Thầy ngoại và những “lệnh cấm” hiếm có ở Việt Nam

Khánh An |

Tuần này, HLV Miura hội quân đội Olympic Việt Nam, lần đầu tiên lứa cầu thủ U.20 từng gây ấn tượng năm ngoái được “nâng tầm” và có mặt ở tuyển Olympic như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Thế nhưng, bên cạnh sự quan tâm đặc biệt này, điều khiến dư luận ngạc nhiên chính là sự khắt khe một cách đột ngột giữa ông Miura và báo chí. Đây có thể coi là một lệnh cấm lạ lùng nhưng không phải không có lý do của nó.

Cấm cửa báo chí

Trên thực tế, ông Miura đang là người gây được nhiều thiện cảm với truyền thông Việt Nam. Không chỉ ở cách làm việc chuyên nghiệp mà còn ở sự thân thiện, gần gũi.

Có lẽ, ông Miura từng giữ vai trò là bình luận viên truyền hình một thời gian dài ở Nhật Bản nên hiểu được truyền thông muốn gì ở đội tuyển và để “lấy lòng” người hâm mộ Việt Nam, không điều gì tốt hơn là qua kênh truyền thông.

Từ chỗ dễ tiếp xúc, bỗng nhiên ông Miura trở nên khó tính. Đó là một điều khá lạ lùng và gây nhiều tò mò.

Đầu tiên là thay vì được thoải mái ra vào sân tập như trước đây, phóng viên chỉ được chỉ được tác nghiệp trong 15 phút đầu tiên của buổi tập.

Đặc biệt, ông Miura sẽ chỉ trả lời phỏng vấn báo chí 1 lần/tuần. Các câu hỏi sẽ phải gửi trước bằng e-mail và chỉ những câu được chọn mới được nhà cầm quân người Nhật trả lời.

Bên cạnh đó, ông Miura cũng đưa ra yêu cầu khắt khe với việc phỏng vấn cầu thủ và các câu hỏi cũng phải được lựa chọn trước.

Trong thời đại bùng nổ thông tin và sự tràn lan của mạng xã hội, việc hạn chế phỏng vấn quả là “cú sốc” với báo chí.

Nhưng lệnh là lệnh. Phía VFF đưa ra giải thích là ông Miura muốn việc tác nghiệp của báo chí phải được chuyên nghiệp hơn.

Tuy vậy, nhiều thông tin cho biết, có thể lệnh cấm của ông Miura (nói đúng hơn là lệnh cấm tiếc xúc bừa bãi với báo chí) là của VFF.

Bởi lẽ hồi tháng 10, báo chí Việt Nam đã đăng tải bài phỏng vấn ông Miura trên một kênh truyền hình ở Nhật Bản.

Trong đó, ông Miura đã nói khá nhiều về những vấn đề ở Việt Nam thẳng thắn đến mức gay gắt, chỉ trích phong cách làm việc của nhiều nhân viên VFF về tác phong, giờ giấc.

Đó là bài phỏng vấn mà ông Miura nói, V.League là một giải đấu “kinh khủng”, các nhân viên VFF thì “mọi người đều uống bia. Uống bia thực sự đấy.

Sau bữa trưa là thời gian ngủ trưa. Mọi người sẽ ngủ trưa khoảng 1 tiếng. Đây là thói quen từ bé. Về thói quen này, thì ở công ty cũng như thế.

LĐBĐVN 8h30 bắt đầu làm việc, nhưng từ 8h30 đến 9h00 mọi người mới đến chỗ làm; từ 12h00 đến 14h00 là thời gian nghỉ trưa và 16h30 kết thúc công việc”.

Đặc biệt, ông Miura tiết lộ thẳng thắn về việc một trợ lý của mình là anh ta muốn cái ghế tốt hơn, điều này khiến ông Miura bày tỏ: “Tôi nghĩ trong bụng là: “Nếu anh muốn cái ghế tốt hơn thì hãy làm việc đi”…

Chính sự thẳng thắn, trải lòng của ông Miura với báo chí trong và ngoài nước có thể khiến lãnh đạo VFF không hài lòng và cần đưa vào “quy củ” hơn.

Nếu nhìn lại những thầy ngoại đã từng làm việc ở Việt Nam, ông Miura chưa phải là người từng ra lệnh cấm đầu tiên với báo chí.

Năm 2008, trước khi lên đỉnh ở AFF Cup 2008 cùng đội tuyển Việt Nam, ông Calisto cũng đã có thời gian khá dài “đoạn tuyệt” với báo chí.

Lý do: Sau chuỗi trận không thành công, bị báo chí chỉ trích, ông Calisto đã “phật lòng” vì truyền thông chỉ thấy chê mà không có lời nào khen đội tuyển, ông bèn từ chối mọi cuộc phỏng vấn và cũng cấm các học trò tiếp xúc với cánh phóng viên…

Trước đó từ rất lâu, thầy ngoại A.Riedl cũng đã từng có lệnh cấm cầu thủ tiết lộ những “thâm cung bí sử” của đội tuyển cho báo chí.

Một trong những cầu thủ đó đã phá vỡ “luật im lặng” là Minh Hiếu khi trong một bài phỏng vấn, anh đặt thẳng vấn đề về nạn bè phái trong đội tuyển.

Điều này khiến Minh Hiếu phải xách balô rời Nhổn trước thềm SEA Games năm 1999. Hay ở Bacolod năm 2005, ông A.Riedl cũng tỏ ra khó chịu khi phóng viên ở chung khách sạn, chung tầng với cầu thủ, tạo ra sự xáo trộn về tâm lý cho chính ông và cầu thủ.

Sau này, ông Riedl cũng yêu cầu VFF “cấm cửa” báo chí, không để họ ở ngay cùng khách sạn với đội tuyển mỗi khi ra nước ngoài thi đấu.

HLV Miura.

HLV Miura.

Cấm được cứ cấm

Ông Miura khi mới tới Việt Nam đã từng đưa ra lệnh cấm được cho là khá kỳ quặc ở Việt Nam, ấy là cấm cầu thủ đi… xe máy.

Cầu thủ Việt Nam chưa giàu có tới mức ai cũng có ôtô nên việc bị cấm đi xe máy là điều khá lạ lùng.

Tuy nhiên, ông Miura giải thích rằng, vì giao thông ở Việt Nam quá… kinh khủng nên các cầu thủ dùng xe máy làm phương tiện di chuyển không an toàn, có thể xảy ra tai nạn, dẫn tới mất cơ hội dự AFF Cup 2014.

Đây là lệnh cấm được cho là “chưa từng có trong lịch sử”, trong khi đó, lãnh đạo VFF thì cho rằng: “VFF đã giao đội cho Miura nghĩa là tuyệt đối tin tưởng ông ấy, ủng hộ mọi quyết định.

Thế nên, chuyện ông ấy cấm cầu thủ đi xe máy chúng tôi không thể có ý kiến”.

Lệnh cấm này nghiễm nhiên được bỏ sau AFF Cup 2014 vì ai cũng hiểu là chiếc xe máy là phương tiện giao thông chắc chắn chưa thể thiếu được ở Việt Nam.

Falko Goetz - HLV người Đức - từng có một thời gian làm việc ở Việt Nam khiến cầu thủ “mắt tròn mắt dẹt” khi đưa ra lệnh cấm là tuyệt đối tránh xa các loại đồ chiên rán và nước có gas.

Theo giải thích của ông thầy người Đức thì ông không muốn cầu thủ lên cân, vì bóng đá cần sự dẻo dai và linh hoạt của cơ thể mà trọng lượng là kẻ thù số một của phong độ. Hầu hết các cầu thủ buộc phải giảm cân.

Đặc biệt trong thời điểm phải tập trung cao độ cho các giải quan trọng, ông Goetz có thêm những lệnh cấm mới, đó là yêu cầu các cầu thủ tuyệt đối không đi ra ngoài, giờ giấc sinh hoạt, từ lúc ăn đến khi ngủ cần phải được tuân thủ tuyệt đối.

Thậm chí, các cầu thủ được khuyên nên hạn chế sử dụng điện thoại và ít trả lời phỏng vấn báo chí... Trong đội bóng của ông hoàn toàn không có khói thuốc và một vài trợ lý được yêu cầu không hút thuốc trước mặt học trò.

Bóng đá Việt Nam có những lệnh cấm khác, không liên quan trực tiếp đến những thầy ngoại nhưng ảnh hưởng đến họ: Đó là lệnh cấm “cầu thủ nhập tịch” vào đội tuyển của VFF.

Luật bất thành văn và chỉ một người duy nhất được “bật đèn xanh” là Calisto khi gọi những Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley vào tuyển. Đây được cho là một trong những lệnh cấm khó hiểu nhất của bóng đá Việt Nam và cho đến nay chưa hề được dỡ bỏ…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại