Võ công Thiếu Lâm đã quá nổi tiếng và được xếp vào diện “đỉnh cao” nên cũng dễ hiểu khi có nhiều người rất tò mò không biết khả năng võ công của người đứng đầu Thiếu Lâm Tự sẽ cao siêu đến đâu? Liệu ông ấy có đạt tới cảnh giới thượng thừa?…
Thực tế, khả năng võ thuật của nhân vật đứng đầu - Phương trượng Thích Vĩnh Tín vẫn luôn là điều bí ẩn, với ngay cả chính người Trung Quốc!
Ở Thiếu Lâm Tự từ xưa tới nay, việc các đệ tử hay các cao tăng tập luyện và biểu diễn võ công là điều rất đỗi bình thường, không có gì lạ lẫm.
Trên thực tế, chưa có ai từng chứng kiến những màn thi triển võ công của hòa thượng Thích Vĩnh Tín.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là kể từ năm 1999, khi hòa thượng Thích Vĩnh Tín trở thành phương trượng trụ trì Thiếu Lâm Tự cho tới nay, chưa có ai tận mắt nhìn thấy vị lãnh đạo này thi triển quyền cước hay bất kỳ một ngón công phu nào.
Ngay cả việc tìm kiếm những bức ảnh về quá trình luyện võ của ông cũng là điều hiếm hoi.
Tại Trung Quốc, nhiều người đã rất hoài nghi và đặt ra câu hỏi, liệu có phải trụ trì Thích Vĩnh Tín không biết võ công?
Nhưng trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, “cao tăng” Thích Vĩnh Tín nói ông từng được luyện võ từ năm 16 tuổi tại chùa Thiếu Lâm.
Một lần khác, theo như lời Trịnh Thích Trai, một võ sư thuộc hàng cao thủ của Thiếu Lâm, thì chính ông là người đã từng truyền võ nghệ cho Thích Vĩnh Tín.
Theo tiết lộ của vị võ sư này thì hòa thượng Thích Vĩnh Tín bắt đầu theo ông luyện tập võ nghệ từ năm 1973.
Và Thích Vĩnh Tín còn rất giỏi Đạt Ma trượng và các môn nhuyễn công (là các công phu chuyên luyện lực âm, nhu lực, âm công, khi luyện thành thì bề ngoài cơ thể không có biểu hiện gì của người biết võ nhưng lực đánh ra rất nguy hiểm).
Để giải tỏa về những nghi vấn xung quanh võ công thực của Phương trượng Thích Vĩnh Tín, Trịnh Thích Trai nói: “Có ta làm chứng, ai dám nói Vĩnh Tín không biết công phu Thiếu Lâm?”
Vị cao thủ này còn giải thích về việc vì sao người ta chưa thể bắt gặp Phương trượng Thích Vĩnh Tín thi triển công phu bao giờ.
Theo ông, nguyên tắc truyền đạt công phu và luyện công của Thiếu Lâm là "Lục nhĩ bất truyền" (có 6 cái tai thì sẽ không truyền –nghĩa là có người thứ 3).
Thậm chí, với những bậc cao thủ Thiếu Lâm thì võ công thường được truyền dạy vào ban đêm để tránh bị người khác biết được, nên việc người ta không thấy Thích Vĩnh Tín tập luyện là điều bình thường.
Những tiết lộ của vị “sư phụ” Trịnh Thích Trai có thể cũng chỉ giải đáp được phần nào những nghi ngờ của mọi người về việc Thích Vĩnh Tín có biết võ công Thiếu Lâm hay không?
“Trăm nghe cũng không bằng một thấy”, khi chưa chứng kiến tận mắt các màn công phu của Phương trượng Thích Vĩnh Tín thì những giải thích từTrịnh Thích Trai cũng chỉ có thể coi là “tin đồn” không được kiểm chứng.
Trong khi đó, theo một số tài liệu thì Thích Vĩnh Tín một ngày chỉ ngủ 5 giờ, ông dành nhiều thời gian cho việc viết, biên soạn và nghiên cứu những tài liệu về Phật giáo, ngồi thiền, thay vì dành thời gian để tập luyện võ công.
Hòa thượng Thích Vĩnh Tín sinh năm 1965 và gia nhập Thiếu Lâm Tự vào năm 1981. Năm 1999, ông trở thành Phương trượng, đứng đầu ngôi chùa huyền thoại này.
Năm 2008, ông là người khởi xướng cho việc thành lập Trường Võ thuật Thiếu Lâm tại tỉnh Hà Nam.
Bên cạnh không ít scandal, Thích Vĩnh Tín được đánh giá có đóng góp trong việc quảng bá hình ảnh chùa Thiếu Lâm cũng như văn hóa Phật giáo Trung Quốc đến với quốc tế.
Tuy nhiên, đối với võ thuật, những đóng góp của ông dường như vẫn còn quá ít ỏi!