Sau trận chung kết, HLV Masakazu thừa nhận U19 Nhật Bản sang Hà Nội dự giải U19 Đông Nam Á không phải là đội hình tốt nhất.
Ông Masakazu không hề “chém” bởi đội hình này không phải là tập thể từng vùi dập U19 Việt Nam tới 7-0 ở Cúp Tứ hùng. Mặc dù vậy, U19 Nhật Bản vẫn ở một trình độ và đẳng cấp cao hơn hẳn các học trò của HLV Graechen.
Trong đội hình của U19 Nhật Bản, có tới 6 cầu thủ đang đá ở J-League, 2 đội bóng thuộc J-League 2 và một cầu thủ khác đá ở J-League 3. Trong khi đó, lứa U19 Việt Nam chỉ mới ra ràng, ngoài việc được đào tạo ở lò HAGL Arsenal JMG, mới chỉ được cọ sát qua những giải đấu mang tính chất giao hữu.
6 cầu thủ chơi ở J-League của U19 Nhật Bản gồm thủ thành Kenshin, bắt cho CLB Vissel Kobe. Ở hàng hậu vệ là Genta, người ghi bàn duy nhất vào lưới U19 Việt Nam hiện khoác áo S-Pulse, bên cạnh Shota (S-Pulse), Keisuke (Omiya Ardija). Ở hàng tiền vệ là Masaya (Oita Trinita) và tiền đạo Naoki Ogawa (Gamba Osaka).
Ngoài ra còn có Takagi, khoác áo Tokyo Verdy, đội bóng đang đá ở J-League 2, Ando Akira đá hạng 3 cho Fukushima United. Chính việc được thi đấu đỉnh cao, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nên các cầu thủ U19 Nhật Bản thi đấu rất chững chạc.
Có ý kiến cho rằng U19 Việt Nam chơi ngang ngửa U19 Nhật Bản, song nếu theo dõi có cảm giác đội bóng trẻ đến từ đất nước mặt trời mọc không bung hết sức. Chẳng nói đâu xa, chính HLV Masakazu từng bóng gió rằng đã “thả” Công Phượng ở trận gặp nhau tại vòng bảng.
Nhật Bản vẫn là mô hình mà chính Việt Nam đang phải học tập, nên dễ hiểu khi một lò đào tạo HAGL Arsenal JMG thất bại trước cả một nền bóng đá.