Hình ảnh Thái Sung lầm lũi nhặt từng chai nước bên đường pitch vào thùng đá để đồng đội uống cho mát đã được nhắc lại nhiều lần trên các mặt báo và cả trên mạng xã hội. Đó là một hình ảnh có phần chua xót: Thái Sung là một trong số ít các cầu thủ Đông Nam Á được đào tạo bài bản ở học viên Aspire, Qatar, đã từng làm nên những chiến tích ấn tượng tại đây, được cả "lò" danh tiếng bậc nhất châu Âu là Sporting mời về.
Nhưng anh về Việt Nam chỉ để đóng vai một thân phận dư thừa, cả ở Đà Nẵng và U21. Tất cả được chỉ về một nguyên nhân: "Triết lý bóng đá không phù hợp".
Một tác giả phân tích: Tư duy bóng đá mà Thái Sung học được ở cái "lò" đỉnh cao kia là thứ bóng đá khoa học nơi mỗi cầu thủ tấn công đều có nhiều vệ tinh xung quanh hoạt động chuyên biệt - còn ở Việt Nam thì người ta cần "công nhân đá bóng". Ở Việt Nam thì đá phòng ngự phản công với bóng dài còn ở Aspire là nhanh, nhỏ và kỹ thuật.
Triết lý là cái chi chi?
Triết lý bóng đá là một thứ vô hình nhưng có sức mạnh ghê gớm với mọi nền bóng đá. Những nền bóng đá thành công nhất trong lịch sử đều nhờ vào việc có được một "triết lý chung" từ cấp độ đào tạo trẻ cho tới đỉnh cao là đội tuyển.
Tây Ban Nha đá theo phong cách mà "lò" số 1 của họ là Barcelona đã định ra. Người Đức thì đạt đỉnh của khoa học khi các lò đào tạo từ Bayern đến Dortmund "đồng thanh tương ứng" thống nhất một phong cách để phục vụ cho liên đoàn. Hoặc một nền đào tạo trẻ đang lên, như Thụy Sỹ chẳng hạn, cũng có được sự thống nhất về triết lý giữa cấp độ đội tuyển (HLV Ottmar Hitzfeld) và "lò" số 1, là CLB Basel. HLV lão làng người Đức Hitzfeld khi tại nhiệm cũng đồng thời quản lý luôn cấp độ U21 của nước này.
Sự không thống nhất trong phong cách, từ khâu "sản xuất" đến khâu "tiêu dùng" có thể làm nên bi kịch của một cá nhân, như Thái Sung; có thể trở thành bi kịch của một nền bóng đá - chính Tây Ban Nha đã từng trải qua bi kịch ấy trong những thập kỷ trước. Hoặc người Anh, nơi mà bản sắc và triết lý kiểu cổ điển đã mất, mỗi lò đào tạo sản sinh ra một kiểu cầu thủ, chẳng ai liên quan đến ai khi về đá dưới trướng một... ông thày ngoại.
Bi kịch của Thái Sung có thể rộng hơn, nếu nhìn vào phát biểu của HLV Miura sau trận giao hữu với U23 Bahrain mới diễn ra.
Ông nói đại ý, tôi chỉ hài lòng với cầu thủ của mình trong 30 phút đầu, dù họ chỉ thắng 1 bàn cũng được. Phần sau ghi thêm 2 bàn, nhưng đá "rườm rà".
Phải rồi, ông là một người Nhật. Bóng đá Nhật rất nhanh và chính xác, các cầu thủ có kỹ thuật cá nhân tốt nhưng đề cao tốc độ và sự đơn giản. Người Nhật thì không cần đá đẹp.
Không thể không giật mình nghĩ đến đội tuyển U19. Tất nhiên là U19 sẽ còn cần phát triển trong tương lai. Nhưng không khó để nhận thấy sự... thiếu tinh giản trong lối chơi của nhiều cá nhân xuất sắc của U19. Với lối đá bóng nhỏ, nếu không cẩn thận người ta hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái "rườm rà" mà ông Miura nhắc đến.
Qua mấy giải trong năm nay, hẳn đã có rất nhiều pha xử lý bóng của U19 mà hẳn ông Miura sẽ không thể hài lòng.
Người ta có quyền đặt câu hỏi nếu như triết lý của U19, của ông Guillaume Graechen không trùng với triết lý của ông Miura thì sao? Liệu có thể có thêm nhiều Thái Sung nữa nếu ông Miura vẫn nắm quyền còn HAGL JMG Arsenal là cái "lò" chủ đạo?