Những bó hoa tươi thắm, những tiếng vỗ tay vang dội, vòng nguyệt quế trên đầu và khoảnh khắc xúc động nhất là lúc những chiếc huy chương được quàng lên cổ. Nhưng phía sau ánh hào quang ấy, các VĐV thể thao đỉnh cao Trung Quốc có lẽ không thể mường tượng được cuộc sống của họ hầu hết đều rơi vào ngõ cụt khi giải nghệ.
Những ngày tháng chôn vùi tuổi thanh xuân trong các lò đào tạo khiến họ trở nên lạc lõng khi hòa nhập với cuộc sống đời thường. Không văn hóa, không kiến thức căn bản, thiếu kỹ năng sống khiến họ trở nên lạc lõng giữa dòng đời xô bồ và đầy cạm bẫy.
Những lời hứa hẹn ngọt ngào sau khi giải nghệ vụt tan biến, đổi lại là chấn thương, thất nghiệp và đói nghèo bủa vây lấy họ. Những bài tập khắc nghiệt có thể giúp họ chiến thắng bất kỳ đối thủ nào trên thảm đấu, nhưng mỉa mai thay họ lại không thể thắng nổi nỗi lo cơm áo gạo tiền sau ánh hào quang của những tấm huy chương.
Chou Chunlan đã bị "đàn ông hóa" và không còn khả năng làm mẹ
Chou Chunlan, nữ kiện tướng cử tạ, từng đoạt 9 huy chương vàng và phá kỉ lục quốc gia. Sau khi giải nghệ năm 1993, cô đã không kiếm nổi cho mình một việc làm và lâm vào cảnh khốn khó.
Nhưng những thiếu thốn vật chất chẳng là gì so với nỗi đau không thể diễn tả thành lời. “HLV nói với tôi rằng đó là những thứ thuốc để tăng cường dinh dưỡng và tôi đã tin lời ông ta”, Chou nhớ lại thứ chất cấm Steroid đã tiêm vào người cô trong nhiều năm để giờ biến người phụ nữ bất hạnh này trông như một người đàn ông và điều tồi tệ nhất, cô đã không còn khả năng làm mẹ.
Ai Dongmei là một trường hợp khác. Nhà vô địch Marathon Quốc tế Bắc kinh năm 1999 phải trải qua những công việc như bán quần áo, bỏng ngô trên khắp các con hẻm ở Bắc Kinh. Cay đắng hơn, cô đã phải rao bán cả 19 tấm huy chương từng phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt để mưu sinh.
Trong khi đó, nhà Á quân Marathon ở Chiba (Nhật Bản), Guo Ping khi nhận ra sai lầm khi theo nghiệp thể thao đỉnh cao thì đã quá muộn. “Nỗi ân hận lớn nhất của đời tôi là không học piano theo lời khuyên của thầy giáo dạy nhạc hồi tiểu học”, Guo Ping nói. Giờ khi giải nghệ, đến người cha già cũng phải đi làm trong xưởng than để lấy 500 tệ (khoảng 1,5 triệu đồng) mỗi tháng.
Cựu vô địch cử tạ châu Á Cai Li đã chết vì viêm phổi ở tuổi 33 khi trong túi chỉ còn 300 tệ, không đủ thanh toán viện phí. Liu Fei, 7 lần VĐQG và VĐTG ở môn thể dục dụng cụ đang đấu tranh để sinh tồn với 800 NDT (tương đương 2,8 triệu VNĐ) mà cô kiếm được hàng tháng từ việc dạy kèm thể dục.
Với Li Ying, cựu đội trưởng đội tuyển điền kinh Trung Quốc, cô đã phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho những trắc trở trong cuộc sống và tình duyên. Sau 1 tuần mất tích, xác của Li Ying được tìm thấy vào tháng 4/1998 ở hồ chứa thuộc khu vực Kì Bàn San, tỉnh Thẩm Dương. Vụ việc từng gây chấn động làng thể thao Trung Quốc khi ấy.
Những cái tên kể trên chỉ là một phần nhỏ trong số 80% VĐV đỉnh cao Trung Quốc phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, bệnh tật, thậm chí chết trong nghèo đói. Điều đáng bàn, những thông tin trên không nhiều người được tiếp cận. Nên phần lớn ông bố bà mẹ vẫn ép các con theo nghiệp thể thao và một bộ phận không nhỏ giới trẻ Trung Quốc vẫn đắm chìm trong thứ hào quang giả tạo ấy.
Đó mới thực sự là bi kịch đằng sau những tấm huy chương của nền thể thao sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị đạo đức cũng như tính nhân văn của con người để thực hiện giấc mơ bá chủ thế giới.