Tàn vì Công Vinh, SLNA sẽ "chết" bởi những Công Phượng?

Đức Phan |

Khi những ngôi sao đương đại như Công Vinh rời đi ngày một nhiều, thì các tài năng cỡ Công Phượng cũng chẳng chọn SLNA làm nơi cất cánh sự nghiệp.

Những cơn chảy máu tài năng kéo dài

Biểu tượng ấy chính là Sông Lam Nghệ An (SLNA). Thày trò HLV Ngô Quang Trường đang an vị ở đáy BXH sau 2 trận thua đều với tỉ số 0-2. Sự khó khăn của SLNA là điều đã được dự báo từ trước khi mùa giải này diễn ra.

Khi mà đội chủ sân Vinh còn tiếp tục phải đối mặt với một cuộc chảy máu chất xám lớn ở mùa giải năm nay. Lần lượt đội trưởng Quang Tình, Đình Đồng, Thế Cường và đặc biệt là tiền vệ phòng ngự Hoàng Thịnh – người được kì vọng sẽ là thủ lĩnh mới của đội bóng đều đã dứt áo ra đi.

Ngô Hoàng Thịnh cũng theo tiếng gọi đồng tiền để rời SLNA.

Ngô Hoàng Thịnh cũng theo tiếng gọi đồng tiền để rời SLNA.

Thế nhưng, có lẽ chẳng ai có thể mường tượng SLNA sẽ rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay. Điều đáng báo động là các đối thủ mà CLB này chạm trán ở 2 lượt trận đầu tiên đều không phải là cái tên quá đình đám (Hải Phòng và Cần Thơ).

Trên thực tế, đây không phải là mùa giải đầu tiên, SLNA bị hút máu. Ngược lại, đội bóng xứ Nghệ đã quá quen với vấn đề này.

Sau V-League 2013, Nguyễn Trọng Hoàng, Hoàng Văn Bình, Âu Văn Hoàn nói lời chia tay đội bóng quê hương. Một năm sau, tới lượt đội trưởng Công Vinh đi theo tiếng gọi của Bình Dương.

Công Vinh chọn về Bình Dương để kết thúc sự nghiệp chứ không phải tại SLNA.

Công Vinh chọn về Bình Dương để kết thúc sự nghiệp chứ không phải tại SLNA.

Dù vậy, trong mọi hoàn cảnh SLNA vẫn đứng vững. Khi SLNA muốn đá thì họ nghiễm nhiên vẫn là một đối thủ rắn mặt với bất kì đội bóng nào ở V-League. CLB áo vàng luôn có cái chất đặc trưng riêng của mình.

Sở dĩ SLNA làm được điều đó là nhờ họ sở hữu một nguồn tài năng trẻ vô cùng dồi dào. Tre chưa già, măng đã mọc, vì thế SLNA có thể ung dung thay thế những trụ cột ra đi bằng những sản phẩm cây nhà lá vườn.

Đã có thời điểm những người làm bóng đá nói đùa với nhau rằng bao giờ Sông Lam cạn nước thì bóng đá Nghệ An mới hết tài năng. Sự thật đúng là mảnh đất này không thiếu những tài năng bóng đá.

Ở khía cạnh nào đó, Nghệ An xứng đáng là một Brazil của Việt Nam. Ở đó, gần như mọi cậu bé đều sở hữu năng khiếu cùng một tình yêu bóng đá cháy bỏng.

Sự nghèo đói ở khúc ruột miền Trung càng thôi thúc các cậu bé noi gương các đàn anh như Hữu Thắng, Huy Hoàng rồi sau này là Văn Quyến, Công Vinh… theo đuổi môn thể thao vua với hi vọng đổi đời.

Nghệ An vẫn luôn là nơi sản sinh ra các tài năng bóng đá dị biệt như Văn Quyến, Công Phượng nhưng vấn đề là SLNA chẳng còn độc quyền được nguồn cung này.

Nghệ An vẫn luôn là nơi sản sinh ra các tài năng bóng đá "dị biệt" như Văn Quyến, Công Phượng nhưng vấn đề là SLNA chẳng còn độc quyền được nguồn cung này.

Chính nhờ lợi thế ấy mà SLNA cùng với chiến lược đúng đắn là một trong những đội bóng đầu tiên quan tâm đến công tác đào tạo trẻ đã hái quả ngọt.

SLNA liên tục tạo ra những đội U đầy triển vọng, sóng sau đè sóng trước, bất chấp việc điều kiện đầu tư của CLB này là tương đối hạn chế. Chỉ có điều, bây giờ biểu tượng, niềm tự hào về đào tạo trẻ ấy của SLNA cũng đã thất truyền.

Chảy máu cả ngọc thô...

Câu nói: “Sông Lam cạn nước thì bóng đá Nghệ An mới hết tài năng” có lẽ bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Vậy tại sao SLNA lại không còn đủ sức khỏa lấp những thiếu hụt về nhân sự như trong quá khứ?

Câu trả lời nằm ở chỗ, tài năng bóng đá xứ nghệ vẫn ở đó, nhưng họ không còn nghiễm nhiên độc quyền thuộc về SLNA.

Công Phượng hiện là ví dụ lớn nhất về việc SLNA đã bị mất đi các tài năng từ khi còn là những viên ngọc thô ít được thừa nhận.

Công Phượng hiện là ví dụ lớn nhất về việc SLNA đã bị mất đi các tài năng từ khi còn là những viên ngọc thô ít được thừa nhận.

5-7 năm trước, SLNA nắm vị thế “độc quyền” trong lòng các cậu bé quê hương. Đội bóng này là sự lựa chọn duy nhất với những đứa trẻ xứ Nghệ ham mê bóng đá.

Bên cạnh đó, đội chủ sân Vinh với hệ thống cộng tác viên cắm chốt đến từng xã cũng hiếm khi bỏ xót những viên ngọc quý.

Nhưng cuộc chơi giờ đã khác. Với sự ra đời của nhiều lò đào tạo trẻ theo chuẩn mực quốc tế như Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, VPF, Viettel..., SLNA với sự khó khăn về tài chính đơn giản là không thể cạnh tranh.

Với quy mô tuyển sinh trên cả nước, cùng chế độ đãi ngộ cao, quy trình đào tạo bài bản, các trung tâm đào tạo nêu trên thực sự đã hoàn toàn vượt lên trên SLNA.

Sự đi xuống của lò đào tạo SLNA thể hiện rất rõ qua kết quả của những giải U. Ví dụ như U19 SLNA từng có 3 năm liền thống trị giải U19 quốc gia (từ 2004-2006), nhưng trong 9 năm gần đây không một lần họ được nếm trải hương vị chiến thắng.

Giải U17 cũng vậy, SLNA cũng giữ kỷ lục vô địch nhiều lần nhất (7 lần), trong 9 năm từ 2004 đến 2012 họ 8 lần lọt vào CK và 7 lần vô địch.

U17 SLNA từng làm mưa, làm gió tại Việt Nam với 7 lần vô địch.

U17 SLNA từng làm mưa, làm gió tại Việt Nam với 7 lần vô địch.

Nhưng trong 3 năm gần đây thành tích tốt nhất của SLNA chỉ là vào đến bán kết. Ngay cả cấp độ U21, nơi những lò đào tạo VPF, Viettel… chưa kịp có 1 đội bóng chất lượng thì SLNA cũng lép vế so với Hà Nội T&T – CLB vô địch 2/3 mùa gần đây.

Mà trường hợp của Công Phượng là một ví dụ tiêu biểu. Đấy chính là hồi chuông báo động đối với SLNA. Có thể nói, bóng đá xứ Nghệ giờ đã bị “chảy máu chất xám” ngay từ khi những viên ngọc thô còn chưa kịp thuộc về SLNA.

Trên thế giới cũng không thiếu những tấm gương tương tự SLNA. Điển hình như Ajax, CLB này dưới thời Van Gaal ở những năm 90 của thế kỷ trước là 1 thế lực của bóng đá Châu Âu với các sản phẩm cây nhà lá vườn.

Nhưng sau đó do không có tiềm lực về tài chính, Ajax cũng dần bị bỏ lại trong thời đại của bóng đá kim tiền và chẳng bao giờ trở lại được đỉnh cao.

Đế chế châu Âu 1 thời Ajax còn suy tàn thì nói gì SLNA nhỏ bé?

Đế chế châu Âu 1 thời Ajax còn suy tàn thì nói gì SLNA nhỏ bé?

Đó có lẽ là quy luật tất yếu và SLNA cũng chẳng phải ngoại lệ. Với năng lực của mình sẽ khó có chuyện đội chủ sân Vinh phải nói lời chia tay V-League. Nhưng nếu không có sự thay đổi thì SLNA thực sự sẽ là một biểu tượng bị thất truyền.

Đã đến lúc SLNA phải nghĩ đến cách tận dụng nguồn lực từ lực lượng CĐV đông đảo của mình để vực dậy đội bóng.

Ví dụ như tìm cách tăng nguồn thu thông qua bán đồ lưu niệm chính hãng, phí hội viên….Còn những người con xứ Nghệ cũng cần chung tay giúp sức CLB quê hương, nếu không muốn thấy một niềm tự hào lại trôi vào quên lãng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại