Việc nên giữ lại HLV Miura hay không đang gây ra nhiều tranh luận. Dưới đây là những phân tích độc đáo của tác giả Gia Cát Túc Cầu được chia sẻ trên một trang mạng xã hội. Chúng tôi xin được trích nguyên văn:
"Ðạo trời vô cùng. Lòng người bất trắc. Vậy nên xưa trái nay phải, nhất thiết không bàn; nhân trước quả sau, bao giờ vẫn thế.
Nay Việt Nam thất trận ở Tân Gia Ba thật không dám nói đến chuyện thắng thua, huống hồ anh hùng trả thù mười năm chưa muộn mà Hội võ Đông Nam hai năm đã họp một lần, rồi lại có ngày vẫy vùng thỏa chí.
Nhưng, Gia Cát Túc Cầu tôi nghe người xưa có câu, thành bại luận anh hùng, vậy trộm nghĩ tại sao không bàn phép làm làm tướng của Toshya Miura, liệu có được chăng?
Trong phép làm tướng, trí đứng hàng đầu. Kẻ ấy ắt phải có tài thao lược, gồm đủ kinh luân, ngồi trong màn trướng mà quyết sự thắng ở ngoài ngàn dặm.
Xưa Ngọa Long nằm khểnh ở Long Trung mà chia ba thiên hạ, Hàn Tín trong Ba Thục bàn chuyện phá Sở chính là những người như vậy.
Nay Miura sai về chiến lược, không gây dựng bộ khung ổn định, lại liên tục xoay tua trong một cuộc chiến ngắn ngày, ấy là kém về trí.
Sau trí là dũng. Những kẻ hữu dũng thường được chọn làm tướng tiên phong, san núi mở đường, lâm trận không lui, gặp giặc thì giết.
Quân Sở phá Tần do sức của một mình Hạng Vũ, Hán rời Ba Thục lấy Hán Trung là nhờ Phàn Khoái đi đầu, ấy là dũng vậy. Miura khi sang Thái hồi tháng 5 không dám tấn công, chẳng phải phản công, chẳng phải là thiếu dũng khí sao?
Khi chủ định chiếm đất công thành, như trận gặp Miến mới đây thì lại vô lực, chỉ đơn điệu với bài công biên, không chiến. Làm tiên phong quyết không thể là Miura.
Khi Huyền Đức đánh Tào Tháo ở Hán Trung, trận Hán Thủy, Hoàng Trung đi trước bị thua.
Triệu Vân đi sau cứu được Trung lại chiếm cả trại Tào. Huyền Đức mới khen rằng, toàn thân Tử Long đều là đảm cả.
Sau Khổng Minh thua ở Nhai Đình, ngày đêm rút về Thục. Một mình Triệu Vân đi sau chém tướng lập công, giữ gìn quân tư khí giới. Khi hành quân, đoạn hậu cần người đảm lược như Tử Long.
Với đức tính này, e là Miura cũng không phù hợp. Cả hai đội quân (ĐTQG, U23) đều thất bại tan tác, kỹ năng phòng ngự kém, các mối liên kết rời rạc, vậy thì đoạn hậu sao nổi.
Cuối cùng, một đội quân quan trọng nhất là lương thảo. Kẻ vận lương phải đặt chữ tín làm đầu, không làm lỡ việc.
Khổng Minh hỏng thời cơ đồ Trung Nguyên vì Lý Nghiêm biện lương không đủ, sợ bị bắt tội nên đưa thư man trá; Tào Tháo ít quân mà thắng binh hùng tướng mạnh của Viên Thiệu vì tướng giữ lương của Thiệu là Thuần Vu Quỳnh hay rượu làm mất Ô Sào.
Miura khi mới sang Việt Nam dám cả gan chê quan chức VFF đi muộn về sớm, sau các thất bại sẵn sàng đứng ra nhận lỗi, chính là tín đó. Vậy theo ngu ý của Gia Cát Túc Cầu tôi, xếp Miura làm chân hộ lương nên chăng?
Thế nhưng mới rồi nghe tin VFF tiếp tục trao ấn Nguyên soái cho Miura thật lấy làm giật mình khó hiểu vô cùng.
Trung thần thấy nguy phải bầy kế; kẻ trí lo nạn để lập công. Vì vậy trộm nghĩ, phải có người phi thường mới lập được việc phi thường; có việc phi thường mới có công phi thường.
Cái công phi thường ấy, vốn không phải người thường có thể làm nổi. Kẻ làm tướng bất trí, thiếu dũng, vô đảm, chỉ có tín thôi e không thể gánh vác việc to.
Vậy biên thơ này dám mong kẻ sỹ bốn phương đàm luận, can gián VFF thì thiên hạ may lắm, xã tắc may lắm, túc cầu nước nhà mới lại có cơ quật khởi, phục hưng uy danh xưa cũ.
Thư nói không hết lời, nay kính!"