Chưa hết, sau khi kết thúc vòng 12 (3/5), giải đấu tiếp tục nghỉ thêm gần… 2 tháng nữa (ngày 28/6 bóng mới lăn trở lại), để U23 Việt Nam tập trung đá SEA Games 28 (6/2015). Đây là điều vô tiền khoáng hậu trong lịch sử 15 năm, kể từ khi V-League ra đời.
Vì nhiều lý do khách và chủ quan, mùa giải 2015 của bóng đá Việt Nam sẽ kéo dài đến tận tháng 9, thay vì tháng 8 như mọi khi, thời điểm mà các giải VĐQG châu Âu đã chính thức khởi tranh.
Tức là giới mộ điệu cũng sẽ không có thời gian nghỉ “giữa hiệp”! Câu hỏi đặt ra là có nhất thiết phải hoãn giải đấu quá nhiều lần và quá dài như thế không?!
Trong khi V-League tạm hoãn trong thời gian qua, thì các giải VĐQG nước láng giềng khác bóng vẫn lăn vào cuối tuần, dù U23 của họ cũng vẫn tập trung song hành như ta.
Một giải đấu chỉ có 14 đội, nhưng lại kéo dài đến 9 tháng, sẽ khiến cho CLB chịu nhiều tổn thất, trong đó đáng kể nhất phải là quỹ lương và tâm lý.
Hai tháng qua, ngoài HAGL, đội bóng đóng góp quân số trên đội tuyển U23 nhiều nhất, số đội còn lại toàn tập chay, rõ thiệt thòi.
Trước đây, việc CLB phải gánh chịu tổn thất từ chấn thương của cầu thủ, đặc biệt là các tuyển thủ QG, từng gây nhiều tranh cãi và đã có trường hợp cáo ốm không lên ĐTQG.
Song bây giờ, mâu thuẫn phát sinh còn ở tầm vĩ mô, chứ không chỉ một vài cá nhân đơn lẻ.
Kế hoạch thi đấu và tổ chức thi đấu, với các ĐTQG cũng như các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia luôn được ấn định từ đầu năm, nên sẽ không có chuyện thay đổi.
Song, vẫn có câu, chẳng có mâu thuẫn nào không thể giải quyết bằng đối thoại và sự thoả hiệp vì mục tiêu chung.
Trên thế giới, chẳng giải VĐQG nào phải tạm hoãn để đội tuyển trẻ QG tập trung.
Ngay cả Olympic và chiến dịch vòng loại, cũng không là ngoại lệ và VCK môn bóng đá Olympic cũng chỉ diễn ra vào mùa hè, khi các giải VĐQG đã kết thúc. Vì đại cục, nên phải hy sinh?!