Năm 2004, chiến lược gia sinh năm 1963 dẫn dắt CLB Omiya Ardija giành ngôi Á quân. Sau đó 3 năm, ông đoạt chức vô địch cùng CLB Consadole Sapporo.
Nền tảng này trở thành tiền đề đưa HLV Miura đến với những CLB giàu tiềm lực hơn như Vissel Kobe và Ventforet Kofu.
Điều đó có nghĩa rằng, quá trình làm việc với nhà cầm quân người Nhật tại Việt Nam cũng chính là sự trải nghiệm đầu tiên của Công Phượng và Tuấn Anh về Nhật Bản, hay nói rộng ra là nền bóng đá họ sắp bước vào so tài.
Sự trải nghiệm ấy bắt đầu hồi tháng 3 năm nay, khi đội tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị tham dự Vòng loại U23 châu Á.
Trong những ngày mới làm việc cùng HLV Miura, cả Công Phượng lẫn Tuấn Anh đều thừa nhận gặp khó khăn khi phải tìm cách thích nghi với phương pháp huấn luyện và triết lý bóng đá xa lạ.
Đây là hệ quả của quá trình 7-8 năm những học viên khóa 1 của Học viện HAGL Arsenal JMG chỉ tập luyện với một HLV duy nhất là ông Graechen, tương ứng là một triết lý bóng đá ăn sâu vào tiềm thức.
Nhưng từng bước một, Công Phượng cho thấy sự thích nghi tốt hơn với yêu cầu của HLV Miura.
Trong khi đó, Tuấn Anh dường như bị chững lại, nhất là khi người đá cặp ăn ý với anh ở khu trung tuyến - tiền vệ Xuân Trường - chia tay U23 Việt Nam vì chấn thương.
Tại Vòng loại U23 châu Á tổ chức ở Malaysia, Tuấn Anh chỉ đá 77 phút trong trận đấu ra quân của U23 Việt Nam gặp đội chủ nhà. Sau đó, anh ngồi ngoài ở cả 2 cuộc đọ sức với U23 Nhật Bản và U23 Macau.
Hat-trick của Công Phượng
Ngược lại, giải đấu tại Malaysia đánh dấu sự thành công rực rỡ của Công Phượng.
Với 4 bàn thắng và 3 pha kiến tạo, Công Phượng trở thành đầu tàu của đội bóng do HLV Miura dẫn dắt, mở toang cánh cửa vào Vòng chung kết U23 châu Á.
Khoảng 3 tháng sau, Tuấn Anh bị gạch tên khỏi danh sách chính thức của U23 Việt Nam tham dự SEA Games 28.
Còn Công Phượng rõ ràng đã tiếp tục sở hữu thêm màn thể hiện ấn tượng dưới thời HLV Miura. Tiền đạo sinh năm 1995 cùng với Ngọc Hải và Huy Toàn được bầu chọn vào đội hình tiêu biểu, sau giải đấu tổ chức tại Singapore.
Đà thăng tiến của Công Phượng còn được thể hiện qua việc, anh được triệu tập vào ĐTVN và có trận đấu chính thức đầu tiên ở cuộc chạm trán Iraq, trong khuôn khổ Vòng loại World Cup 2018.
Thực tế khó có thể phủ nhận là nếu coi HLV Miura giống như “thuốc thử”, cách phản ứng của Công Phượng tích cực hơn nhiều so với người đồng đội Tuấn Anh.
Công Phượng và Tuấn Anh là 2 cầu thủ ra sân nhiều nhất cho HAGL tại mùa giải V-League 2015 (lần lượt 25 và 26 trận).
Triết lý bóng đá thực dụng, đề cao sức mạnh và khả năng tranh chấp của nhà cầm quân người Nhật bị xem là rào cản lớn đối với lối chơi mềm mại, đậm chất kỹ thuật của tiền vệ người Thái Bình.
Điều đó chắc chắn cũng là thách thức không nhỏ dành cho Tuấn Anh tại J-League 2, nơi về cơ bản đã tạo nên nền tảng của triết lý bóng đá HLV Miura theo đuổi.
Tất nhiên, khả năng thành công (tỏa sáng) của Tuấn Anh và Công Phượng ở CLB mới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trong đó, môi trường thi đấu có ý nghĩa quan trọng. CLB Yokohama FC của Tuấn Anh được đánh giá “xịn” hơn CLB Mito Hollyhock mà Công Phượng sẽ đầu quân.
Nhưng với bài kiểm tra mang tên Miura rất khó để xếp loại trung bình cùng cái đầu gối bị tiền sử chấn thương, nguy cơ chờ đợi Tuấn Anh ở miền đất mới có lẽ lớn hơn người đồng đội của anh.