Tại sao bầu Đức muốn "hạ gục" HLV Miura?

Hạ Huyền |

Sau khi một HLV bị đồng nghiệp hạ thấp bằng phát ngôn “chỉ đáng 500 đồng” tại giải U21 quốc tế, thì đến lượt VFF và HLV Miura cũng rơi vào cảnh này.

Từ phát ngôn chê HLV Miura dở nhất trong lịch sử

Việc các nhà cầm quân đối diện những lời chỉ trích là chuyện không hiếm gặp trong thế giới bóng đá. Nhưng chỉ có ở Việt Nam mới xảy ra chuyện một ông phó chủ tịch Liên đoàn hết lần này đến lần khác công khai hạ bệ HLV trưởng ĐTQG.

Cho dù bầu Đức nhấn mạnh rằng, những chỉ trích của mình chỉ mang tính cá nhân, thì dù muốn hay không, nó cũng gắn với cương vị ông đang đảm nhiệm tại VFF, chứ không thể với tư cách một cổ động viên bình thường.

Thế nên, những phát ngôn kiểu như “HLV Miura dở nhất trong lịch sử” hoặc “Cần phải thay thế ông Miura ngay” từ phía bầu Đức cần có sự bàn bạc, nhất trí trong nội bộ VFF, trước khi xuất hiện nhan nhản trên mặt báo.


Bầu Đức và HLV Miura liên tục ở trong thế đối đầu thời gian qua.

Bầu Đức và HLV Miura liên tục ở trong thế đối đầu thời gian qua.

Cách xử sự như vậy khiến bất cứ ai ở vào vị trí của nhà cầm quân người Nhật đều khó tránh khỏi cảm giác thiếu tôn trọng.

Một trong những tâm sự thầm kín của HLV Hoàng Văn Phúc khi từ nhiệm ghế HLV trưởng ĐTVN trước đây cũng bởi ông cảm thấy cách làm vừa thiếu nhất quán, vừa không thể hiện thái độ tôn trọng của VFF dành cho mình.

Trong khi đó, trải nghiệm tạm quyền dẫn dắt ĐTVN tham dự AFF Cup 2012 khiến HLV Phan Thanh Hùng rút ra kết luận, sẽ khó có lần thứ 2 ông “lao mình vào lửa để ngồi ghế nóng”.

Một khi đã dấn thân vào nghiệp cầm quân, bất cứ HLV nào cũng xác định rõ kết cục của họ sẽ gắn liền với kết quả trên sân cỏ.

Vì vậy, liệu có thiếu chuyên nghiệp không khi hôm trước, HLV Miura tuyên bố mục tiêu dẫn dắt U23 Việt Nam vào nhóm 8 đội mạnh nhất châu Á thì ngay hôm sau, bầu Đức chê bai nhà cầm quân người Nhật “dở nhất trong các đời thầy ngoại của bóng đá Việt Nam”?

Đến chuyện VFF chẳng là "cái đinh gì"

Câu hỏi đặt ra là tại sao những phát ngôn như vậy lại có thể phát ra từ phía bầu Đức, khi ông đang nằm trong thành phần chủ chốt của VFF, đồng nghĩa với việc phải tuân theo những quy tắc nhất định của tổ chức ấy.


Bầu Đức đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch VFF nhưng chưa bao giờ cho thấy tổ chức này có quyền ấn định bất cứ điều gì lên cá nhân ông. Ảnh: Người lao động

Bầu Đức đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch VFF nhưng chưa bao giờ cho thấy tổ chức này có quyền ấn định bất cứ điều gì lên cá nhân ông. Ảnh: Người lao động

Không nói nhưng ai cũng hiểu, cách xử sự của bầu Đức thời gian qua phản ánh rõ nét 2 điểm. Thứ nhất, bản thân ông chủ HAGL không quá coi trọng tổ chức nơi ông đang đảm nhiệm cương vị phó chủ tịch.

Thứ hai, theo chiều ngược lại, chính VFF cũng không đủ sức để ngăn cản bầu Đức phát ngôn và hành động trong khuôn khổ được phép. Cho dù hiểu theo cách nào thì uy tín của VFF rõ ràng đang bị đặt dấu hỏi.

Trước khi kỳ họp thứ 5 của thường trực Ban chấp hành VFF diễn ra ngày 4/12, cũng lại là bầu Đức công bố với báo chí thông tin gây sốc về chuyện một doanh nghiệp sẽ đứng ra tài trợ cho ĐTQG nhưng yêu cầu đầu tiên là phải sa thải HLV Miura.

Người ta thấy sốc vì điều đó có lẽ cũng chỉ xảy ra ở bóng đá Việt Nam. Nguyên Phó chủ tịch VFF Lê Thế Thọ từng chia sẻ những gì ông chứng kiến trong quãng thời gian làm việc tại Đức:

“Ở Đức, không có chuyện anh có tiền thì muốn nhảy vào bóng đá rồi muốn làm gì thì làm. Liên đoàn đặt ra những quy định, nguyên tắc rất chặt chẽ mà muốn tham gia vào đó, dù anh là ai, giàu có cỡ nào cũng buộc phải tuân theo”.

Sự nghiêm minh cũng là điều dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nền bóng đá phát triển nào.

Khi tỷ phú Abramovich đầu tư vào Chelsea ở giải Ngoại hạng Anh thì đội bóng ấy ít nhất vẫn phải được gọi là Chelsea, chứ không phải một biến thể nào đó theo ý muốn của nhà tài phiệt này.

Nhưng chỉ ở Việt Nam mới có chuyện, các đội bóng đổi tên xoành xoạch theo tên nhà tài trợ, các ông bầu thích thì chơi không thì nghỉ…

Và bóng đá trong nhiều trường hợp bị biến thành cuộc chơi theo ý kiến chủ quan của một số ít người, chứ không thuộc về người hâm mộ.


Bầu Trường và bầu Thụy, những ông chủ tiêu biểu cho triết lý thích thì chơi, không thích thì nghỉ được VFF dung dưỡng và thỏa hiệp. Ảnh: Người lao động

Bầu Trường và bầu Thụy, những ông chủ tiêu biểu cho "triết lý" thích thì chơi, không thích thì nghỉ được VFF dung dưỡng và thỏa hiệp. Ảnh: Người lao động

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sau nhiều lần sửa đổi được đánh giá khá chi tiết và đầy đủ. VFF cũng không thiếu chế tài để thưởng phạt nghiêm minh.

Nhưng thực tế là những cú “bật đèn xanh” của VFF để các tổ chức lẫn cá nhân “lách luật” đã dẫn đến hậu quả là sự thiếu tôn trọng chính tổ chức ấy.

Thế thì phải trách ai khi Liên đoàn và vị HLV trưởng ĐTQG giờ chỉ rẻ “như mớ rau” trong mắt các ông chủ nhiều tiền lắm của?!

Mâu thuẫn giữa bầu Đức và HLV Miura bắt đầu khởi phát từ đầu năm nay, khi nhà cầm quân người Nhật không trọng dụng lứa học viên khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG tại U23 Việt Nam tham dự Vòng loại U23 châu Á.

Sau đó, ông chủ đội bóng phố núi liên tiếp có những công kích về năng lực của chiến lược gia sinh năm 1963.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại