Đó là nhận định của một nhà báo có thâm niên và tên tuổi tại Việt Nam về Thái Sung – “tài năng bị bỏ rơi” đang nổi đình nổi đám trở lại ít ngày qua. Vậy thật sự thì tài năng, con người Thái Sung như thế nào mà lại bị nhận định như vậy?
Thái Sung có thật sự đang bị “bỏ rơi”?
Liên hệ với HLV Phan Công Thìn, là một “người trong cuộc” của “bi kịch Thái Sung”, ông chia sẻ:
“Thực tế là Đà Nẵng và tôi cũng đã tạo rất nhiều cơ hội cho Thái Sung rồi. Như ở giải U21 Báo Thanh Niên 2014 vừa rồi, tôi cũng đã nhiều lần bố trí Thái Sung thi đấu. Ở trận U21 Việt Nam gặp U21 Singapore, lúc đội thắng 3-0 và chơi hơn người, tôi cũng đã tung Thái Sung vào sân, dù lúc đó trên băng ghế còn nhiều cầu thủ khác tài năng, đá rất tốt và cũng nhiều khát vọng như Lâm Ti Phông, Đức Huy... Khi đó, tôi cũng đã cố gắng động viên tinh thần Thái Sung, nói rằng “cả nước đang xem, con hãy cố gắng thi đấu để thể hiện khả năng của mình”. Nhưng kết quả thế nào thì ai xem cũng biết”.
HLV Phan Công Thìn
Theo HLV Phan Công Thìn nhận định, Thái Sung có điểm mạnh về kĩ thuật, nhưng lại có nhược điểm là quan sát tình huống xa kém, thiếu tốc độ và thể lực. Đồng quan điểm với thuyền trưởng U21 Việt Nam, nhà báo thể thao kì cựu Minh Hải – một người đã dành rất nhiều thời gian theo sát Thái Sun, nhận định:
“Thái Sung cũng giống các cầu thủ trẻ Việt Nam khác, có điểm vượt trội là chân trái rất khéo. Kĩ thuật rất tốt, mọi thứ ổn, khát vọng tuyệt vời. Nhưng nhược điểm chung là không khỏe, không nhanh. Tốc độ hạn chế nên cậu ấy ngày càng phải tận dụng lợi thế dê dắt, đi bóng khiến các pha phản công chậm lại. Vì thế mà nhiều HLV không thích...”
Trả lời về vấn đề liệu có phải Đà Nẵng đã không phát hiện, bồi đắp được khả năng thật sự của Thái Sung, HLV Phan Công Thìn tiếp:
“Là một người thầy, tôi không muốn nói quá nhiều về chuyện ưu điểm, nhược điểm của học trò trên báo giới nữa. Chỉ muốn nói là HLV Huỳnh Đức cũng đã thử thách Thái Sung trên đội 1 rồi, nhưng sao lại trả về đội trẻ? Rồi khi Đà Nẵng không nhận, thì nếu xuất sắc thật, cũng phải có các đội khác nhận chứ? Nhưng tuyệt nhiên ở V-League, rồi đến cả hạng nhất nữa, đều không có đội nào nhận Thái Sung và cuối cùng phải đến đội hạng nhì”.
Không chỉ HLV Phan Công Thìn hay nhà báo Minh Hải, mà khá nhiều chuyên gia có thâm niên khác trong làng bóng Việt Nam đều nhận định ở thời điểm này, Thái Sung có những điểm yếu “chết người”. Chính vì chưa thể cải thiện được các điểm yếu đó, nên tài năng từng xuất ngoại sang Aspire, Qatar mới không có chỗ đứng ở bóng đá nước nhà.
Thái Sung đang phải tìm cơ hội ở một CLB hạng nhì
Sa sút ở Việt Nam nhưng tại sao Thái Sung lại từng nổi đình, nổi đám ở Aspire, Qatar?
Trong một chia sẻ mới đây trước báo giới, ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng cho rằng quy mô của học viện Aspire cũng chỉ làng nhàng cỡ một trại hè bóng đá, hay chương trình dạy từ thiện cho học sinh trung học. Tạm không bàn tới thực chất khả năng đào tạo ở Aspire, nhưng học viện này có rất nhiều khác biệt với thực tại bóng đá ở Việt Nam.
“Nhiều người xót Thái Sung nhưng cần phải biết tiêu chí đánh giá của Việt Nam so với các học viện thế giới khác nhau. Học viện Aspire coi trọng kĩ thuật cá nhân, biểu diễn, kĩ năng nhiều. Còn khi đá bóng là tình huống đối kháng, thực tế. Nhiều người kĩ thuật không quá vượt trội nhưng xử lý tình huống rất tốt.
Vì thế cần xem lại Thái Sung có đúng là 1 thần đồng không vì khi có 2 tiêu chí khác nhau thì không ra cùng kết quả được” – nhà báo Minh Hải tiếp.
Nhà báo Minh Hải (phải)
Theo chia sẻ của nhà báo Minh Hải, gần như mọi tài năng của Việt Nam sau khoảng thời gian “du học” nước ngoài trở về quê hương đều trải qua khoảng thời gian khó khăn. Đó chính là độ vênh giữa “học đường” và thực tế chiến đấu chứ không phải độ vênh giữa các nền bóng đá tiên tiến với lạc hậu.
“Tất cả các cầu thủ Việt Nam khi đi đào tạo ở phương Tây đều có vấn đề giống Thái Sung. Mai Tiến Thành từng đi Leeds đào tạo rồi khi về cũng bị chống chếnh một thời gian. Phải rất cố gắng cậu ấy mới tỏa sáng được ở Thanh Hóa, rồi đi Ninh Bình, lên làm đội trưởng rồi được triệu tập vào tuyển Quốc gia. Mùa vừa rồi Mai Tiến Thành cũng vô địch V-League cùng Bình Dương nhưng đã phải rất cố gắng để thích ứng với loại bóng đá chơi đối kháng.
Sau Thái Sung có Hoàng Thế Tài, con Hoàng Trung Phong, cựu danh thủ Công An Hà Nội ngày xưa. Thế Tài cũng tập ở Aspire nhưng khi về nước các thầy cũng đánh giá thể lực, tốc độ không ổn. Bên đó các bài tập khác. Các cầu thủ phải đủ nhạy bén thay đổi mình, phù hợp với triết lý bóng đá của HLV, thậm chí phải thay đổi cả sở trường của mình thì mới mong tỏa sáng trở lại” – nhà báo Minh Hải tiếp tục có chia sẻ đầy tâm huyết.
* Theo một nguồn tin, ngày còn ở Aspire, Thái Sung đã tập luyện với lứa cầu thủ nhỏ hơn mình 2 tuổi. Vì thế khá dễ hiểu khi cầu thủ này có những khả năng vượt trội hơn so với đồng đội khi ấy.
Theo nhà báo Minh Hải, thực tế những trường hợp như Thái Sung có rất nhiều trong dòng chảy của bóng đá Việt Nam. Khi còn ở độ tuổi nhỏ, có rất nhiều tài năng được gọi lên mức Thần đồng. Nhưng ở giai đoạn chuyển giao lên chuyên nghiệp lại không thể khẳng định bản thân và tắt dần.
Làm sao để giúp đỡ Thái Sung?
Thẳng thắn chia sẻ với phóng viên, HLV Phan Công Thìn nhận định Thái Sung đang có những tiến bộ lớn trong thời gian qua.
“Thái Sung đang có những tiến bộ lớn thời gian qua, nhờ thế mà được gọi vào U21 Đà Nẵng rồi U21 Việt Nam. Thái Sung vẫn còn trẻ (20 tuổi), cơ hội còn nhiều nên điều quan trọng là phải không ngừng cố gắng”.
Trong khi đó, nhà báo Minh Hải tin nếu được chỉ dẫn đúng cách, chỉ sau 6 tháng, Thái Sung có thể vươn tới tầm 1 ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Nhưng để làm được điều đó, thật sự không dễ và cần một HLV tâm huyết.
“Các cầu thủ khi gặp độ vênh giữa trong và ngoài nước phải đủ nhạy bén thay đổi mình, phù hợp với triết lý bóng đá mới của HLV, thậm chí phải thay đổi cả sở trường.
Ví dụ Thái Sung phải thay đổi về thể lực, cách chơi. Thái Sung cầm bóng đột phá quá nhiều. Nếu để mất bóng rồi đối phương phản công sẽ rất nguy hiểm.
Một điều rất quan trọng khác là Thái Sung cần có người thầy tâm huyết, vì cậu ấy đang bị vênh cảm xúc rất lớn. Vừa tập ở 1 lò đào tạo lớn, thi đấu với các CLB lớn, được chụp ảnh với nhiều ngôi sao như Messi, Ronaldo, Ribery, Ballack thậm chí được Sporting Lisbon mời sang Bồ Đào Nha thi đấu nhưng giờ phải đá ở giải hạng 2 của Kon Tum. Nếu không “phanh” được Thái Sung về mặt cảm xúc thì cậu ấy có thể trôi về mặt tiêu cực.
HLV phải đủ tinh tế, nhạy bén, tâm huyết để làm bạn với Thái Sung, đưa ra các bài tập bổ trợ để giúp cậu ấy theo kịp các bạn. Cần giáo án bổ sung, tăng sức mạnh, sức bền, đột biến thì mới có thể hồi sinh được Thái Sung”.
Thái Sung cần phải nỗ lực thêm nữa để hoàn thiện mình
Trong chia sẻ mới nhất với báo giới vào hôm qua, chính Thái Sung cũng đã lên tiếng thừa nhận bản thân mình còn yếu kém trong việc thích nghi với môi trường mới là bóng đá trong nước. Và trong năm 2015 tới, Thái Sung chỉ hy vọng sẽ được ra sân thi đấu nhiều hơn, cho dù đó có là giải hạng 2 để được cọ sát, tích lũy thêm kinh nghiệm, trui rèn khả năng.
Thái Sung có mắc bệnh ngôi sao?
Không ít người từng tiếp xúc, gặp gỡ Thái Sung nhận định cầu thủ này có đôi phần tính cách “ngôi sao”. Những người “nhẹ nhàng” hơn, cũng đưa ra lời khuyên Thái Sung cần biết khiêm tốn, học hỏi và hòa nhập với đồng đội.
Riêng nhà báo Minh Hải thì đưa ra quan điểm rằng ở thời điểm này, thực tế Thái Sung cũng không còn gì để mà mắc bệnh “ngôi sao”. Và những ai tâm huyết với bóng đá Việt Nam, với Thái Sung, cũng không nên chỉ trích em về chuyện có mắc bệnh ngôi sao không nữa.
“Thực ra với mỗi cầu thủ, cá tính là điều tôi tôn trọng nhất. Đó có thể là cầu thủ quảng giao hay nội tâm, khép kín. Nhưng tựu chung họ đều là con người, có cảm xúc, chỉ là cách thể hiện khác nhau.
Như Công Vinh là một ngôi sao của công chúng, cậu ấy có thể nói chuyện với tất cả mọi người, từ báo giới tới NHM. Công Phượng thì mặt luôn lạnh như băng, nhưng không có nghĩa cậu ấy không có cảm xúc, chỉ là thể hiện như thế nào.
Còn chuyện Thái Sung có mắc bệnh ngôi sao hay không thì mỗi người một cảm nhận, cá nhân tôi cho rằng Thái Sung cần một sự khiêm tốn, nhìn nhận mình đang đứng ở đâu để phấn đấu.
Còn nếu Thái Sung mắc bệnh ngôi sao để xuống đội hạng nhì, thì cần phải biết giờ ở đội hạng nhì không thể còn bệnh đó được, vị thế quá khác nhau. Điều quan trọng là thay vì chỉ trích em, nhìn em khắt khe, hãy mở rộng tấm lòng để nghe, hiểu và đồng cảm với Thái Sung”.
Tạo cơ hội cho Thái Sung đến HAGL chơi cùng Công Phượng, Tuấn Anh… có thật sự là điều tốt?
“Điều Thái Sung cần là một ai đó hiểu, thông cảm và có thể thay đổi cậu ấy. Rồi sau đó mới là cơ hội cho Thái Sung ở đội bóng mà cậu ấy đang rất khát vọng. Lò HAGL là lò cực tốt, tốt nhất Việt Nam lúc này nhưng điều đó không có nghĩa đó là 1 lò thần kì biến cầu thủ đang tụt dốc thành một cầu thủ khác.
Điều quan trọng là phải nắm bắt được về mặt tinh thần, chúng ta muốn thay đổi 1 con người thì phải để cầu thủ đó tin. Với các cầu thủ trẻ như Thái Sung, những người đã trải qua quãng thời gian sống “trên mây” thì giờ xuống hiện tại rất khó chấp nhận.
Chúng ta phải gần gũi Thái Sung. Thay vì chỉ trích, nói em mắc bệnh ngôi sao hay đưa cho em các phương hướng khác thì hãy nghe em ấy nói, xem em ấy thực sự muốn gì. Tôi chắc chắn em ấy sẽ nói cần 1 người hiểu mình, nghe mình và cần 1 cơ hội để được thể hiện khả năng chứ không phải là chuyển đi đâu đó.
Như thế chỉ làm rối mù lên. Hãy làm 1 việc là nên nghe Thái Sung nói, để sửa từng tý một. Nếu các thầy không thể thì cần khơi gợi tình cảm gia đình, để trung tâm và gia đình cũng tác động. Nếu không chúng ta sẽ chỉ làm em xao lãng với chính vấn đề em cần đối mặt”