Khi một CLB thậm chí còn chưa nổi danh trên chính làng bóng đá Trung Quốc mua được một cầu thủ đá chính thường xuyên ở CLB xếp thứ 5 Serie A, chúng ta tự hiểu rằng, thời thế đang thay đổi.
CLB ít tên tuổi ấy là Hebei China Fortune và kể từ sau khi mua được Gervinho từ Roma, đã có thêm nhiều người biết về sự tồn tại của họ. Nhưng Hebei China Fortune chỉ là một viên gạch rất rất nhỏ trong hành trình biến Trung Quốc trở thành “giải đấu lớn nhất nằm ngoài châu Âu”.
Tham vọng của người Trung Quốc rất rõ ràng: Họ muốn biến Chinese Super League thành lựa chọn số 1 của nhiều ngôi sao lớn, vượt mặt giải MLS của Mỹ, giải VĐQG Mexico hay bất kỳ sân chơi nào ở Nam Mỹ.
Hãy làm nhanh phép so sánh: Những Beckham, Lampard, Henry, Gerrard, Kaka hay Pirlo lần lượt kéo nhau gia nhập MLS liệu đã chứng tỏ giải VĐQG của người Mỹ ở trên tầm so với Chinese Super League hay chưa?
Ramies chọn đến Trung Quốc khi đang trong đỉnh cao phong độ.
Vậy thì phải xem các CLB Trung Quốc chiêu mộ được ai. Guangzhou có Ricardo Goulart, cầu thủ năm nay mới 24 tuổi, được coi là một trong những ngôi sao triển vọng của bóng đá Brazil. Beijing Guoan mang về Renato Augusto, 1 trong 4 cầu thủ đã mang về chức vô địch quốc gia cho Corinthians.
Paulinho, cầu thủ vốn dĩ đang thi đấu trong màu áo Tottenham và được coi là giải pháp cho tuyến giữa của ĐT Brazil bỏ châu Âu, gia nhập Guangzhou Evergrande.
Hay mới đây, Ramires, ngôi sao cho dù không được đá chính thường xuyên ở Chelsea, nhưng vẫn là mơ ước của nhiều đội bóng Premier League khác, bất ngờ chọn thi đấu cho Jiangsu Suning.
Jackson Martinez, cầu thủ mà Chelsea sẵn sàng chi tiền tấn để rước về Stamford Bridge, cũng đã chọn Trung Quốc làm điểm đến tiếp theo.
Những Becks, Lampard, Henry đến với MLS khi họ đã hết thời. Nhưng Goulart, Ramires, Paulinho, Augusto, Jackson… đồng ý đầu quân cho các CLB Trung Quốc khi đỉnh cao vẫn còn ở phía trước họ.
Đó là sự khác biệt lớn nhất. MLS vốn dĩ chỉ là nơi dưỡng già. Chinese Super League mới thực sự là mảnh đất màu mỡ cho những ngôi sao đương thời.
Gervinho cũng chọn tới Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của tờ Guardian, nếu như ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác, việc chuyển nhượng cầu thủ bị tròng vào rất nhiều điều luật và quy tắc phức tạp thì ở Trung Quốc, mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều.
Người dân nước này cũng cảm thấy rất bình thường khi các tỷ phú, triệu phú bóng đá chi cả vài chục triệu USD để mua cầu thủ.
Họ mãn nguyện chứng kiến bóng đá nước nhà ngày càng phát triển.
Bằng chứng là nếu như năm ngoái, bóng đá Trung Quốc mới thu hút trung bình 22.000 lượt CĐV tới sân dự khán các trận đấu thì đến mùa này, con số đã tăng lên thành 25.000 người/trận, cao thứ nhì thế giới chỉ sau Premier League và Bundesliga.
Chưa rõ rồi tầm vóc bóng đá Trung Quốc sẽ lớn mạnh đến nhường nào, nhưng chỉ riêng tiền bản quyền truyền hình đã thấy cả một sự thay đổi khổng lồ.
Năm ngoái, các đài truyền hình Trung Quốc chỉ chi tổng cộng 9 triệu USD tiền bản quyền để phát sóng các trận đấu trong nước. Năm nay, con số tăng lên thành… 200 triệu USD, biến CSL thành giải đấu có sự tăng trưởng lớn nhất về tiền bản quyền truyền hình.
Rất nhiều tờ báo lớn đã cất công sang Trung Quốc tìm hiểu tại sao quốc gia này lại bất ngờ đầu tư lớn và nuôi tham vọng biến giải VĐQG Trung Quốc thành giải đấu lớn nhất ngoài châu Âu.
Chủ tịch nước Tập Cận Bình là "fan cuồng" của bóng đá.
Mới đây, HLV Wenger, một Giáo sư kinh tế đã đưa ra dự đoán rằng Trung Quốc sớm muộn cũng phá kỷ lục TTCN, tạo ra thương vụ có giá lên đến 100 triệu bảng.
Theo Wenger dự đoán, khả năng Ronaldo hay Messi đến Trung Quốc thi đấu hoàn toàn có thể xảy ra.
Một trong những nguyên nhân được nói tới nhiều nhất chính là việc Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình là một fan cuồng bóng đá.
Tham vọng của ông Tập là biến Trung Quốc thành sân nhà của một kỳ World Cup trong tương lai không xa.
Và quan trọng hơn cả là biến nền công nghiệp thể thao nước này thành khối tài sản trị giá trên 800 tỷ USD vào năm 2025.
Bóng đá dĩ nhiên là môn thể thao trọng điểm. Hơn nữa, việc bóng đá được ưu tiên số 1 ở Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu.
Ở Mỹ, bóng đá phải cạnh tranh với bóng rổ, bóng chày – 2 môn thể thao đã trở thành văn hóa của người Mỹ. Ở Ấn Độ, bóng đá xếp dưới cricket.
Nhưng ở Trung Quốc, chẳng môn thể thao nào có thể cạnh tranh với bóng đá. Hơn thế nữa, việc các trận đấu ở Trung Quốc diễn ra vào múi giờ khác hoàn toàn với thời gian các trận đấu châu Âu diễn ra nên nó dễ dàng trở thành lựa chọn số 1 của NHM.
Tất nhiên là bên cạnh việc mua các cầu thủ lớn trên khắp thế giới mang về Trung Quốc, đất nước này vẫn đang áp dụng hạn chế tối đa 4 cầu thủ nước ngoài xuất hiện trên sân. Điều đó có nghĩa là nền tảng cho sự phát triển của bóng đá Trung Quốc vẫn phải dựa vào cầu thủ bản địa.
Đã có hẳn một chiến dịch dài hơi nâng cao năng lực và tầm vóc của các cầu thủ bản địa do chính phủ Trung Quốc đề ra. Theo Guardian, Trung Quốc đã đưa bóng đá vào thành môn thể thao chính trong các trường học.
Dự kiến vào năm 2017, quốc gia này sẽ biến bóng đá trở thành môn học hàng tuần của ít nhất 20.000 trường tiểu học trên khắp đất nước
Các trường học sẽ phát triển năng khiếu và nuôi dưỡng niềm đam mê bóng đá. Và khi tiến lên chuyên nghiệp, rất nhiều CLB lớn ở Trung Quốc đã có sẵn các trung tâm đào tạo với quy mô khiến thế giới phải kinh ngạc.
Guangzhou Evergrande, CLB năm ngoái vừa được tập đoàn bán lẻ Alibaba mua lại 50% cổ phần, đang sở hữu một trung tâm đào tạo thuộc vào dạng hiện đại bậc nhất thế giới.
Trung tâm đào tạo trẻ của CLB này trải dài trên… 167 mẫu đất, ngốn tới 115 triệu bảng để xây dựng và có thể đào tạo 2.400 cầu thủ mỗi năm, thậm chí còn quy mô hơn cả học viện đào tạo của Man City.
Thiên thời, địa lợi và nhân hòa, bóng đá Trung Quốc đang có tất cả những yếu tố để hóa rồng trong tương lai không xa.