Những chuyện như thế diễn ra hàng ngày, hàng tuần và 15 năm kể từ ngày giải đấu tiến lên chuyên, vẫn chưa có biểu hiện thuyên giảm. Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) là nạn nhân mới nhất.
Những âm thanh lạ
Đầu tháng 8/2011, một cảnh tượng hết sức kinh hoàng diễn ra trên sân Pleiku.
Khi tất cả đang mải miết theo dõi diễn biến trận-cầu-6-điểm giữa 2 người anh em là HAGL và K.Khánh Hoà, thì một tiếng “rắc” vang lên gần đường biên dọc, chính diện khán đài VIP và cũng rất gần với cabin BHL 2 đội bóng.
Nạn nhân là tiền đạo trẻ Tạ Thái Học vừa lên đội 1, còn thủ phạm (nếu có nạn nhân ắt phải có thủ phạm) là một người trẻ khác: Thanh Hùng. Tất cả đều bàng hoàng và nhiều người đã phải quay đi, không dám cái chân đứt lìa của Thái Học.
Trong khuôn khổ một giải đấu, chẳng có trận đấu nào là vô thưởng vô phạt cả, càng khi HAGL và K.Khánh Hoà đang rất sốt sắng tích luỹ điểm số để trụ hạng (đấy đã là vòng 24 V-League 2011 và cả 2 đội bóng này đều có thể phải xuống chơi giải hạng Nhất).
Thanh Hùng không phải nhận án kỷ luật sau đó, khi BTC xác định chỉ là lỗi ham bóng và thực tế, Hùng cũng chỉ định phá bóng khi thoáng thấy Thái Học xử lý khá rườm rà.
Giờ, “thủ phạm” Thanh Hùng đã giải nghệ, làm nghề đá “phủi”, còn “nạn nhân” Thái Học lưu lạc về Phú Yên chơi giải hạng Nhất.
Sau vụ Thanh Hùng đá gãy chân Thái Học, đến lượt Đình Đồng (SLNA) "thử" độ cứng của ống quyển Anh Hùng (HV An Giang) ở mùa giải 2014.
Điều đáng nói là Đồng và Hùng cũng là chỗ quen biết, do cùng xuất xứ từ lò Nghệ Tĩnh mà ra. Anh Hùng gãy đôi chân và phải trải qua gần một năm điều trị, trước khi trở lại trong màu áo Hải Phòng; trong khi Đình Đồng cũng bị cấm thi đấu đến 9 tháng.
Khi Quế Ngọc Hải đặt gầm giầy vuông góc với cái gối trái của Anh Khoa trên sân Vinh, dẫn đến tình trạng đa chấn thương cho tiền vệ này càng thấy V-League mới đáng sợ làm sao.
Mặt vàng như nghệ
Cần thống nhất với nhau rằng không có cú “tackle” nào không mang chủ ý cả. Mục tiêu ban đầu có thể là trái bóng, nhưng do ra chân chậm (hoặc đối phương hơi nhanh), dẫn đến điểm tiếp xúc ở chỗ khác, song thông thường, đó là những pha bóng mang tính triệt hạ.
Cầu thủ một khi bước vào trận đấu với tư tưởng triệt hạ, cũng có nghĩa rằng họ đã "chuẩn bị" sẵn đôi nạng cho đối phương.
Song, cũng có đôi khi thủ phạm lại trở thành nạn nhân vào lúc họ bị phản đòn. Trường hợp của Huy Hoàng sau cú “tackle” Samson năm 2012 là một ví dụ.
Cú song phi bằng cả 2 chân của Huy Hoàng trên sân Vinh nhanh đến độ máy quay phim và cả máy ảnh kỹ thuật số cũng không kịp lấy nét, cho đến khi đội trưởng SLNA nằm bất động với khuôn mặt bê bết máu, người ta mới hiểu rằng “mũi tên đen” Samson vừa phản đòn bằng cái gầm giầy tước ngược.
Lực va chạm lúc đó phải cực lớn mới có thể khiến khuôn mặt Huy Hoàng biến dạng và không bao giờ cựu trung vệ ĐTQG này lấy lại được vẻ điển trai như trước nữa. Nhưng ở sân Vinh, biểu tượng Huy Hoàng không thất truyền với những cú ra chân hình chữ V.
Ngọc Hải, Đình Đồng, Mạnh Hùng, Cao Xuân Thắng, Hoàng Văn Bình và thậm chí cả Lê Công Vinh…, bất cứ ai cũng có thể trở thành cao thủ.
Lượt trận thứ 6, V-League 2007, trận đấu giữa SLNA và B.Bình Dương, do không thủ thế trong pha bóng xuất tướng vì không nghĩ đàn em sẽ “ăn” mình, thủ môn Thế Anh đã dính nguyên cái gầm giầy của Công Vinh vào mặt.
Tất nhiên, Thế Anh nằm bất động và cần hơn 20 phút sơ cứu tại chỗ, xe cứu thương mới có thể tiến vào chở thẳng thủ môn người Nghệ An đến bệnh viện may vá, từ cằm, đến mũi và cả mí mắt...
Vẫn có câu: Chưa đánh được người, mặt đỏ như vang; đánh được người rồi, mặt vàng như nghệ. Nhưng, bóng đá há chẳng phải môn thể thao chỉ dành cho những người đàn ông dũng cảm!?