Hàng thủ
Vốn không được đánh giá cao do học viện HAGL Arsenal JMG không chú trọng đào tạo cầu thủ phòng ngự, tuy nhiên đây lại là tuyến góp mặt nhiều cầu thủ nhất và được thử nghiệm nhiều nhất trong chiến dịch chuẩn bị vừa qua.
Văn Sơn và Đức Lương có mặt từ đầu đợt tập trung, nhưng đã phải đối mặt với sự cạnh tranh rất gắt gao cùng với những đàn anh nhiều kinh nghiệm hơn.
Văn Sơn (trái)
Đức Lương được lựa chọn cho 2 trận đầu tiên, nhưng chấn thương gặp phải trận gặp Indonesia đã khiến anh mất vị trí, và sự ổn định cùng lối chơi máu lửa của Mạnh Hùng đã giúp anh chiếm 1 suất khá chắc chắn bên hành lang cánh trái.
Cánh còn lại, chấn thương bất ngờ của Thanh Hiền mang lại cơ hội thể hiện cho Văn Sơn, nhưng việc gọi bổ sung bất ngờ Vũ Văn Thanh đã khiến cho sự cạnh tranh trở lại.
Nhìn chung trong những lần được vào sân, cả Văn Sơn và Đức Lương đều thể hiện đúng phong cách lên công về thủ khá cơ động.
Đức Lương
Tuy nhiên, độ chính xác trong các pha phối hợp, đặc biệt là những cú phất bóng dài vào trung lộ hay mở cánh, đều giảm đi rõ rệt so với chính họ ở HAGL. Tranh chấp tay đôi cũng là một điểm yếu của 2 chàng hậu vệ nhỏ con này, dù sức bền của họ đã được cải thiện.
Điểm mạnh để cả Đức Lương và Văn Sơn phát huy chính là những pha đọc tình huống cắt bóng, và tốc độ leo biên thực hiện những quả tạt cánh.
Hàng tiền vệ
Thật đáng tiếc khi tuyến được coi là mạnh nhất của JMG lại bị chấn thương càn quét dữ dội nhất. Chỉ duy nhất Tuấn Anh trụ lại tuyển, trong khi lần lượt Xuân Trường, Hồng Duy và Thanh Tùng đã phải sớm trở về phố núi.
Trong hầu hết các trận đấu, dù Tuấn Anh đều ra chỉ sân 45 phút, cách sử dụng cầu thủ người Thái Bình của ông Miura vẫn được thể hiện khá rõ ràng, có chút gì đó “công nhân hóa” tiền vệ tài hoa này.
Ở HAGL, Tuấn Anh và Xuân Trường thay phiên nhau hỗ trợ, thu hồi bóng, điều tiết nhịp độ và dâng cao phối hợp. Lên tuyển, Tuấn Anh về lý thuyết được bố trí đá cao hơn, khi Hữu Dũng, Hùng Dũng hay Tấn Tài đều được giao nhiệm vụ chuyên đánh chặn và hỗ trợ hàng thủ.
Tuấn Anh (phải)
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Tuấn Anh chỉ có thể làm tốt vai trò điều tiết và phân phối bóng, chứ không thể hỗ trợ nhiều cho mặt trận tấn công. Thậm chí, Tuấn Anh còn phải vất vả hơn trong việc thu hồi đánh chặn, do người đá cặp không hiểu ý, không có sự ăn ý và hỗ trợ phối hợp.
Lối đá mà HLV Miura xây dựng đang không đề cao (hay có thể là không thực hiện được) những pha phối hợp nhỏ ở trung lộ, nên bóng không được tập trung vào giữa trong những pha phản công, mà thay vào đó là chồng cánh và căng ngang, thậm chí là bóng bổng.
Lối chơi này đang khiến Tuấn Anh phải gồng mình để thực hiện, nhưng cũng chính là thử thách cho tiền vệ này cần thích ứng với những pha tranh chấp, áp sát đặc trưng của bóng đá hiện đại thực dụng.
Hàng tiền đạo
Cái tên đáng chú ý nhất chắc chắn là Công Phượng. Việc phải ngồi dự bị trong những trận đầu khiến dư luận khá bất ngờ, nhưng không thể thay đổi một thực tế rằng số 10 vẫn là 1 ngòi nổ đặc biệt và cần thiết nhất của Olympic Việt Nam vào thời điểm này.
Nhiều người cho rằng đây là một chiêu khích tướng của HLV Miura, và ông đã thành công khi Công Phượng chơi thanh thoát hơn rất nhiều so với những vòng đầu tiên ở mặt trận V-League. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất tạo nên sự thay đổi đó là lối đá phòng ngự phản công.
Công Phượng vẫn còn phải nỗ lực nhiều
Có thể thấy ở HAGL, các tiền vệ chủ động cầm bóng áp đảo, giữ nhịp và dồn đối thủ về co cụm phòng ngự. Chính lối đá ấy đã khiến cho các tiền đạo thường xuyên đối mặt với những bức tường dày đặc, và khoảng trống từ nửa phần sân đối phương là vô cùng hiếm hoi.
Lên tuyển, khi mà Olympic Việt Nam thường nhường thế trận cho đội bạn, thì những pha phản công lại đặc biệt nguy hiểm với nhiều khoảng trống mênh mông từ trung lộ ra cánh, các cơ hội đột phá, xẻ nách và chọc khe trở nên rõ ràng hơn.
Chỉ có điều, sự dứt khoát và hiệu quả trong những pha xử lý cuối vẫn là điểm yếu lớn nhất của Phượng.
Văn Toàn cũng đã có những thay đổi tích cực, bởi rõ ràng một tiền đạo “mỏng cơm” nhưng có tốc độ và khả năng chạy chỗ, chọn vị trí tốt sẽ thích hợp với những pha phản công chớp nhoáng hơn.
Thậm chí, những pha bóng phá bẫy việt vị và phối hợp với đồng đội của Văn Toàn có thể coi là sáng nước nhất trong số các tiền đạo hiện có của ông Miura.
Thế nhưng khả năng dứt điểm của Toàn vẫn chưa tiến bộ nhiều, trong khi ông Miura vẫn ưu tiên 1 tiền đạo có thể hình để đá cắm như Thanh Bình hơn.
Sơ đồ được coi là phù hợp nhất cho Olympic Việt Nam
Bài toán khó cho HLV Miura
Như một nhận định gần đây cho rằng, nếu vẫn duy trì lối đá nhanh-mạnh-gọn như hiện tại, có lẽ Olympic Việt Nam chỉ nên dùng các cầu thủ ngoài HAGL mới phù hợp.
Rõ ràng nhận định này hoàn toàn có cơ sở, và thậm chí đã được minh chứng tương đối rõ nét sau 5 trận đá tập - giao hữu đã qua.
Trong tay HLV Miura đang có những quân bài đặc biệt, nhưng sử dụng ra sao để có thể phát huy tối đa sự đặc biệt ấy, mang lại hiệu quả cao cho trận đối đầu quyết định gặp chủ nhà Malaysia ngày 27 tới đây, sẽ là bài toán không dễ có lời giải đáp.