Hồi năm 2009, Trung Quốc chấn động vì scandal bán độ lớn nhất thế giới bóng đá tính trong khuôn khổ 1 quốc gia. Tới năm 2013, đã có tổng cộng 33 quan chức, cầu thủ, HLV và trọng tài liên quan tới vụ việc.
Trong số những kẻ nhúng chàm, đặc biệt là 2 cựu Chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc - Nan Yong và Xie Yalong. Ngoài ra còn có 4 cựu tuyển thủ quốc gia Li Ming, Shen Si, Qi Hong, Jiang Jin cùng trọng tài Ju Lun (người đã cầm còi ở World Cup 2002)… Những nhân vật này đều đã bị xử phạt rất nặng, cấm hoạt động bóng đá trọn đời.
Các nghi phạm của vụ bán độ ở trước tòa
Ngoài những cá nhân tiêu biểu nói trên thì vụ bán độ đình đám này còn dính tới nhiều CLB như Shanghai Shenhua (từng chiêu mộ Drogba và Anelka) và Tianjin Teda... Hai CLB này đã bị phạt rất nặng như Shanghai Shenhua bị tước chức vô địch quốc gia năm 2003 và cùng Tianjin Teda bị phạt 160.000 USD.
Có thể vụ tai tiếng Calciopoli của Italia rất đình đám. Nhưng chắc chắn chưa có bê bối thể thao nào mà “nhà dột từ nóc” đến như ở Trung Quốc. Với sự góp mặt của 2 cựu Chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc, nền thể thao nước này đã bị chấn động rất mạnh mẽ. Nếu Trung Quốc thích tỏ ra mình là nhất, thì chí ít trong vụ bán độ đình đám này, họ đã làm cả thế giới phải ngỡ ngàng.
Đáng buồn hơn là nạn bán độ, dàn xếp tỷ số ở thể thao Trung Quốc không chỉ diễn ra trong bóng đá. Hồi giữa năm 2012, cầu lông nước này cũng bị chấn động vì dàn xếp tỷ số. HLV trưởng ĐT cầu lông Trung Quốc Li Yongbo đã phải lên tiếng xin lỗi khi 2 tuyển thủ dưới quyền cố tình thua ở Olympic London 2012.
VĐV Yu Wang đòi giải nghệ sau khi sai phạm
Sai lầm từ công tác đào tạo trẻ, từ cách đối xử với các VĐV sau khi giải nghệ rồi lại thêm các bê bối gian lận, dàn xếp tỷ số… rõ ràng thể thao Trung Quốc đang phát triển lệch lạc. Những kỷ lục của thể thao là để ghi nhận sự phát triển về trí lực, thể lực và tinh lực của con người. Nhưng nếu kỷ lục đến nhờ các bê bối như ở Trung Quốc, có lẽ con người đang đi xuống…