United có thể đề cao vai trò của chiến thắng, nhưng không phải vì nó mà bất chấp tất cả, đến mức đổ lỗi cho nữ bác sĩ chỉ vì cô ta hoàn thành tốt vai trò của mình là cứu chữa cầu thủ.
Và như lời của Sir Bobby Charlton, HLV của Man United có thể khẩu chiến với đồng nghiệp nhưng không bao giờ móc mắt đồng nghiệp, như Mourinho đã làm với HLV đã qua đời là Tito Vilanova, lúc bấy giờ là trợ lý của Pep Guardiola khi Real Madrid gặp Barcelona ở Chung kết Cúp Nhà Vua năm 2011.
Truyền thống của Man United không chấp nhận những hành động như thế này của Mourinho.
Nếu một HLV luôn tâm niệm truyền thống và hình ảnh của CLB lớn hơn tất cả thì ông ta không bao giờ hành động thô lỗ kiểu đầu đường xó chợ như thế.
Vấn đề của Mourinho là ông luôn muốn trở thành trung tâm của vũ trụ, sẵn sàng bất chấp tất cả để giành chiến thắng. Truyền thống của Man United không chấp nhận một HLV hành xử theo kiểu mình đứng trên CLB.
Nhưng. Bao giờ cũng có chữ “nhưng”.
Nhưng Man United giờ đã khác, đã có dấu hiệu thay đổi chóng vánh sau mùa giải đầu tiên thời hậu Sir Alex Ferguson, khi họ rơi tận xuống thứ 7 và không được dự Cúp châu Âu.
Khi ký hợp đồng có thời hạn 6 năm với David Moyes, BLĐ Man United hướng đến sự ổn định lâu dài và đề cao yếu tố bền vững. Chỉ chưa đầy một mùa, họ đã phải sa thải cựu HLV của Everton.
Mùa giải thất bại với David Moyes đã khiến Man United phải thay đổi.
Sức ép chiến thắng - vì nó liên quan trực tiếp đến tài trợ, doanh thu - là quá lớn, có lẽ khủng khiếp hơn nhiều so với sức tưởng tượng của giới chủ Mỹ nhà Glazer.
Dưới thời Sir Alex Ferguson, Man United có thể duy trì song song hai yếu tố chiến thắng và truyền thống. Nhưng khi không còn Sir Alex trên băng ghế huấn luyện, họ chẳng biết làm gì để đương đầu với thất bại.
Tiền được lựa chọn là biện pháp duy nhất để giải quyết khủng hoảng. Họ chi 300 triệu bảng trong vòng 1 năm để thay máu đội hình - điều chưa từng xảy ra dưới thời Sir Alex.
Trước đây, Sir Alex từng thực hiện nhiều vụ chuyển nhượng “bom tấn”, như mua Juan Veron, Rio Ferdinand hay Wayne Rooney, nhưng những ngôi sao đó được đưa về nhằm mục đích giúp CLB mạnh hơn trên nền tảng có sẵn.
Không bao giờ có chuyện thay máu chóng vánh như quãng thời gian dưới thời Van Gaal. Thay máu kiểu đó tức là phá nát tính kế thừa.
CEO Woodward vốn thích những ngôi sao tên tuổi.
Người phụ trách chuyển nhượng hiện tại của Man United là CEO Ed Woodward. Ông thích sự hào nhoáng, thích những tên tuổi lớn, từ Thomas Mueller, Robert Lewandowski đến Neymar, Gareth Bale hay Cristiano Ronaldo.
Chính sách Galacticos đang được định hình ở Old Trafford dù hiện tại họ chưa sở hữu siêu sao nào “ra hồn”.
Vụ mua Angel Di Maria với giá kỷ lục gần 60 triệu bảng rồi bán gấp sau một mùa cho thấy Man United đang từng bước phá vỡ những giá trị mà Sir Alex Ferguson, hay trước đó là Bobby Charlton, dày công xây dựng.
Man United đang có dấu hiệu hoang mang khi đội bóng liên tục thất bại với Louis van Gaal, hệt như thời David Moyes. CLB lớn không chỉ có chiến thắng, nhưng thiếu vắng danh hiệu thì còn gì là CLB lớn?
Phải chăng đã đến lúc đánh đổi vài thứ vì chiến thắng? Vậy còn ai phù hợp hơn Jose Mourinho, một người sẵn sàng bất chấp tất cả vì chiến thắng và danh hiệu?
Nếu chọn Mourinho để thay Van Gaal, có lẽ BLĐ Man United xem ông là phương án “lấy ngắn nuôi dài”, chấp nhận tạm thời quay lưng với truyền thống vì chiến thắng trước mắt.
Nhưng nhiều triều đại đã sụp đổ vì từ sự đánh đổi tạm thời như thế.